Trường Sa ngày ấy... bây giờ
Vững tay súng bảo vệ vùng biển Tổ quốc. Ảnh: Thu Huyền

Ra Trường Sa

Trong mỗi người đều có một nơi để lưu giữ những thông tin quan trọng về cuộc sống. Với tôi, những tháng ngày làm nhiệm vụ ở Trường Sa như một cuốn phim tài liệu luôn tái hiện. Tôi từng ước ao được một lần quay lại nơi ấy. Và như một cơ duyên, sau ngần ấy năm về đất liền và chuyển ngành ra dân sự, tôi được trở lại Trường Sa trong một chuyến thăm đảo do Quân chủng Hải quân tổ chức. Trong suốt cuộc hành trình, đặt lại dấu chân trên các đảo Cô Lin, Len Đao, Đá Thị, Song Tử, Nam Yết, Trường Sa, Sinh Tồn, Đá Nam, Đá Tây... ngập tràn cảm xúc. Vẫn những tên gọi ấy, vẫn không gian biển và trời ấy, dù đã nhiều đổi thay nhưng quá đỗi thân thương. Đến giờ, sau 20 năm, tôi vẫn nhớ như in chuyến tàu đưa chúng tôi ra đảo rời cảng Cam Ranh vào một ngày cuối năm dương lịch. Chưa một lần ra khơi, chưa một lần thử sóng, những thông tin có được từ đợt tập huấn chỉ liên quan tới tình hình chung và nhiệm vụ tác chiến... Với tôi và đồng đội, đó là chuyến đi đầu tiên trên biển ấn tượng nhất và thử thách nhất.

Không như bây giờ, được ra đảo trên một con tàu to, sức dằn cả ngàn tấn, đè sóng lướt đi. Chiếc tàu BĐ77 đưa chúng tôi ra quần đảo khi ấy đã cũ lắm, tải trọng 400 tấn và hạ thủy từ cuối những năm 1950. Không có định vị, dẫn hướng vệ tinh, người lái tàu đưa chúng tôi đi bằng cơn sóng, bằng sao trời và liên tục chỉnh hướng lái bằng tay theo la bàn. Tháng 12, đó là tháng của những con sóng dữ gối nhau theo những đợt gió mùa Đông Bắc, biển động triền miên. Mặc cho những đợt sóng liên tục táp vào mũi tàu, hắt từng đợt nước và bụi nước trùm lên boong, con tàu BĐ77 cứ lầm lũi trườn trên hết đợt sóng này đến đợt sóng khác hướng ra Trường Sa. Sau một ngày, trên tàu chỉ kíp thuỷ thủ là chịu được, còn lại tất cả chúng tôi đều say sóng, con tàu liên tục lắc từ bên này sang bên khác, những người say nhẹ thì cố gắng bám chặt vào tay vịn cửa, đạp chân vào hành lang chật hẹp của con tàu để giữ thăng bằng trước các đợt sóng. Sau này dù đã quen với sóng biển, nhưng vẫn thật khó để tả trạng thái say sóng là như thế nào, dường như chỉ có thể tự cảm nhận và vượt qua nó bằng thời gian. Say nôn cả mật xanh, mật vàng, say đến quay cuồng đầu óc. Nhưng thật lạ, sáng sớm ngày thứ 3 của hành trình, khi thuyền trưởng thông báo đã thấy đảo Song Tử, cảm giác say như vụt biến mất, tất cả chúng tôi bật dậy và lên tháp chỉ huy tàu. Đằng xa, phía chân trời lúc ẩn, lúc hiện theo những con sóng là một diềm cát lẫn cây xanh nổi lên giữa những vòng tròn sóng. Một cảm giác ấm áp, tĩnh lặng chợt đến. Với mỗi người lính chuẩn bị bước chân lên đảo đều có cảm nhận riêng, nhưng chung nhất là sự xúc động trước hình bóng hòn đảo nhỏ - cột mốc chủ quyền của Tổ quốc giữa biển khơi bao la.

