Sinh ra và lớn lên trong hòa bình, thế hệ chúng tôi không phải trải qua thời “mưa bom, lửa đạn”, chưa cảm nhận hết những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh nơi chiến trường cam go, ác liệt trong các cuộc kháng chiến thần thành của dân tộc. Bởi vậy, câu thơ mộc mạc, dung dị của nhà thơ Tố Hữu: “Trường Sơn đông nắng tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình” đã khắc sâu trong tâm khảm, thôi thúc chúng tôi hướng trái tim, khát khao được hành trình về Trường Sơn đại ngàn, được một lần đến với “cõi linh thiêng”, thắp nén hương thơm, tri ân những người con trung hiếu của dân tộc đã mãi mãi nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn huyền thoại để giữ vững độc lập, tự do, hạnh phúc cho thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau.
Chứng kiến khoảng không gian tĩnh lặng và những đoàn người đi trong trầm mặc, chúng tôi phần nào hiểu được Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và giá trị cuộc sống hoà bình hôm nay. Nơi đây - chiến trường vô cùng ác liệt, có đường Hồ Chí Minh huyền thoại - con đường chiến lược đảm bảo sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, những chàng trai cô gái đã để lại sau lưng tất cả những gì tốt đẹp nhất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Họ không chỉ là người lính anh dũng trên chiến trường, trực tiếp chống lại kẻ thù mà còn biết bao người lính, dân công với trí tuệ, sức trẻ và bản lĩnh Việt Nam đã “không tiếc tuổi thanh xuân” dốc hết sức lực vì miền Nam thân yêu. Họ như những “con thoi” không sợ “mưa bom, bão đạn” của kẻ thù, cùng nhau mở tuyến giao liên vận tải quân sự xuyên Trường Sơn, đáp ứng yêu cầu: “Tiền tuyến kêu gọi, hậu phương sẵn sàng đáp ứng", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Vì miền Nam ruột thịt, miền Bắc làm việc bằng hai”.
Những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam đã ghi nhận: trên các tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, trọng trách nặng nề và cũng đầy vinh quang được Đảng và Bác Hồ giao phó cho cán bộ, chiến sỹ Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Cùng với sự chi viện ngày càng lớn về vật chất và tinh thần cho chiến trường miền Nam, Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn ngày càng được bổ sung thêm lực lượng, có thời điểm lên tới 10 vạn bộ đội, hơn 1 vạn thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến... Vượt qua mọi hiểm nguy, mưu trí, sáng tạo “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, họ đã xây dựng nên một tuyến đường vận tải hoàn chỉnh với tổng chiều dài 17.000km nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, nối dài qua Lào, Căm-pu-chia. Phát hiện ra con đường giao thông huyết mạch của nhân dân ta, đế quốc Mỹ không từ bỏ một thủ đoạn và hành động tàn bạo nào, chúng sử dụng đủ các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất nhằm hủy diệt tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền hai miền đất nước Việt Nam. Đường Trường Sơn trở thành nơi giao chiến quyết liệt giữa nhân dân Việt Nam yêu nước với đế quốc Mỹ xâm lược!
Trong cuộc đấu tranh không cân sức ấy, sức mạnh tinh thần, ý chí, bản lĩnh Việt Nam đã chiến thắng sức mạnh vật chất của kẻ thù. Cuộc chiến đấu vô cùng oanh liệt kéo dài 6.000 ngày đêm, hơn 2 vạn chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, văn nghệ sỹ... đã vĩnh viễn nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn xanh thẳm ở tuổi đời còn rất trẻ. Họ là những chàng trai, cô gái anh hùng ở độ tuổi mười tám, đôi mươi - chung sức đồng lòng lấy tuổi trẻ của mình đổi lấy màu xanh hùng vĩ của Trường Sơn. Và, đường Trường Sơn đã trở thành một trong những biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường và bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong cuộc chiến đấu cam go suốt hơn hai thập niên chống đế quốc Mỹ, cứu nước vĩ đại. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn những người đã ngã xuống trên con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh. Vì vậy, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời là điểm hẹn lịch sử và nơi đánh thức lương tri nhân loại về một thời “Hoa – Lửa”, Trường Sơn!
