Về phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 và thảo luận về Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Giá

Quốc hội đánh giá, giai đoạn 2006-2010, dù có nhiều khó khăn nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt nhiều kết quả nổi bật. GDP bình quân 5 năm đạt 7%. GDP năm 2010 gấp 2 lần năm 2000. Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam cam kết với quốc tế đã được thực hiện.

Tuy nhiên, trong số 24 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm có 10 chỉ tiêu chưa đạt. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phân hóa giàu nghèo tăng lên. Chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng hạ tầng... vẫn là những yếu tố kìm hãm sự phát triển. Nguyên nhân của yếu kém này tuy có tác động khách quan nhưng chủ quan vẫn là chính.

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong 2-3 năm đầu kế hoạch, tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. 2-3 năm tiếp theo, bảo đảm, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Nghị quyết đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu (10 chỉ tiêu kinh tế, 8 chỉ tiêu xã hội, 2 chỉ tiêu môi trường).

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và dự thảo Luật Giá. Các đại biểu cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật của người dân, tiến tới hình thành thói quen tôn trọng pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và của xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật vẫn nhiều còn nhiều điều quy định chung chung với các biện pháp một chiều nhằm đưa kiến thức pháp luật tới người dân chứ chưa chú trọng đến hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các đại biểu đề nghị Luật cần đưa ra được các quy định cụ thể về các biện pháp thúc đẩy việc xã hội hóa đối với công tác này chứ không nên quy định chung chung bằng các từ “khuyến khích”, “hỗ trợ”... Nhiều đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định về việc giáo dục pháp luật trong gia đình, cơ quan, tổ chức, nhất là giáo dục đối với phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng, cần quy định cụ thể hơn các đối tượng cần được ưu tiên hay bắt buộc được giáo dục phổ biến pháp luật. Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả, các đại biểu đề nghị dịch ra tiếng dân tộc thiểu số những bộ luật thiết yếu, các văn bản, tài liệu tuyên truyền, cần linh hoạt trong hình thức phổ biến, thực hiện đơn giản, phù hợp với từng vùng, miền để người dân có thể tiếp cận dễ dàng. Đặc biệt cần bỏ quy định coi đội ngũ báo cáo viên pháp luật là đội ngũ chuyên nghiệp và cần có những quy định mở để tận dụng đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, có kinh nghiệm... trong xã hội để làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Góp ý kiến vào dự thảo Luật Giá, đa số đại biểu nhận định việc ban hành Luật Giá là cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, khắc phục những bất cập hiện tại để quản lý giá phù hợp với cơ chế thị trường và đảm bảo khuyến khích cạnh tranh về giá. Việc ban hành Luật Giá sẽ góp phần quan trọng vào bình ổn giá thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, khắc phục những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Cùng quan điểm với đánh giá của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, nhiều đại biểu nhận định dự thảo Luật đã được hoàn thiện một bước, đã quy định rõ ràng và chi tiết về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về giá, về điều tiết giá của Nhà nước, thẩm định giá… Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn chưa đạt được mục tiêu phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ cung - cầu. Nhiều nội dung của dự thảo Luật tập trung quy định về quản lý nhà nước, chú trọng đến vai trò của các cơ quan nhà nước trong quyết định và điều tiết giá. Về chính sách bình ổn giá, thực tế cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại đáng lưu tâm.


Chính sách bình ổn giá chứa đựng nhiều điểm bất cập, chưa bảo đảm tính công bằng do cơ bản chỉ áp dụng ở một số thành phố lớn, tại các siêu thị, cửa hàng lớn, những nơi người nghèo không thể tiếp cận. Đặc biệt, việc áp dụng chính sách không đi đôi với biện pháp kiểm soát thực hiện dẫn đến lợi dụng chính sách để đầu cơ trục lợi, người dân không được hưởng ưu đãi, sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, kém hiệu quả, đã tạo dư luận không tốt trong một bộ phận người tiêu dùng. Nhiều đại biểu đề nghị cần bảo đảm công bằng khi triển khai thực hiện bình ổn giá và cần có chế tài nghiêm đối với các vi phạm quy định về bình ổn giá.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất