Cách đây 60 năm, ngày 20-2-1952, với lực lượng lớn pháo, xe cơ giới, máy bay yểm trợ quân Pháp bao vây làng Hạ Đồng (Thụy Sơn, huyện Thái Thụy) hòng “cất vó” Tiểu đoàn 337 Kiên Trung thuộc Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 của ta đang đóng tại làng. Nhưng chúng đã thất bại bỏ lại 200 xác chết. Phía ta có 46 cán bộ chiến sỹ hy sinh, trong đó có nhiều liệt sỹ hiện vẫn vô danh. Làng Hạ Đồng đã xây đài liệt sỹ và nhân 65 năm Ngày Thương binh liệt sỹ đã khánh thành đền thờ liệt sỹ Hạ Đồng.
Làng kháng chiến cùng những chiến công vang dội
Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, thôn Hạ Đồng thuộc Tổng Hạ Đồng, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Tháng 8 năm 1947, Hạ Đồng thuộc xã Hồng Hưng, huyện Thụy Anh. Năm 1955, Hạ Đồng thuộc xã Thụy Sơn, huyện Thụy Anh và nay thuộc xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy. Trong kháng chiến chống Pháp, Hạ Đồng nằm trên trục đường giao thông huyết mạch giữa hai huyện Thụy Anh và Thái Ninh và phía Nam giáp sông Diêm Hộ.
Đáp lại lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Hạ Đồng đã xây dựng làng kháng chiến với 3 cổng ra vào. Xung quang làng trồng tre gai bao kín bốn mặt bên trong là lũy đất, dưới lũy là hào giao thông dài chừng 3 km, đặc biệt có một hào giao thông dài tới 2 km lên tới làng Nhạo Sơn phục vụ chiến đấu liên thôn. Cùng với các ụ tác chiến tiểu đội, cứ 5m có một công sự chiến đấu cá nhân. Người dân trong làng bán cả ruộng họ, phe giáp lấy tiền mua sắm vũ khí cho dân quân du kích. Nhà có trâu ủng hộ 2 mìn, có bò ủng hộ 2 lựu đạn… Nhiều đám cưới thách bằng mìn, chông, lựu đạn để ủng hộ du kích… Và còn lập hũ gạo nuôi quân, hũ gạo kháng chiến, cung cấp cho bộ đội…
Ngày 26-2-1950, thực dân Pháp chiếm đóng Thụy Anh. Làng kháng chiến Hạ Đồng nằm trong vòng vây của định ngay cạnh bốt Trà Linh, Đồng Hòa… khét tiếng. Nhưng lòng yêu nước, kiên trung với Đảng vẫn thấm vào từng mái rạ, bờ tre, sân đình trong lòng mỗi người dân Hạ Đồng. Trong suốt gần 2 năm 1950, 1951, làng đã cất dấu, nuôi dưỡng đoàn cán bộ của Ban Kinh tế Trung ương cùng với một lượng vật tư thuốc men, vải vóc để phục vụ kháng chiến và nuôi trinh sát của E42 về nắm tình hình an toàn.
Địch tổ chức hội Tề, Hạ Đồng hóa trang, đưa người của cách mạng đứng ra lập Tề, trừ khử được 2 tên tề ngụy nguy hiểm làm cho bọn phản động hoang mang lo sợ không dám o e hoạt động. Hạ Đồng trở thành Tề kháng chiến.
Ngày 15-3-1951, địch từ bốt Cầu sắt Thái Ninh vượt sông Diêm Hộ càn quét làng Hạ Đồng. Dựa vào làng chiến đấu quân dân du kích dưới sự chỉ huy của đồng chí Thạch xã đội phó đã dũng cảm đánh địch, dụ địch vào hố chông, bãi mìn. Sau 3 giờ chiến đấu, địch bị thương vong một số nhưng vẫn không vào được làng và phải rút chạy. Trong trận này, du kích Nguyễn Văn Rật đã anh dũng hy sinh.
Ngày 24-4-1951, cánh quân thứ 3 của địch gồm 6 tiểu đoàn từ cầu Nguyễn đánh xuống Vô Hối, dọc đê sông Diêm Hộ qua Hạ Đồng về xã Hồng Hưng rồi xuống Trà Linh - Diêm Điền… Làng chiến đấu Hạ Đồng bị địch đốt và phá sạch gần 300 nóc nhà. Trong 2 ngày chúng lùng sục cán bộ, bắt bớ gần 100 thanh niên dân quân du kích, nhân dân đưa đi giam ở Thái Bình và Hải Phòng. Trận này 3 đồng chí: Trần Văn Phấn, Chủ lực xã, Trần Văn Hậu, cán bộ du kích, Nguyễn Văn Luân, Thôn đội trưởng bị bắt dưới hầm bí mật. Tra tấn cực hình vẫn không moi được tin tức gì, chúng đã bắn chết đồng chí Hậu, đồng chí Phấn. Còn đồng chí Luân chúng tưởng đã chết nhưng nửa đêm tỉnh lại nay là thương binh nặng. Sau trận càn này tình hình trở nên hết sức khó khăn, nhiều cán bộ, đảng viên, dân quân du kích bị giết, bị bắt, ngày 24-6-1951, hai đồng chí trung kiên là Ngô Văn Phẩm và Ngô Văn Tầm bị địch phát hiện là đảng viên đã bị bắt và đưa về Trà Linh tra khảo rồi bắn chết.
Chống trận càn Cờ-ra-xanh (Mưa phùn). Ngày 14-2-1952, quân Pháp dùng 4 tiểu đoàn quân ứng chiến gồm 2/3 lính Âu Phi cùng 60 xe cơ giới, 5 đại bác 105 và 175 mở trận càn khắp huyện Thụy Anh. Ngày 20-2-1952 Chúng càn lên giải vây cho bốt Đồng Hòa Trà Linh rồi bao vây hòng “cất vó” Tiểu đoàn 337 Kiên Trung thuộc E52 F 320 của ta đang đóng tại làng Hạ Đồng. Chúng không ngờ đêm 19 tháng 2 năm 1952 toàn bộ lực lượng dân quân của làng, của xã đã tập trung mượn thuyền nan trong dân, lấy tre, gỗ, chuối cây, đóng bè chở thương binh của đơn vị qua sông trước. Tất cả thương binh và C80 đi hộ tống thương binh đã vượt sông Diêm sang huyện Thái Ninh an toàn. Xã đội trưởng Vũ Xuân Yêng, chính trị viên Ngô Văn Hiển cùng thôn đội trưởng Trần Văn San… đã có mặt chỉ huy.
4 giờ sáng ngày 20-2-1952, địch bao vây chặt làng Hạ Đồng. Trước tình hình đó Ban chỉ huy Tiểu đoàn 337 có cả đồng chí Trung đoàn phó Bình Chuẩn và Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình Vũ Văn Bính cùng đi đã hội ý và triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu đánh địch bảo toàn lực lượng. Phương án tác chiến như sau: Đại đội 79 bố trí ở phía Bắc làng Hạ Đồng, Đại đội 81 bố trí ở phía Nam làng, Đại đội 296 bố trí ở phía Tây làng, Đại đội 80 triển khai ở giữa 2 đại đội 79 và 81. Dù biết tiểu đoàn nằm trong thế địa hình không có lợi: đằng sau là sông, bên phải, bên trái đằng trước đều có địch nhưng tinh thần quyết tâm chiến đấu toàn đơn vị rất cao. Dân quân du kích làm nhiệm vụ dẫn đường, trinh sát nắm địch và chuyên chở thương binh… Dân làng, người già, phụ nữ, trẻ em đã được bộ đội hướng dẫn đi sơ tán từ đêm. 6 giờ sáng đội hình triển khai xong, dựa vào lũy tre, tường đất, vườn dân đào thêm công sự chiến đấu và tránh phi pháo địch.
9 giờ sáng địch chia làm 3 mũi tiến vào làng: mũi từ Đồng Hòa xuống chỉ có bộ binh theo hướng tây đánh vào. Mũi từ hướng bắc, Nhạo Sơn xuống là hướng chủ yếu có nhiều bộ binh và xe thiết giáp yểm hộ. Mũi từ hướng đông, Trà Linh lên có nhiều bộ binh, xe tăng, xe lội nước theo ven đê đến. Địch triển khai lực lượng chiếm lĩnh bờ mương, bờ đê cách trận địa C79 và C181 khoảng 5 đến 6 trăm mét. Chúng cho khoảng 1 tiểu đội, từng tổ đi cách xa nhau chừng 100m vừa đi vừa thăm dò vào làng.
10 giờ 30 phút địch phán đoán có chủ lực ta trong làng và ngay lập tức dùng pháo từ các hướng tập kích dồn dập vào làng.
Sau 1 giờ địch pháo kích khoảng 4.000 quả đạn pháo bộ binh địch có xe tăng, xe bọc thép, xe lội nước yểm hộ từ 3 hướng tấn công vào làng. Tiểu đoàn 337 ta để địch vào làng cách 10-15m đồng loạt nổ súng và ném lựu đạn làm nhiều địch chết và bị thương , số sống sót bỏ chạy không cứu được nhau. Khoảng 1 giờ trưa địch mở đợt xung phong đợt thứ hai nhưng cũng bị đánh bật ra sau nhiều đợt tấn công vào bất thành. Gần 3 giờ chiều địch huy động 10 lần chiếc máy bay Hencat và 6 lần chiếc máy ném bom B26 đến ném bom và bắn phá, có cả bom na-pan. Làng Hạ Đồng bị cày xới, trận địa C79 của ta ở phía bắc bị đảo lộn, thừa cơ địch cho bộ binh xung phong vào làng, chúng hò la lục soát, bộ đội ta vừa đánh vừa lui. Nhưng địch vào đến làng, bất ngờ bị quân ta tập trung hỏa lực nổ súng phản kích, tiểu đoàn trưởng dẫn đầu, bộ đội hô xung phong, địch hoảng loạn bỏ chạy ra khỏi làng. Quân ta nấp trong các công sự còn lại sau các lũy tre bắn tỉa từng tên địch lội ruộng rút chạy.