Lên đảo, việc tiếp nhận, bàn giao nhiệm vụ giữa mới và cũ được tiến hành rất nhanh; phần là do đã được chuẩn bị trước, phần là do biển mỗi lúc một động phải chuyển hàng và giao quân để tàu không bị kẹt lại đảo. Ngay buổi chiều hôm đó, sau khi cấp hết hàng dự trữ và hàng Tết cho đảo, con tàu BĐ77 lại nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình, còn chúng tôi ngay lập tức bước vào nhiệm vụ. Công việc không bao giờ ngừng trên đảo là luân phiên trực chiến và tuần tra, quan sát liên tục trên không, trên biển, nhận lệnh từ sở chỉ huy, tăng và hạ các cấp độ báo động... Dường như không có thời gian cho sự chuyển đổi nào, chúng tôi đến đảo và bắt đầu nhiệm vụ của mình giống như những đồng đội trước đó đã làm như vậy.

Về lại thời trai trẻ

Trở lại Trường Sa sau nhiều năm, mọi thứ giờ đây đã đổi thay rất nhiều. Những ngôi nhà kiên cố, những con đường, những hàng cây rợp bóng mát. Nhờ có điện gió, điện mặt trời nên phòng ở của cán bộ, chiến sĩ đều có ti vi, có quạt... Và không giống như chúng tôi khi ấy, 6 tháng một lần tàu ra, cũng ngần ấy thời gian chờ tin nhà, giờ đây điện thoại di động trên đảo căng hết vạch sóng, mọi thông tin về đất liền đều được cập nhật nhanh chóng. Mọi thứ đã thay đổi đúng như cần phải vậy. Cũng như mọi người, tôi hiểu phải có rất nhiều tiền của, công sức và tình cảm của đất liền, Trường Sa mới được như hôm nay. Lánh cái ồn ào của buổi tiếp đón đoàn thăm đảo, tôi đi dạo trên bờ kè chắn sóng và nhớ lại những kỷ niệm về mưa, về những cơn lốc và những lần chuyển hàng từ tàu vào đảo.

Khi ấy, trên đảo mọi thứ đều dã chiến, phân đội do tôi chỉ huy ở trong những căn nhà thấp khung gỗ lợp tôn của tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ, kiểu nhà thấp mái đặc trưng của ngư dân ven biển. Một số phân đội được bố trí ở trong nhà cấp 4 mái xi măng đúc. ở chỉ đơn giản vậy, nhưng yêu cầu tất cả mọi vật dụng phục vụ cho sinh hoạt và công tác phải được bảo quản trong tình trạng tốt nhất, riêng có một thứ không chỉ phải bảo quản, bảo vệ mà còn phải tuân thủ quy định sử dụng nghiêm ngặt -nước ngọt. Nước ngọt là báu vật, là vũ khí của lính đảo, nước phải đi một chặng đường dài từ đất liền và được đong đếm theo đầu người. Để có thêm nước, mỗi khi mưa, các phân đội mang tất cả mọi vật dụng có thể chứa ra để hứng nước, sau đó đưa xuống hầm tích trữ - đó là tài sản quý nhất của mỗi phân đội. Muốn có nhiều nước phải thật nhanh khi trời mưa, bởi mưa ở đảo rất hiếm, nhưng đã mưa thì mưa như đổ sỏi, đổ đá lên nóc mái tôn, mưa như trút nước lên mặt đảo. Mưa đến và đi cũng rất nhanh. Vừa trút nước ào ạt đấy nhưng tạnh tức thì, ngước lên chỉ còn lại một bầu trời cao tít, không mây, ráo hoảnh như chưa hề có gì xảy ra. Khi ấy, những cơn lốc luôn thể hiện sức mạnh trước lính đảo, dường như để thử thách thêm ý chí và độ bền tinh thần con người giữa trùng khơi. Lốc đến rất nhanh, nhưng có thể nhìn thấy khi chúng xuất hiện. Đầu tiên chỉ là những đám mây đen lởn vởn, sau đó tụ lại thành một vùng mây tối sẫm, lừ lừ tiến về đảo. Mặt biển đang xanh bỗng chốc đen kịt, từng đợt gió thổi mạnh dần biên độ và tốc độ. Rồi tưởng như mọi thứ dừng lại. Không! Đó chính là lúc cơn lốc đến thực sự. Ban đầu là một vòng xoáy nhỏ kèm bụi cát, vòng xoáy ấy từ từ lớn dần và di chuyển trên mặt đảo. Khi lốc đủ tốc độ chính là lúc nó bắt đầu cuộc đùa giỡn tai hại. Lốc tìm cách giật tung bạt che trang bị, giật sập giàn mướp, dồn hết quần áo của bộ đội trên dây phơi thành một mớ... và chúng giật tôn trên nóc nhà ở. Những ngôi nhà gỗ không đủ khoẻ để giữ mái bị lốc giật đứt dễ dàng và đưa các tấm tôn bay lên trời theo vòng xoáy của nó. Gần thì nó để rơi trên đảo, xa thì nó ném mãi ra ngoài mép xanh và khi lốc tan lính đảo chúng tôi lại bơi ra kéo về và hì hụi chằng buộc lại. Sau nhiều trận bị lốc, lính đảo không chỉ buộc dây thép mà còn đặt các bao tải cát lên nóc, từ đấy lốc chào thua, nhưng mỗi khi trở lại nó vẫn bẻ cây và phá rau, thứ quý hiếm trên đảo.

