Cần làm rõ tính đặc thù Thủ đô trong Dự án Luật Thủ đô

Dự án Luật Thủ đô nên như thế nào?

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với chủ trương cần ban hành một đạo luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ đặc điểm nổi trội, tính đặc thù của Thủ đô Hà Nội so với các địa phương khác; coi đây là điểm mấu chốt, là cơ sở để xây dựng dự thảo luật này. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng dự thảo Luật Thủ đô chưa giải đáp được vấn đề then chốt là tìm được tính đặc thù của Thủ đô, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại để khẳng định được tính đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Đại biểu Nguyễn Thị Khá, (Trà Vinh) và Lê Văn Hưng (Hưng Yên), đều mong muốn Ban soạn thảo phải chỉ ra được nét đặc thù của Thủ đô Hà Nội để làm cơ sở cho việc ra đời Luật Thủ đô.

Nhiều ý kiến đồng tình, song cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế. Đại biểu  Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật này mang dáng dấp của Pháp lệnh Thủ đô, với các quy định chủ yếu mang tính định hướng, không ràng buộc trách nhiệm cụ thể, thiếu chế tài xử lý. Như vậy, Luật Thủ đô có lặp lại tình trạng thực hiện cũng được, mà không thực hiện cũng chẳng sao hay không? Theo đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội), Ban soạn thảo cần nghiêm túc rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Thủ đô. Bởi Pháp lệnh Thủ đô có hiệu lực từ năm 2001, nhưng sau 4 năm mới xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành. Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị, Chính phủ cần sớm xây dựng dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô, để trình Quốc hội xem xét trước khi thông qua Luật.

 

Tính đặc thù của Thủ đô.

Qua thảo luận, các đại biểu đều khẳng định Thủ đô Hà Nội là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Để tạo điều kiện cho Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò quan trọng này, đồng thời xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại thì cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội. Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) nhấn mạnh, tính đặc thù chính là bởi Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Đây là đặc thù lớn nhất, từ đó chi phối đến những điều khác: vị trí, vai trò chính trị, quyền và nghĩa vụ của công dân Thủ đô và công dân cả nước với Thủ đô… Tuy nhiên, để xác định yếu tố "đặc thù", các đại biểu cho rằng cần phải lý giải rõ ràng, cụ thể hơn nữa trong luật. Các đại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên), Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng khi đưa ra mục tiêu xác định cơ chế đặc thù cho Hà Nội cần có những quan điểm thuyết phục hơn, bởi một số mặt hạn chế, yếu kém cần khắc phục của Hà Nội cũng giống hoàn cảnh của nhiều địa phương khác (chẳng hạn như nội dung quy định về mục tiêu xây dựng, phát triển Hà Nội). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền bày tỏ băn khoăn về việc nhiều điều khoản trong luật còn chung chung, chưa thể hiện hết tính đặc thù nếu áp dụng với Hà Nội. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi nhấn mạnh, để tạo cơ chế đặc thù cho Thủ đô, luật không phải chỉ quy định quyền hạn của chính quyền Thủ đô cao hơn mà phải chỉ ra cả những việc cấp cao hơn có trách nhiệm quyết sách để Thủ đô thực sự vì cả nước. Đại biểu Phùng Quốc Hiển (Yên Bái) cho rằng, dự án Luật Thủ đô cần tập trung đưa các quy định liên quan đến những vấn đề đặc thù, chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác...Mặt khác, đã là cơ chế đặc thù thì chỉ nên tồn tại trong một thời gian nhất định, không nên giữ mãi mãi. Một số đại biểu đề nghị, dự thảo Luật chỉ quy định các tiêu chí để xác định cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của thành phố Hà Nội, tạo căn cứ cho Chính phủ xác định cụ thể. 
 

Một số đại biểu khác cho rằng: Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội không đồng nghĩa với việc lấy thẩm quyền của Trung ương để phân cấp cho Hà Nội. Cần nghiên cứu để xác định có những vấn đề tuy là của Hà Nội nhưng Trung ương cần quyết định, cần đầu tư, để tạo điều kiện cho thành phố phát triển, xứng đáng với vai trò bộ mặt của đất nước... Đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội), Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) đề nghị, không chỉ tổ chức lấy ý kiến của nhân dân của thành phố Hà Nội, mà còn phải lấy ý kiến của nhân dân trên cả nước về các cơ chế, chính sách đặc thù với Thủ đô.

Tăng cường công cụ pháp lý cho quản lý đô thị Thủ đô.

Trong dự thảo luật Thủ đô có nội dung quy định về áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước (trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú) và quy định việc thu phí lưu thông đối với một số phương tiện giao thông ở nội thành, quy định mức thu phí trong nội thành cao hơn mức thu áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải... Về vấn đề này, nhiều đại biểu tán thành với quan điểm, mức độ xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm xảy ra tại nội thành Hà Nội phải được xử lý nghiêm khắc hơn. Đại biểu Đào Trọng Thi nhấn mạnh, mức phạt cao hơn mới đủ sức răn đe và tương xứng với hậu quả của hành vi vi phạm. Bởi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực trên, nhất là lĩnh vực giao thông, môi trường, văn hóa sẽ để lại hậu quả xấu hơn, thậm chí nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị Thủ đô - bộ mặt của quốc gia. Có ý kiến đặt vấn đề, có phải do ý thức chấp hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô kém hơn các nơi khác nên phải áp dụng mức xử phạt cao hơn? Nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn mức quy định chung của cả nước nhằm mục đích chấn chỉnh công tác quản lý đô thị, răn đe để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô....

Về vấn đề thu phí lưu thông, đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) bày tỏ quan điểm tán thành với dự thảo Luật và nhấn mạnh với quy định này sẽ góp phần giảm sức ép cho Thủ đô, đồng thời phát triển phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, cũng còn một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của biện pháp tăng mức xử phạt, thu phí đối với phương tiện lưu thông khu vực nội thành. Đại biểu H'Luộc N'Tơr (Đắc Lắc) băn khoăn, mức phạt cao sẽ là bao nhiêu, có phù hợp với thu nhập và điều kiện sống của người dân và cũng cần xem xét đến đặc thù ở Hà Nội là số lượng người ngoại tỉnh tham gia giao thông ở Hà Nội rất lớn. Bên cạnh đó, với số lượng phương tiện cá nhân quá lớn như Hà Nội hiện nay, việc thu phí sẽ được tính toán, thực hiện như thế nào?... Từ những băn khoăn đó, các đại biểu đề nghị, luật cần có lý giải, từ đó đề ra quy định và biện pháp thực hiện cụ thể hơn.

Trong lĩnh vực cư trú, đại biểu Nguyễn Đức Nhanh nêu thực trạng, mật độ dân số tại các quận nội thành đã quá tải, luật cần có biện pháp để điều chỉnh. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này không chỉ bằng hình thức xử phạt mà phải bằng nhiều biện pháp kinh tế - xã hội khác. Nếu xác định đây là một vấn đề "nóng", tác động lớn đến đô thị, cần phải sớm đề ra các giải pháp cụ thể trong luật.

Cũng nhằm thể hiện quan điểm tăng cường công cụ pháp lý cho quản lý đô thị Thủ đô, dự thảo luật có quy định "trên cơ sở đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù". Về vấn đề này, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ luật đề cập đến những loại văn bản nào, hiệu lực ra sao để không trái với Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất