Cách đây 100 năm, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành lúc đó mới vừa 21 tuổi, lấy tên là Văn Ba, đã bước lên con tàu vận tải La-Tuýt-xơ Tơ-rê-vin của Hãng hợp nhất (Pháp), rời Sài Gòn đi Mác-xây mang theo lòng yêu nước, thương dân nồng nàn và một khát vọng cháy bỏng, một hoài bão lớn lao là tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách lầm than, nô lệ. Sự kiện đó, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đời của Người. Đặc biệt, sự kiện đó có ý nghĩa quyết định đối với cách mạng Việt Nam sau này.
Về mục đích của chuyến đi lịch sử này, đã được Nguyễn Tất Thành khẳng định trước khi lên đường: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(1). Hơn mười năm sau, Người cũng nhắc lại khi trả lời nhà thơ, nhà báo Nga Ô-xíp Man-đen-xtam rằng: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái… Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”(2). Thế nhưng, một số học giả phương Tây lại có những nhận định sai lầm khi cho rằng, việc Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài năm 1911 là để tìm kế mưu sinh, mưu cầu danh lợi cá nhân. Nhận định sai lầm này là do những hạn về thế giới quan hoặc do ý đồ muốn làm giảm giá trị sự kiện lịch sử đó, nhằm bôi nhọ và hạ thấp uy tín lãnh tụ Hồ Chí Minh của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, làm sáng tỏ việc Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh quyết định ra đi tìm đường cứu nước có ý nghĩa rất quan trọng khẳng định giá trị lịch sử của sự kiện này, đồng thời góp phần tô đậm thêm nhân cách cao cả và vĩ đại của Bác Hồ kính yêu.
1. Nguyễn Tất Thành còn nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan, một người phụ nữ đảm đang, hiền lành, giàu lòng nhân ái. Thân phụ là ông Nguyễn Sinh Sắc, một vị Phó bảng, một nhà nho yêu nước, thương dân, có ý chí kiên cường vượt gian khổ để đạt được mục đích, chí hướng. Thời thơ ấu, Nguyễn Sinh Cung sống trong sự chăm sóc đầy tình thương của ông bà ngoại và cha mẹ. Qua những lời ru ngọt ngào, những câu hát phường vải hay những câu chuyện cổ tích mà bà ngoại và mẹ thường hát ru hay kể lại để đưa cậu vào giấc ngủ, đã thắp sáng trong tâm hồn thơ ngây của cậu ngọn lửa yêu quê hương, đất nước.
Tình yêu quê hương, đất nước ấy ở Nguyễn Tất Thành tiếp tục được bồi đắp do ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng và nhân cách của người cha. Ông Nguyễn Sinh Sắc mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với anh, phải chịu nhiều vất vả, thiệt thòi. Có tài, có chí, thông minh, hiếu học mà không được học. Nhưng nhờ bà con làng xóm đùm bọc, sự giúp đỡ của gia đình cụ Hoàng Đường (ông ngoại của Bác), của người vợ hiền tần tảo, nhờ có trí cao, nghị lực mạnh, kiên trì theo đuổi học hành thi cử. Cuối cùng ông đã đạt được chí hướng – đỗ Phó bảng năm 1901.
Trong 5 năm dạy học ở quê nhà, Nguyễn Sinh Sắc có điều kiện đi sâu vào cuộc sống của nhân dân, giao du tiếp xúc với nhiều sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân… Những nơi ông đến là những nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi và anh dũng. Những người ông kết giao đều là những người có lòng yêu nước, có chí cứu nước. Trong gia đình, Nguyễn Sinh Cung là người con được ông yêu thương và đặt nhiều hy vọng nhất, khi đỗ Phó bảng ông đã đổi tên Nguyễn Sinh Cung thành Nguyễn Tất Thành với hy vọng con sau này sẽ thành đạt. Đi đâu ông cũng thường cho Nguyễn Tất Thành đi cùng, nhờ vậy mọi việc làm, lời nói, cử chỉ hằng ngày của ông đều tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới cậu. Đặc biệt là những cuộc đàm luận với các sĩ phu yêu nước đã có ảnh hưởng lớn tới tình cảm yêu nước của Nguyễn Tất Thành. Cậu thường được cha cho đứng bên cạnh trong những lần ông tiếp khách. Những lúc ấy, Thành được nghe những câu chuyện về thời cuộc xã hội Việt Nam hồi đó và những việc làm cứu nước của các ông. Nhờ đó mà nhận thức về xã hội và lòng yêu nước của cậu cũng đã được nhen nhóm lên từ đây.
Nhưng có lẽ tư tưởng thương dân của ông Nguyễn Sinh Sắc mới ảnh hưởng sâu sắc nhất, quyết định nhất đối với sự hình thành chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành. Lòng thương dân đó có gốc rễ sâu xa từ trong cuộc đời nghèo khổ mà đi lên, chịu ơn sâu nặng của dân. Ông Nguyễn Sinh Sắc là con người đôn hậu, vốn xuất thân nghèo khổ, sống gần dân nên dễ xúc cảm và thương người. Khi làm quan, ông đứng về phía dân nghèo, trừng trị bọn cường hào, tổng lý… hay ức hiếp dân nghèo. Tư tưởng tiến bộ và nhân cách cao thượng của phụ thân đã ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Tất Thành, làm sớm nảy nở tình yêu nước, thương dân ở Người.
Rõ ràng, tư tưởng yêu nước, thương dân của Nguyễn Tất Thành được bắt nguồn và hun đúc từ chính trong môi trường gia đình của mình, đặc biệt là từ người cha kính yêu.
2. Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An giầu truyền thống văn hiến và cách mạng. “Mảnh đất này không nổi tiếng về vẻ đẹp và sự giầu có của thiên nhiên mà vì người dân của nó”(3). Mảnh đất nghèo nhưng rất giầu lòng nhân ái và sâu nặng nghĩa tình. Chỉ có những con người có tinh thần mạnh mẽ mới thắng được thiên tai, mới tồn tại được trong cuộc đấu tranh chống lại đói nghèo. Chính vì thế, cư dân ở đây, từ thế hệ này qua thế hệ khác đã tôi luyện được một tính cách thật khác thường, một nét văn hóa rất riêng đó là truyền thống hiếu học với nhiều dòng họ, nhiều làng học nổi tiếng, sản sinh cho đất nước nhiều danh tướng, lương thần, nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, đã để lại nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.
Quê ngoại là làng Hoàng Trù (làng Trùa), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vốn nghèo, nắng lên là hạn, mưa to mấy ngày là lụt. Quê nội là làng Kim Liên (làng Sen), “Tuy nghèo nhưng Kim Liên mang truyền thống hiếu học của xứ Nghệ. Từ năm 1635-1918, qua 96 khoa thi hương và thi hội, làng Kim Liên đã có 53 người đỗ đạt”(4). Nho sĩ ở làng Kim Liên khá đông, và trở thành nơi thường xuyên lui tới của các nho sĩ quanh vùng. Không chỉ giầu truyền thống hiếu học, cần cù trong lao động, tình nghĩa trong cuộc sống, người dân ở đây còn giầu truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm với những tấm gương lẫm liệt được ghi vào sử sách như Hoàng Xuân Hành, Nguyễn Sinh Quyết (5)… cậu Nguyễn Sinh Cung con người trí khôn mở trước tuổi đời, hẳn đã tìm hiểu về những điều này.
Cái nôi quê hương giầu truyền thống bất khuất với bản sắc riêng của xứ Nghệ đã tạo cho Nguyễn Tất Thành sớm có lòng yêu nước, thương dân và chí căm thù giặc sâu sắc. Đây cũng là nguồn sức mạnh “vô hình” tiếp tục nuôi dưỡng và hun đúc tinh thần yêu nước, thương dân ở Người.
3. Truyền thống gia đình, quê hương là “mảnh đất tốt” ươm mầm và làm nảy nở tinh thần yêu nước, thương dân ở Nguyễn Tất Thành. Song, tinh thần ấy lại được tiếp tục nuôi dưỡng và ngày càng phát triển từ ảnh hưởng của các thầy giáo, các sĩ phu yêu nước mà cậu từng gặp hay qua các “tân văn”, “tân thư” mà cậu được đọc.
Nguyễn Tất Thành đã được học chữ Hán ở nhà thầy Vương Thúc Quý – một người giầu lòng yêu nước thương dân. Mặc dù sống trong sự kiểm soát của bộ máy thống trị từ làng đến tỉnh, nhưng thầy Quý không hề ngần ngại dạy cho học trò tư tưởng yêu nước, thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời. Nhà thầy Quý còn là nơi lui tới của các sĩ phu yêu nước trong vùng. Nhiều khi Nguyễn Tất Thành được thầy sai tiếp nước cho các vị khách đặc biệt này, nhờ đó cậu dần dần hiểu thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất, nhà tan. Vấn đề thời cuộc có quan hệ đến sự sống còn của dân tộc đã ngày một thấm sâu vào trái tim và khối óc của cậu.
Năm 1902, khi theo cha vào dạy học ở Võ Liệt, huyện Thanh Chương, qua những cuộc tiếp xúc của cha với các thân sĩ vùng Thanh Chương cũng giúp cho Nguyễn Tất Thành hiểu rõ hơn sự trăn trở về con đường cứu nước, cứu dân của các bậc cha anh. Theo lời khuyên của ông nghè Nguyễn Quý Song “muốn đánh kẻ thù phải học tiếng kẻ thù để hiểu được kẻ thù”(6), Nguyễn Tất Thành được cha gửi vào học ở lớp dự bị trường Vinh. Tại đây, cậu chú ý đến ba từ được sơn vào gỗ gắn ở phía trên bảng đen “LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRANTERNITÉ” nghĩa là “ TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI”, đó là khẩu hiệu nổi tiếng của Đại cách mạng Pháp năm 1789. Đối với cậu những điều này hoàn toàn mới lạ, khác với những điều mà cậu đã được học trong sách vở thánh hiền. Vì vậy, cậu nảy ra ý muốn “tìm xem những gì ẩn dấu sau những chữ ấy”(7). Tuy nhiên chưa hết năm học Nguyễn Tất Thành đã phải nghỉ học để theo cha vào Huế.
