Việc xử lý nồng độ cồn sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Việc xử lý nồng độ cồn sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi các cơ quan báo chí: Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại TP. Hồ Chí Minh và việc tăng cường kiểm soát vi phạm nồng độ cồn góp phần kéo giảm số ca nhập viện do TNGT hay không?

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ chí Minh cho biết: Theo kết quả thống kê của Công an TP. Hồ Chí Minh (CATP): Trong 7 ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 từ ngày 8-2-2024 đến ngày 14-2-2024 (từ ngày 29 Tết đến mùng 5 Tết) trên địa bàn TP. Hồ chí Minh xảy ra 18 vụ TNGT làm 3 người chết và 15 người bị thương. Trong đó có 2 vụ người điều khiển phương tiện có vi phạm nồng độ cồn, chiếm 11,11% (so với liền kề, giảm cả 3 tiêu chí, cụ thể: giảm 18 vụ, giảm 7 người chết, giảm 2 người bị thương; so với cùng kỳ (7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023) số vụ tai nạn tăng 3 vụ. Tuy nhiên số người chết giảm 4 người.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ chí Minh tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ chí Minh tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Ngay từ đầu năm 2023, bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, trong đó việc xử lý chuyên đề nồng độ cồn được thực hiện thường xuyên, liên tục, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nhằm hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe” trong nhân dân.

Qua đó góp phần kéo giảm tình hình TNGT trong năm 2023, cụ thể: Trong năm 2023 trên địa bàn thành phố xảy ra 1.729 vụ TNGT, làm chết 661 người, bị thương 1.049 người. So với cùng kỳ 2022 giảm 408 vụ, giảm 113 người chết, giảm 271 người bị thương.

Qua theo dõi, thống kê tình hình xử lý vi phạm giao thông cho thấy: Người dân thành phố đã dần hình thành thói quen, văn hóa giao thông “đã uống rượu, bia - không lái xe”. Việc kiên quyết xử phạt nồng độ cồn thời gian vừa qua đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ quần chúng nhân dân.

Những trường hợp bệnh về mắt không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ

Người có tật khúc xạ về mắt, có hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh xác nhận: Thị lực không kính (mắt phải: 1/10; mắt trái: 1/10); độ trục (loạn thị) mắt phải: 1,5 Diop; mắt trái: 1,25 Diop, thì có thuộc đối tượng gọi nhập ngũ không? Với câu hỏi của báo chí, đại diện Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh trả lời: Theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT- BQP ở Phụ lục I (phân loại sức khỏe theo thể lực và bệnh tật) tại phần II (Tiêu chuẩn phân loại theo bệnh tật), Mục 1 (các bệnh về mắt) thì: Thị lực không kính (MP: 1/10; MT:l/10) là Loại 6; Độ trục (Loạn thị) mắt phải: 1,5 Diop; mắt trái: 1,25 Diop thì tại mục 5 (các loại Loạn thị) là Loại 6.

Căn cứ Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4-10-2018 của Bộ Quốc phòng thì trường hợp này được quy định tại Điều 4, mục 3, Thông tư số 148/2018/TT-BQP về việc tiêu chuẩn tuyển quân là không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ.

Đại diện Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Đại diện Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Nếu người không đạt sức khỏe nhưng địa phương gửi thông báo “Đã đủ điều kiện nhập ngũ” và “Lệnh gọi công dân nhập ngũ” có đúng quy định của pháp luật không?

Với câu hỏi này, đại diện Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh cho biết: Căn cứ Điều 31 Luật NVQS năm 2015 quy định về tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân: “Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây: Lý lịch rõ ràng; Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định; Có trình độ văn hóa phù hợp...”.

Về tiêu chuẩn sức khỏe của công dân nhập ngũ thì căn cứ vào Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30-6-2016 của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; Thông tư 148/2018/TT-BQP ngày 4-10-2018 của Bộ Quốc phòng về quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.

Nếu công dân có thắc mắc hoặc không đồng ý về kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì căn cứ Điều 8 của Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định về việc “Giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự”, cụ thể:

Hội đồng giám định y khoa tỉnh tổ chức giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi có các khiếu nại liên quan đến sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự, công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự và quân nhân dự bị, do Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện đề nghị.

Yêu cầu giám định: Giám định tình trạng bệnh tật theo đề nghị của Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện; kết luận giám định phải xác định rõ tình trạng bệnh tật và phân loại sức khỏe theo Bảng số 1, Bảng số 2 và Bảng số 3 tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong vòng 7-10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị giám định sức khỏe, Hội đồng giám định y khoa tỉnh phải có kết luận giám định sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và gửi hồ sơ, kết quả giám định cho Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện.