4 giờ chiều, sau khi bị quân ta phản kích, tổn thất rất nặng mà không chiếm được làng, địch buộc thu quân rút lui về bốt bỏ lại xác đồng bọn.
Trận càn của địch bị thất bại. Kết quả ta tiêu diệt gần 200 tên địch thu được nhiều vũ khí. Bên ta hy sinh 46 bộ đội, trong đó cán bộ và nhân dân Hạ Đồng chôn cất 17 đồng chí. Thắng lợi của Tiểu đoàn 337 và dân quân du kích Hạ Đồng trong trận chống càn Mưa phùn, làm nức lòng quân dân, tạo đà thắng cho các đơn vị bạn, đẩy địch lún sâu vào thế bị động. Đêm 20-2-1952 dân quân du kích cùng bộ đội thu dọn chiến trường, dùng thuyền bè, đưa bộ đội, thương binh vượt sông sang huyện Thái Ninh.
Tấm lòng của hậu thế tri ân các anh hùng liệt sỹ
Hòa bình lập lại, cán bộ nhân dân Hạ Đồng đã qui tụ hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang và lập đền thờ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trận đánh ngày 20 tháng 2 năm 1952, tức 25 tháng Giêng năm Nhâm Thìn. Hằng năm cứ đến 25 tháng Giêng nhân dân Hạ Đồng tổ chức ngày “giỗ trận”.
Từ đó đến nay, Hạ Đồng đã được đón nhiều đoàn khách về thăm và tri ân các liệt sỹ. Ngày 18-11-1998, Thiếu tướng Ngô Huy Biên, nguyên là Tiểu đoàn trưởng 337, Đại tá Đỗ Huy Y, nguyên đại đội trưởng Đại đội 81, Tiểu đoàn 337 Trung Kiên về thăm làng chiến đấu Hạ Đồng và dâng hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.
Ngày 29-2-2000, (tức ngày 25 tháng giêng năm 2000), Trung tướng Lê Hai, nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn 337, Thiếu tướng Ngô Huy Biên – Giáo sư, tiến sĩ Học viện Quốc phòng nguyên là Tiểu đoàn trưởng 337 và 13 thành viên trong gia đình liệt sỹ Phạm Thanh Hải hy sinh tại Hạ Đồng dự lễ kỷ niệm 48 năm Hạ Đồng “giỗ trận”.
Ngày 8-3-2002, (tức ngày 25 tháng giêng năm 2002) có 60 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 91 huyện Thụy Anh và 17 thân nhân gia đình có Liệt sỹ tại Hạ Đồng cùng 40 thân nhân có Liệt sỹ của làng Hạ Đồng đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến đã về dâng hương.
Ngày 18-3-2004, UBND xã Thụy Sơn đã cho phép cán bộ và nhân dân làng Hạ Đồng xây Đài tưởng niệm Liệt sỹ. Với tấm lòng công đức hàng trăm triệu đồng cùng hàng trăm công của nhân dân, ngày 4-4-2004 Đài tưởng niệm Liệt sỹ đã được cắt băng khánh thành.
Sau nhiều năm trăn trở, theo nguyện vọng của cán bộ nhân dân trong làng, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ngày 20-10-2010, ông Ngô Ngọc Vững, Trưởng ban quản lý đài tưởng niệm đã cùng cán bộ nhân dân trong làng khởi công xây dựng đến thờ các liệt sỹ cạnh Đài liệt sỹ Hạ Đồng. Số tiền xây dựng đến từ tiền bán cây cảnh, tiền thu được từ hơn 2 sào ruộng cấy cùng một số tiền công đức của cán bộ nhân dân trong thôn, trong xã cũng như của đồng đội, thân nhân các liệt sỹ.
Ngày 26-7-2012, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, ngôi đền thờ liệt sỹ Hạ Đồng được khánh thành. Đây là công trình tâm linh thành kính của người dân Hạ Đồng, người dân Thụy Sơn với 46 liệt sỹ Tiểu đoàn kiên trung 337 (trong đó có hơn 30 liệt sỹ vô danh) trong trận chống càn ngày 20-2-1952, đối với 40 liệt sỹ là người con mảnh đất Hạ Đồng hy sinh trong các cuộc kháng chiến và rộng hơn là đối với các anh hùng liệt sỹ đã quên thân mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc và hòa bình hạnh phúc của nhân dân.
Lã Quý Hưng