Khi ở Huế, Nguyễn Tất Thành vào học ở trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, rồi trường Quốc Học Huế. Đây là một quyết định rất khác người của ông Nguyễn Sinh Sắc. Bởi thời điểm này, đa số các nhà Nho đều không muốn cho con cái mình vào học trường Pháp - Việt, vì vào đây phải học chữ Pháp, bỏ mất chữ Nho là “chữ của Thánh hiền”. Các sĩ phu, ghét Pháp ghét luôn cả văn hóa Pháp, không muốn cho con cái theo học chữ Tây, chữ quốc ngữ. Ông Nguyễn Sinh Sắc không phải là người hủ nho, bảo thủ như vậy. Đối với Nguyễn Tất Thành, học ở những trường này là điều kiện tốt để cậu trực tiếp tiếp xúc với nền giáo dục mới nói riêng và nền văn minh phương Tây nói chung. Năm 1908, Nguyễn Tất Thành chuyển sang học ở Trường Quốc học Huế. Các thầy giáo ở đây có cả người Pháp và người Việt, trong số những thầy giáo người Việt cũng có những người yêu nước, có ý thức giáo dục học trò không quên giang sơn, Tổ quốc như thầy Hoàng Thông, Lê Văn Miến… Các thầy không chỉ dạy về văn hóa mà còn dành nhiều thời gian nói chuyện với học sinh về những thành tựu dân chủ, văn minh phương Tây. Chính ảnh hưởng của các thầy giáo tân học và những sách báo tiến bộ ấy mà ý định sang phương Tây tìm hiểu lớn lên trong tâm trí Nguyễn Tất Thành.
4. Lòng yêu nước, thương dân và khát vọng giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành được thôi thúc và nhân lên khi Người ngày càng thấm thía thân phận cùng khổ của người dân mất nước.
Hằng ngày, Nguyễn Tất Thành chứng kiến cảnh đói, nghèo của người dân. Bọn quan lại đặt ra đủ các thứ thuế. Bọn hào lý tham nhũng vô bờ và ra sức bóc lột nông dân. Ở Nghệ An khổ cực nhất là phải đi phu làm con đường số 7 từ Diễn Châu đi Xiêng Khoảng trên đất Lào. Đây là nơi núi non hiểm trở, hoang vu, rừng thiêng, nước độc, “Số người được trở về rất ít. Vả lại người ta có làm gì giúp cho người dân phu trở về quê quán đâu!”(8) .
Từ năm 14 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã được cha đưa đi nhiều nơi ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, đến đâu cậu cũng chứng kiến những cảnh bất công, khốn cùng của người dân mất nước. Không chỉ người lao động nghèo khổ, “những người lao động áo xanh lấm lem dầu mỡ lầm lũi đi vào các nhà máy để rồi sau giờ tan tầm lại phờ phạc đi ra, đen đủi, hốc hác”(9).
Sự kiện có ảnh hưởng nhất đến Nguyễn Tất Thành thời kỳ này là tham gia phong trào chống thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế. Mặc dù mang tính chất ôn hòa nhưng đã bị thực dân Pháp và triều đình phong kiến nhà Nguyễn đàn áp hết sức dã man. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ký của mình đã viết: “Vào thời kỳ này (tức 1908) phong trào đấu tranh ở Huế rất sôi nổi…Đồng bào các nơi kéo về Huế biểu tình suốt mấy ngày liền, đòi giảm thuế. Pháp đưa lính đồn Mang Cá xả súng bắn vào những người dân không tấc sắt. Nhiều người bị đẩy xuống sông, máu đỏ loang trên cầu Trường Tiền”(10).
Năm 1911, khi ở Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành lại thấy thêm sự đối lập giữa cảnh xa hoa dành riêng cho người Pháp, còn người Việt Nam đa số vẫn lam lũ, khổ cực.
Như vậy, từ truyền thống gia đình, quê hương và dân tộc; từ những tri thức, tư tưởng học ở trường, ở các thầy giáo và đặc biệt từ những điều mà anh trực tiếp chứng kiến hằng ngày của một dân tộc bị mất nước, đã làm nảy nở và ngày càng bồi đắp, hun đúc, nhân lên lòng yêu nước, thương dân và khát vọng cứu nước, cứu dân của Người. Đây chính là những nhân tố cơ bản, chủ yếu, là cơ sở quan trọng nhất để Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh quyết định ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
-------------------
1. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Trẻ - Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.14
2. Theo Ôxíp Manđenxtam: “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản – Nguyễn Ái Quốc”. Báo Đốm Lửa (Liên Xô) số 39, ngày 23-12-1923
3. E. Côbêlép, Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2010, tr.11
4. Song Thành, Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.21
5. Song Thành, Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.23
6. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.61
7. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.1, tr.41
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.2, tr.81
9. Song Thành, Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.40
10. Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn hóa, H, 1977, tr. 325
Phạm Văn Minh
Giảng viên Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viên Kỹ thuật Quân sự