Thông qua biểu diễn nghệ thuật “Mời trà” và giới thiệu về trà Việt, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh mong muốn gửi lời chào mừng nồng nhiệt và chân thành, ấm áp đến tất cả các vị khách quý đến tham dự Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2023, cũng như cùng nhau thảo luận, chia sẻ những nội dung liên quan chủ đề của Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2023: “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”.
|
Quang cảnh chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ 100 CEO của các tập đoàn áp dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - CEO 100 Tea Connect (Ảnh: H.H).
|
Phát biểu khai mạc tại chương trình, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ, TP. Hồ Chí Minh là đô thị lớn trên 10 triệu dân, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của Việt Nam. Thành phố luôn nỗ lực xây dựng môi trường sống tốt, làm việc thuận lợi, an toàn, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh cũng đang đối diện với những thách thức như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu hụt nhân lực, tác động của tính chu kỳ trong phát triển kinh tế. Do đó, để ứng phó với những thách thức này, thành phố đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới. Thành phố rất quyết tâm bằng việc nghiên cứu đề ra khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới Net Zero vào năm 2050 (phát thải ròng bằng 0).
|
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc tại chương trình (H.H).
|
Theo Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi, chiến lược phát triển xanh đến 2030, tầm nhìn 2050 xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi, đồng thời xác định tập trung vào 4 nội dung:
Một là, nguồn lực xanh gồm nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế; Hai là, hạ tầng xanh, gồm chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và sử dụng nước tiết kiệm, tuần hoàn tài nguyên; Ba là, hành vi xanh trong tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh; Bốn là, các ngành nghề lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi, tại diễn đàn hôm nay, thành phố rất mong được lắng nghe các ý kiến chia sẻ của các quý vị đại biểu về một số vấn đề sau:
Vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh: hiện mỗi ngày số tiêu thụ điện năng của TP. Hồ Chí Minh khoảng 90 triệu kWh, nguồn cung chủ yếu từ bên ngoài và nhiệt điện, điện sạch chỉ 7,6%. Mục tiêu thành phố đến năm 2025 đạt 25% và năm 2030 đạt 35%-40% điện sạch. Vấn đề đặt ra là chính sách, thể chế, vốn và công nghệ.
Giao thông xanh: Giao thông đường bộ đang chiếm 18% lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Hệ thống giao thông nội đô thành phố đang bị chi phối bởi phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy. Năm 2019, thành phố có 777 phương tiện/1.000 dân và sự gia tăng xe ô tô khoảng 81 xe/1.000 dân. Vấn đề là cần tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân.
Xử lý rác thải, nước thải: hằng ngày, thành phố thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn, tỷ lệ tăng hằng năm khoảng 6% - 10%, rác sinh hoạt bình quân 0,98kg/người/ngày. Vấn đề đặt ra vẫn là chính sách, vốn và công nghệ.
Tín chỉ carbon: Nghị quyết 98 cho phép TP. Hồ Chí Minh được thí điểm giao dịch tín chỉ carbon, đây là vấn đề mới rất cần được tư vấn từ các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp về pháp lý, mô hình thí điểm, cách làm.
Xây dựng huyện Cần Giờ trở thành địa phương xanh: đây sẽ là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế. Tập trung xây dựng Cần Giờ ở các lĩnh vực giao thông xanh, các phương tiện giao thông trên địa bàn phải sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh, xử lý rác thành điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt tại Cần Giờ. Xây dựng Cần Giờ không phát thải nhựa, phát triển du lịch xanh tại Cần Giờ và thí điểm tín chỉ carbon với rừng Cần Giờ trở thành tiềm năng, lợi thế của huyện này.
Khởi nghiệp xanh và đầu tư xanh: TP. Hồ Chí Minh là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước, hướng tới sẽ xây dựng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực. Thành phố đang hướng hoạt động này theo hướng phục vụ kinh tế xanh, phát triển xanh. Vấn đề đặt ra là khung thể chế, chính sách, mô hình và cách làm để sớm biến thành phố thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển xanh.
Bên cạnh đó, vấn đề nguồn lực, ngoài nguồn nhân lực chất lượng cao, vấn đề tài chính cho chuyển đổi xanh cũng rất lớn, thành phố mong lắng nghe ý kiến chuyên gia để phát triển tài chính xanh, kết nối quốc tế đến với TP. Hồ Chí Minh – Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
|
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh mời trà các đoàn khách quốc tế, các chuyên gia quốc tế, các tổ chức tài chính (Ảnh: H.H).
|
Tại chương trình, các đại biểu tham dự CEO 100 Tea Connect đưa ra thông điệp về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn được. Cụ thể:
Tại chương trình, đại biểu là đại diện đến từ Hàn Quốc cho rằng: “biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn cầu và không chỉ của một quốc gia nào. Đối với các nước phát triển, trong đó cò Hàn Quốc đã có một bước tiến dài trong quá trình xanh hóa nền kinh tế. Tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau vượt qua những khó khăn có tính thời đại mà mỗi quốc gia đều phải nỗ lực và phấn đấu, hỗ trợ tích cực để có thể cùng nhau giữ cho trái đất của chúng ta luôn luôn là một cái hành tinh xanh”.
Ông Ichisaka Hirofumi, Giám đốc điều hành cấp cao về quan hệ quốc tế tỉnh Osaka (Nhật Bản) chia sẻ: “càng tăng trưởng càng tác động tiêu cực đến môi trường, kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy rằng đó là quá trình nhận thức khi mà phát triển nóng, phát triển không vì sự cân bằng; cần phải có một nền kinh tế cân bằng, nền kinh tế đó mà tăng trưởng không đảm bảo môi trường thì coi như không tăng trưởng và đó chính là nền kinh tế tuần hoàn, là sản phẩm đầu ra chính là nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất khác. Chúng ta có thể tái tạo và khai thác tối đa các sản phẩm và ông cũng giới thiệu sự thành công của tỉnh Osaka (Nhật Bản).
Ông Ricardo Valente, Ủy viên Hội đồng thành phố về kinh tế và tài chính thành phố Porto (Bồ Đào Nha) chia sẻ: “ở thành phố của ông, ngay từ năm học đầu tiên, các em học sinh đã được dạy làm sao để thích ứng với xanh hóa, tăng trưởng xanh. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, thuận tiện cho phát triển xanh ở các tòa nhà, không gian xanh trong lòng thành phố. Để phát triển hiệu quả tăng trưởng xanh cần tạo ra một tinh thần kinh doanh tuần hoàn; đặt ra thử thách để các doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu của thành phố, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp (xử lý nước, năng lượng…). Doanh nghiệp nào có giải pháp hiệu quả sẽ được chọn. Làm sao để việc tiêu dùng hằng ngày, như áo quần, thiết bị điện tử phải được tái sử dụng, tránh lãng phí, gây hại môi trường.
Cuối cùng là chính sách tài khóa và cơ chế khuyến khích miễn giảm thuế. Chúng tôi đã xây dựng chỉ số môi trường, miễn giảm thuế cho các công ty đáp ứng các chỉ số này. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có trung tâm năng lượng cung cấp năng lượng cho người dân, hướng dẫn cho người dân xây nhà xanh, đáp ứng các tiêu chí xanh, an toàn môi trường”.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Euro Charm khẳng định: Các thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu, hay cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đều hướng đến mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050.
Tôi rất vui và muốn chia sẻ với TP. Hồ Chí Minh rất nhiều, vì cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Euro có rất nhiều cánh cửa và đặc biệt là những cánh cửa đang mở rộng. Vấn đề quan trọng là Euro cũng cam kết và hỗ trợ cho chính quyền thành phố hoặc các địa phương của Việt Nam để thực thi các hiệp định đó có hiệu quả nhất, nhất là hiệu quả về kinh tế và chúng tôi rất mong sẽ có những buổi làm việc để chia sẻ về kinh nghiệm, hỗ trợ và mở rộng các hoạt động thương mại và đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh với các địa phương thuộc Euro. Để làm sao cho Hiệp định Thương mại tự do giữa Euro và Việt Nam trở thành hiện thực trong thực tế và có hiệu quả kinh tế rất rõ ràng. Tôi nghĩ rằng Euro là liên minh kinh tế có nhiều các hoạt động kinh tế mạnh và đặc biệt đã phát triển rất mạnh về kinh tế xanh. Đây là cơ hội để thành phố có thể tiếp cận được những kinh nghiệm đó để phục vụ cho việc đầu tư xây dựng phát triển thành phố trong thời gian tới - ông Gabor Fluit, Chủ tịch Euro Charm chia sẻ.
Hoàng Hào