Nghĩa trang cấp quốc gia được xây dựng trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, cách trung tâm thị xã Đông Hà khoảng 38km về phía Tây Bắc; cách quốc lộ 1A (đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20km về phía Tây Bắc với tên gọi Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24-10-1975 và hoàn thành vào ngày 10-4-1977. Chỉ huy xây dựng là Bộ Tư lệnh Đoàn 559 với sự tham gia của hơn 40 đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương.
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2, quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính, mỗi khu vực có Đài tưởng niệm riêng với các phong cách kiến trúc đặc trưng từng vùng, miền khác nhau. Kiến trúc các Đài tưởng niệm được xây dựng theo phong tục tập quán, bản sắc, biểu tượng đặc trưng riêng của mỗi địa phương - hồn quê Việt Nam thể hiện nét đẹp truyền thống văn hoá của từng vùng, miền trên dải đất hình chữ S. Với phong cách kiến trúc và cách quy tập các phần mộ thành không gian đặc trưng vùng, miền vừa trữ tình, vừa bi tráng, vừa thể hiện đời sống tâm linh, hướng hương hồn các anh, các chị về nguồn cội - nơi chôn rau cắt rốn, đồng thời thể hiện sự giao cảm giữa người sống và hương hồn người đã khuất!
Hiện nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn có 24 cán bộ, nhân viên thường xuyên chăm sóc, tu bổ và tiếp đón các gia đình liệt sỹ, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng. Ngoài ra còn có tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá xã Hoà Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Binh đoàn Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-1999), Đảng và Nhà nước đã quyết định cho nâng cấp, tôn tạo lại nghĩa trang Trường Sơn với nhiều hạng mục. Nơi an nghỉ đời đời của các anh hùng liệt sỹ Trường Sơn là một trong những công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ, quy mô, mang tính nghệ thuật cao, thể hiện niềm nhớ thương sâu sắc, lòng biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn không chỉ là nơi suy tôn, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, sức mạnh, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, nơi các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa theo truyền thống đạo lý cao đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam; địa chỉ đỏ của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế mà còn là nơi bày tỏ sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đi trước. Soi mình vào màu trắng thuần khiết và sự vô tận của khoảng không trầm mặc, chúng tôi thấy mình nhỏ bé vô cùng và cảm nhận được giá trị của cuộc sống hoà bình, độc lập, tự do mà “những con người như chân lý sinh ra” đã để lại, thiêng liêng biết nhường nào!
Thắp nén hương thơm viếng hương hồn người “nằm dưới cỏ”, lòng chúng tôi trào dâng niềm xúc cảm, tự hào về những người con trung hiếu của đất nước. Giờ đây, đất nước đã thanh bình nhưng các anh, các chị không thể trở về với mẹ mà mãi mãi nằm lại “ngôi nhà chung” - “Cõi thiêng” giữa đại ngàn trong tiếng thông reo và gió thoảng, chứng kiến dân tộc Việt Nam hùng mạnh trên đường hội nhập và phát triển. Ở đây, không chỉ vào ngày thương binh, liệt sĩ 27.7 hàng năm mà còn vào những dịp mồng một, ngày rằm và nhiều ngày tháng… không có nấm mộ nào nguội lạnh khói hương. Linh hồn các anh, các chị luôn được nâng niu, trân trọng trong lòng triệu triệu người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc mỗi độ hành hương về. Đó chính là ý thức về cội nguồn, là truyền thống nhân văn, đạo lý“Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về trách nhiệm đối với non sông đất nước, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, viết tiếp trang sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế!
Nguyễn Văn Cường, Phạm Thị Nhung
Trường sĩ quan Lục quân 2