Quyết định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh là kết luận cuối cùng về khiếu nại sức khỏe của công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và tuyển sinh quân sự”.

Cũng theo đại diện Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016-2023, TP. Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân về Luật NVQS năm 2015 và thực hiện tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, luôn đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu pháp lệnh với kết quả đã giao 19.357 công dân, đạt 100% chỉ tiêu, với chất lượng giao quân ngày càng cao (cử tuyến đảng viên chỉnh thức nhập ngũ đạt 2,86% so với chỉ tiêu; công dân nhập ngũ có trình độ học vấn trung cấp, cao đẳng, đại học đạt 39,50% so với chỉ tiêu, công dân có sức khỏe loại 1, loại 2 đạt 78,81% so với chỉ tiêu). 

Nhiều văn nghệ s tích cực tham gia Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Những năm qua, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã nhận được sự đồng hành của văn nghệ sỹ TP. Hồ Chí Minh, cả trong việc sáng tác tác phẩm nghệ thuật và hoạt động tình nguyện; tuy nhiên số lượng văn nghệ sỹ trẻ, những người có sức ảnh hưởng đến thanh thiếu niên tham gia còn chưa cao. Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) có giải pháp để thu hút thêm nhóm văn nghệ sỹ trẻ tham gia tốt hơn, từ đó lan toả hơn nữa đến thanh thiếu niên không?

Đồng chí Lâm Ngô Hoàng Anh - Chánh Văn phòng Sở VHTT cho biết: Những năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã nhận được sự đồng hành của văn nghệ sỹ TP. Hồ Chí Minh, cả trong việc sáng tác tác phẩm nghệ thuật và hoạt động tình nguyện. Bên cạnh sự gắn kết chặt chẽ, bền bỉ giữa cơ quan quản lý, các tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị nghệ thuật và cá nhân văn nghệ sỹ, thời gian qua, rất nhiều chương trình nghệ thuật, vở diễn sân khấu đã thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sỹ thành phố, trong đó có văn nghệ sĩ trẻ và nổi tiếng, có sức ảnh hưởng đến thanh thiếu niên như Châu Đăng Khoa, Đen Vâu, Nguyễn Văn Chung, các ca sĩ như Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Đông Nhi.

Đồng chí Lâm Ngô Hoàng Anh - Chánh Văn phòng Sở VHTT tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Đồng chí Lâm Ngô Hoàng Anh - Chánh Văn phòng Sở VHTT tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Trong thời gian tới, Sở VHTT tiếp tục duy trì gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, các tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị nghệ thuật và cá nhân văn nghệ sỹ; thường xuyên trao đổi thông tin về các hoạt động có ý nghĩa xã hội, vận động văn nghệ sỹ tích cực tham gia nhằm lan tỏa mạnh mẽ các giá trị nhân văn sâu sắc, nhân rộng các gương điển hình của văn nghệ sĩ trẻ Thành phố đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của cộng đồng.

Cương quyết xử lý các trường hợp lợi dụng mạng xã hội để thu hút người theo dõi về phía mình bằng những hành vi lệch chuẩn và vi phạm pháp luật

Gần đây, một người có tên là Nam Em, đăng tải trên mạng xã hội nhiều thông tin tiêu cực "lệch chuẩn" làm dậy sóng dư luận xã hội, thông tin với báo chí về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh cho biết:

Chúng tôi đã ghi nhận sự việc, lên kế hoạch và phối hợp với các cơ quan có liên quan để xử lý đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật.

Tôi xin nhắc lại thông điệp, những người sử dụng mạng xã hội cũng chính là những người được hưởng lợi từ mạng xã hội, nếu chúng ta đưa lên mạng xã hội những thông tin tích cực, những hành động nhân văn thì chúng ta sẽ đón nhận lại những năng lượng tốt từ những thông tin tích cực và hành động nhân văn đó.

Nếu chúng ta đưa lên mạng xã hội nhưng thông tin tiêu cực, xúc phạm cá nhân, tổ chức khác thì chúng ta sẽ bị xúc phạm và bị ảnh hưởng trực tiếp từ những thông tin tiêu cực đó.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông TP. Hồ chí Minh nói về vụ Nam Em tại buổi họp báo.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh nói về vụ Nam Em tại buổi họp báo.

Các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật sẽ cương quyết xử lý các trường hợp lợi dụng mạng xã hội để thu hút người theo dõi về phía mình bằng những hành vi lệch chuẩn và vi phạm pháp luật. Ai cũng nghĩ không gian mạng là ảo nhưng hậu quả là thật.

Do vậy, mỗi người chúng ta phải ứng xử trên không quan mạng theo đúng quy định của pháp luật. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn nhắn gửi đến mọi người qua vụ Nam Em – đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi nhấn mạnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất