Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy: Bộ Tài chính đã cắt giảm khoảng 2.800 đầu mối

Với mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ năm 2013 đến cuối năm 2017, Bộ Tài chính đã cắt giảm được khoảng 2.800 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương.

thuế
Hệ thống thuế sẽ thực hiện sắp xếp lại 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc 63 cục thuế. Ảnh: T.T.

Cắt giảm các đầu mối từ trung ương đến tổ (đội)

Bộ Tài chính được tổ chức theo mô hình bộ đa ngành, đa lĩnh vực với cơ cấu tổ chức gồm: 20 vụ, cục và tương đương thuộc khối cơ quan bộ, 5 tổng cục (trong đó có 4/5 tổng cục được tổ chức theo hệ thống dọc), 9 đơn vị sự nghiệp; 183 cục ở cấp tỉnh, 1.541 phòng thuộc cục; 1.671 chi cục ở cấp huyện và có 5.640 tổ/đội thuộc chi cục.

Ngay khi Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được ban hành, Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã quan tâm, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện một số giải pháp đổi mới, sắp xếp bộ máy của Bộ Tài chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Theo Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính, từ năm 2013 đến cuối năm 2017, Bộ Tài chính đã cắt giảm được khoảng 2.800 đầu mối các đơn vị từ cấp trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương. Trong đó, giai đoạn này, tập trung tinh gọn bộ máy cấp phòng thuộc Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp tỉnh và cấp tổ (đội) của KBNN cấp huyện trên cơ sở chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy kế toán nội bộ phân tán sang mô hình tổ chức bộ máy kế toán nội bộ tập trung, cải tiến quy trình nghiệp vụ nhằm thống nhất đầu mối kiểm soát chi của hệ thống KBNN.

Cụ thể: KBNN cắt giảm hơn 2.000 đầu mối đơn vị (cấp phòng và cấp tổ, đội tại cục và chi cục địa phương). Tổng cục Thuế cắt giảm khoảng 700 đầu mối (cấp tổ, đội thuộc chi cục). Tổng cục Hải quan giảm được 13 đầu mối cấp phòng thuộc vụ thuộc tổng cục, giảm 37 phòng và tương đương thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố...

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm được 293 đầu mối, trong đó cấp tổ (đội) tại địa phương cắt giảm được 246 tổ (đội); cấp chi cục và tương đương cắt giảm được 44 chi cục (43 phòng giao dịch thuộc KBNN cấp tỉnh, 1 chi cục hải quan thuộc cục hải quan tỉnh), cấp phòng và tương đương thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ cắt giảm 3 đầu mối.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tổ chức lại hệ thống ngành dọc để tổ chức theo khu vực, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện sắp xếp các chi cục thuế thuộc cục thuế các tỉnh, thành phố. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13-4-2018 phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc ương để đảm bảo đến cuối năm 2020, Ngành Thuế giảm tối thiểu 50% chi cục thuế so với hiện nay là 711 chi cục.

Đến năm 2021 giảm 10% biên chế so với năm 2015

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa ngành, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ. Trong đó, để đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% biên chế được giao so với năm 2015, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm theo chỉ tiêu biên chế được giao là 3.491 biên chế (tương đương 4,7%) trong giai đoạn từ 2015 đến nay. Đối với những công chức dôi dư do sắp xếp bộ máy, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhưng còn hạn chế năng lực, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát để thực hiện tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP khoảng 600 trường hợp (đạt xấp xỉ 112% so với kế hoạch đề ra tính đến hết năm 2018).

Đồng thời, Bộ Tài chính đã rà soát xây dựng, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; thực hiện luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Quy định số 98-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và các văn bản pháp luật hiện hành.

Trong thời gian tới, nhằm mục tiêu đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện giảm các cục, chi cục, tổ (đội) và tương đương của các tổng cục và tương đương; giảm tối thiểu 10% biên chế toàn ngành so với năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 04/NQ-BCSĐ của Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính và Quyết định số 444/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn với Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Đối với cơ quan Bộ Tài chính, thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy của các vụ, cục, văn phòng, thanh tra đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về thành lập tổ chức theo quy định của pháp luật và thực tế triển khai nhiệm vụ của ngành. Đối với khối các tổng cục trực thuộc Bộ, đặc biệt là các tổng cục có hệ thống tổ chức ngành dọc, Bộ Tài chính dự kiến sẽ thực hiện kiện toàn, sắp xếp, nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, giảm cấp trung gian, tăng cấp tác nghiệp trực tiếp.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ trình cấp có thẩm quyền dự thảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Tổng cục Thuế; thực hiện cơ cấu lại cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và dự trữ nhà nước cấp chi cục để tổ chức hoạt động theo khu vực đảm bảo tương xứng giữa nguồn lực đầu tư với hiệu quả quản lý và phù hợp với quá trình cải cách, hiện đại hóa ngành. Về tinh giản biên chế, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2021, mỗi năm Bộ Tài chính sẽ thực hiện cắt giảm tối thiểu 1,77% biên chế được giao để đảm bảo giảm tối thiểu 10% chỉ tiêu biên chế được giao so với năm 2015 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng và hành động trong việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện cải cách bộ máy, tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức, người lao động đảm bảo công bằng, khách quan, coi hiệu quả công việc làm yếu tố quyết định.

Bộ Tài chính cũng sẽ gắn cải cách thủ tục hành chính, cải cách quy trình, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành với cải cách bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt với các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Tài chính và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, người lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; lấy kết quả thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Với định hướng nêu trên, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Tài chính quyết tâm thực hiện thành công kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính theo lộ trình phù hợp, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, đồng thời đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Đối với hệ thống thuế sẽ thực hiện sắp xếp lại 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành 154 chi cục thuế khu vực (giảm 173 chi cục); năm 2019 dự kiến sắp xếp lại 53 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành 25 chi cục thuế khu vực (giảm 28 chi cục thuế); năm 2020 dự kiến cắt giảm thực hiện sắp xếp lại 168 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành 78 chi cục thuế khu vực (giảm 90 chi cục); tiếp tục rà soát hệ thống Kho bạc Nhà nước cấp huyện để tổ chức hoạt động theo khu vực.

     

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất