Nguyễn Tất Thành, trước hết, chịu ảnh hưởng từ người cha - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nguyễn Sinh Cung (tên Nguyễn Tất Thành hồi nhỏ) là người được cha yêu thương và đặt nhiều hy vọng nhất. Trong 5 năm từ chối không ra làm quan, Nguyễn Sinh Sắc thường đến những nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp, kết giao với những người yêu nước, có chí cứu nước, đặc biệt là lớp sĩ phu có tư tưởng “bài” phong kiến, chống Pháp như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân… Đi đâu, ông cũng thường cho Nguyễn Sinh Cung đi theo. Chính nhờ vậy mà mọi việc làm, lời nói, cử chỉ hằng ngày của ông đều tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc tới Nguyễn Sinh Cung. Khi có khách đến chơi, Nguyễn Sinh Cung thường được cha cho đứng bên cạnh giúp cha tiếp khách. Nguyễn Sinh Cung nghe được những câu chuyện về thời cuộc và những chủ trương cứu nước của các cụ. Lòng yêu nước của Nguyễn Sinh Cung được nhen nhóm từ đây, đồng thời góp phần giúp cho Nguyễn Sinh Cung thêm nhiều suy nghĩ về con đường mình sẽ lựa chọn.
Nguyễn Sinh Sắc còn là người có tư tưởng tiến bộ, chán ghét chốn quan trường. Năm 1905, cụ cho hai người con trai của mình là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung xuống TP.Vinh học ở Trường Tiểu học do Pháp mở. Quyết định này được cho là khác người của cụ, bởi vào trường này phải học chữ Pháp, trong khi cụ theo đuổi nền giáo dục truyền thống Nho học. Trải qua tuổi ấu thơ ở quê, Nguyễn Sinh Cung có khoảng 10 năm sống ở Huế - Kinh đô của chế độ phong kiến Việt Nam. Đây có thể coi là quê hương thứ hai của Người, mảnh đất đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc ý chí cứu nước của Nguyễn Sinh Cung. Đặc biệt, tháng 4-1908, Người đã trực tiếp tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung. Có thể nói, tất cả những điều mắt thấy, tai nghe ở trên đã tác động rất sâu sắc đến sự hình thành chí hướng cứu nước, đặc biệt là việc Người phủ định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo ý thức hệ phong kiến.
Nguyễn Tất Thành một mặt bị hấp dẫn bởi những giá trị của tư tưởng dân chủ tư sản, đồng thời cũng rút ra được những kinh nghiệm thất bại của các phong trào yêu nước theo ý thức hệ tư sản. Trong một lần trò chuyện với nhà báo, nhà thơ Nga Ô-xíp Man-đen-xtam năm 1923, Người nói rằng: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe 3 chữ Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái… Thế là tôi rất muốn làm quen với với văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy... Tôi tìm cách ra đi nước ngoài”(1). Như vậy, việc Nguyễn Tất Thành sang phương Tây năm 1911 một phần cũng bởi sức hấp dẫn của những giá trị dân chủ tư sản được kết tinh trong khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái của đại cách mạng Pháp.
Có thể nói, đến cuối thế kỷ XIX, trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản qua các tân thư, tân văn Trung Quốc dội vào Việt Nam; cùng với các học thuyết về nhân đạo, dân quyền thông qua sách báo Pháp cũng được truyền bá vào Việt Nam. Bên cạnh đó, gương tự cường của Nhật Bản, đặc biệt là chiến thắng của Nhật đối với Nga trong chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905) đã ảnh hưởng đến phong trào cách mạng và tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đối với Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành, càng tiếp thu những tư tưởng tiến bộ Tây Âu, Người càng khao khát muốn tìm hiểu sự thật của 3 từ Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Ngoài ra, Nguyễn Tất Thành còn biết đến tư tưởng, giá trị dân chủ tư sản qua thực tế cuộc sống, điều đó giúp Người có điều kiện hiểu rõ bản chất của bọn thực dân với cái gọi là “khai hóa thuộc địa”. Người “chú ý theo dõi những lời nói và việc làm của người Pháp ở trường và cả những người Pháp đang làm việc trong cái mà bọn chúng gọi là chính phủ “bảo hộ”. Càng học, cậu Cung càng hoài nghi về những từ đẹp đẽ do người Pháp nêu ra”(2).
Trong sự hình thành tư tưởng về con đường cứu nước mới, dưới ảnh hưởng, tác động của tư tưởng dân chủ tư sản, còn phải nói đến những bài học kinh nghiệm mà Nguyễn Tất Thành đã thu được từ các phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, tiêu biểu là phong trào yêu nước của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Dù thất bại nhưng các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX đã đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến chí hướng của Nguyễn Tất Thành, để rồi Người có một quyết định đúng đắn là xuất dương tìm đường cứu nước.
Trải qua hành trình đến nhiều nước thuộc địa, phụ thuộc, tư bản đế quốc, hoà mình vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân các nước, Người nảy sinh ý thức về sự cần thiết phải đoàn kết những người bị áp bức để đấu tranh cho nguyện vọng, quyền lợi chung vì “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột” và “cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi, tình hữu ái vô sản”(3). Nguyễn Tất Thành tìm hiểu cách mạng tư sản Pháp 1789, cách mạng tư sản Mỹ 1776. Người rất khâm phục tinh thần cách mạng kiên cường của nhân dân 2 nước, coi trọng bài học của hai cuộc cách mạng ấy song không thể đi theo. Bởi vì, “cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư sản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(4). Nhận thức đó chứng tỏ Nguyễn Tất Thành đã không coi học thuyết dân chủ tư sản và cách mạng tư sản là vũ khí lý luận, con đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc mình.
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã ảnh hưởng quyết định đến quá trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh. Mặc dù lúc ấy chưa hiểu về nước Nga và cách mạng Tháng Mười, nhưng Người đã tỏ lòng ngưỡng mộ cuộc cách mạng này. Tháng 7-1920, khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp, thì sự kết hợp giữa thực tế của cuộc Cách mạng Tháng Mười với lý luận cách mạng V.I.Lênin đã nâng cao nhận thức của Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc, đáp ứng những tình cảm, suy nghĩ, những hoài bão ấp ủ từ lâu. Người xác định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(5).
Như vậy, trải qua gần 10 năm vừa nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn, không ngừng phê phán, lựa chọn, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Đó là “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(6). Con đường kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười, con đường kết hợp giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Lịch sử cách mạng nước ta sau một thế kỷ đã chứng minh rằng chỉ có con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mới có thể đưa dân tộc ta tiến lên tự do, ấm no, hạnh phúc. Trung thành với con đường Hồ Chí Minh đã chọn trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta một mặt phải thực hiện triệt để, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, phải vận dụng sáng tạo tư tưởng và lý luận của Người vào điều kiện cụ thể hiện nay. Không có sáng tạo thì cách mạng không thể giành được thắng lợi. Nhưng vận dụng sáng tạo không có nghĩa là tước bỏ linh hồn của nó, mà phải làm cho nó càng được phát huy, phù hợp, hiệu quả hơn. Những kết quả to lớn sau hơn 25 năm đổi mới ngày càng khẳng định con đường mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn là hoàn toàn phù hợp với tiến trình đi lên của cách mạng Việt Nam và là đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp đổi mới.
----------------------
(1): Đỗ Quang Hưng, Thêm những hiểu biết về Hồ Chí Minh, Nxb Lao động, H.1999, tr.125.
(2): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, tập 1, tr.266.
(3): Sách đã dẫn, tập 2, tr.274.
(4): Sđd, tập 10, tr.127.
(5): Sđd, tập 9, tr.314
(6): Sđd, tập 10, tr.128
Nguyễn Văn Đạo
Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II