Triệu Thị Trinh (225-248): Nữ anh hùng
dân tộc sinh năm ất Tỵ, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô xâm
lược. Bà còn được gọi là Triệu Trinh Nương, Nhụy Kiều tướng quân hoặc Lệ Hải Bá
Vương. Bà quê ở Cửu Chân, huyện Nông Cống (nay thuộc vùng núi Quan Yên, miền
Định Công, Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa). Bà giỏi võ nghệ, có chí lớn. Năm 19 tuổi, đáp lời người hỏi về việc chồng con, bà
nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông,
đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ, há chịu cúi đầu là tỳ thiếp người ta ư?”. Bà
cùng anh là Triệu Quốc Đạt chiêu tập nghĩa quân, quyết lòng đánh đuổi quân Ngô
xâm lược để cứu nước, cứu dân. Năm Mậu Thìn (248), cuộc khởi nghĩa bùng nổ.
Giữa lúc chiến đấu ác liệt với quân Ngô, anh bà đột ngột lâm bệnh rồi mất, một
mình bà tiếp tục chỉ huy dân quân đánh đuổi giặc. Cuộc khởi nghĩa thất bại,
Triệu Thị Trinh rút kiếm tự đâm cổ hy sinh khi mới 23 tuổi.
Cao Bá Quát (1809-1854): Sinh năm Kỷ
Tỵ, là danh sĩ thời Tự Đức, tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu
Mẫn Hiên, quê làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Quyết
Chiến, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Ông nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm
1831, ông 22 tuổi, đậu á nguyên trường thi Hà Nội. Nhưng thi Hội 2 phen đều bị
đánh hỏng. Ông sáng tác nhiều thơ văn biểu lộ tình yêu quê hương, dân nước và
khí phách chống cường quyền, bất công, khinh bỉ những kẻ khom lưng uốn gối để
được giàu sang. Năm 1841, quan đầu tỉnh Bắc Ninh đề cử ông với triều đình, ông
được triệu vào kinh và được sung chức Hành tẩu Bộ Lễ. ít lâu sau, khi được cử
làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, ông và bạn đồng sự là Phan Nhạ chữa một số
bài thi văn hay nhưng phạm húy, toan cứu vớt người tài. Việc bị phát giác, ông
bị kết vào tội chết. Nhưng vua Thiệu Trị giảm tội cho ông, chỉ cách chức và
điều vào Đà Nẵng. Sau lấy cớ chăm sóc mẹ già, ông cáo quan về sống ở quê nhà.
Năm 1854, Cao Bá Quát làm quân sư cho Lê Duy Cự chống lại triều đình. Việc khởi
nghĩa ở Mỹ Lương thất bại, ông bị bắt rồi bị hành quyết cùng với hai con là Cao
Bá Phùng và Cao Bá Phong. Ông để lại cho đời bộ sách Chu Thần thi tập. Thơ văn
ông dù bằng chữ Hán hoặc quốc âm đều có giá trị nội dung và nghệ thuật cao, đặc
sắc là những bài ca trù.
Đào Tấn (1845-1907): Sinh năm Ất Tỵ, là
nhà soạn tuồng nổi tiếng. Ông tên thật là Đào Đặng Tấn, quê thôn Vĩnh Thạnh, xã
Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm Đinh Mão 1867, Đào Tấn là một
trong số mười tám người đỗ cử nhân khoa thi Hương tại trường thi Bình Định,
được bổ làm quan. Ông từng giữ các chức vụ Tổng đốc Nghệ An, Phủ doãn Thừa
Thiên, Thượng thư Bộ Công, rồi Hiệp tá Đại học sĩ. Ông nổi tiếng thanh liêm,
công bằng, giỏi văn chương. Chính ông đã sáng lập ra bộ môn Hát bội ở Bình Định
và được suy tôn là Hậu tổ của ngành Hát bội Việt Nam. Năm 1904, vì chống tên việt
gian Nguyễn Thân, ông bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn. Tại quê hương, ông
có mở một trường dạy kịch nghệ gọi là “Học bộ đình”. Đào Tấn mất năm 1907 (Đinh
Mùi), 62 tuổi. Ông để lại nhiều văn thơ và đặc biệt là nhiều tác phẩm tuồng có
giá trị tư tưởng và mang đậm chí khí của ông: Sống ở đời mà thấy chuyện ngang
trái không trị thì còn mặt mũi nào dạy dỗ thiên hạ trong tuồng.
Trần Hữu Trí (1917-1951): Nhà văn có
bút danh là Nam Cao. Ông sinh ngày 29-1 năm Đinh Tỵ tại làng Đại Hoàng, Cao Đà,
huyện Nam Song, nay là xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Trước Cách mạng
Tháng Tám, ông dạy học tư, sáng tác văn học, nổi tiếng với các truyện ngắn,
tiểu thuyết xã hội. Năm 1943, ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc. Cách mạng
Tháng Tám bùng nổ, ông tham gia hoạt động tích cực ở quê. Năm 1946, ông nhập
đoàn quân Nam
tiến vào Nam Trung bộ để kháng chiến chống Pháp. Sau đó, ông làm công tác tuyên
truyền, báo chí và văn nghệ ở Việt Bắc. Ông hy sinh ngày 30-11-1951 tại Ninh
Bình. Các tác phẩm chính của ông: Sống mòn, Lão Hạc, Chí Phèo, Đời thừa, Đôi
mắt...
Minh Đức (sưu tầm)