Chuyển tải hàng từ tàu vào đảo, lính trẻ trên đảo giờ không phải làm như xưa. Các đảo nổi giờ đều có cầu xuồng, cầu tàu và có luồng lạch thông thoáng. Thời ấy, chuyển hàng vào đảo mùa biển động giống như tổ chức một trận đánh, nếu không tổ chức tốt, sóng đánh chìm xuồng, hàng hóa nhu yếu phẩm theo sóng mà đi hết thì chắc chắn bị kỷ luật. Đầu tiên là lựa chọn những đồng chí bền sức khỏe, không say sóng ra tàu để bốc dỡ hàng từ tàu xuống xuồng chuyển tải. Chúng tôi kéo xuồng bằng dây thừng từ đảo ra tàu và từ tàu vào đảo. Khi nhận đủ hàng, trên mỗi một xuồng đều có hai người vừa giữ cân bằng vừa giữ hướng dây và lựa sóng để vào. Nhưng khó nhất lại là lúc vác hàng từ xuồng lên bờ, sóng lớn cứ liên tục chồm tới giằng giật chiếc xuồng, đội giữ dây phải gồng mình lên để gìm xuồng, những người vác hàng phải thật khỏe và nhanh để cự lại với những con sóng quất vào người và giữ hàng không bị ướt. Nếu là gạo còn đỡ vì dù nặng nhưng có túi ni lông bảo quản nên không sợ ướt. Nhưng là tài liệu, công văn và thư thì phải hết sức cẩn thận. Sáu tháng tàu mới ra, lính đảo chờ thư hơn chờ gạo và phải thật cẩn thận vì thư mà bị ướt nước biển thì mực bay hết chỉ còn tờ giấy loang lổ không còn gì mà đọc. Thường thì cái thứ hàng đặc biệt ấy được đi vào chuyến cuối cùng và tất cả phải xong việc chính rồi mới phát thư.

Sau một ngày chuyển tải mệt đến rã rời cơ bắp, nhưng với tuổi trẻ không mấy quan trọng. Cả đảo chỗ nào cũng sáng ánh đèn dầu, trừ các kíp trực chiến còn lại là các nhóm lính tụ tập đọc thư kết bạn và đến sáng ra mũi cậu nào cũng đen kịt vì muội đèn. Họ đã thức cả đêm để viết thư về nhà, viết trả lời các cô gái chưa hề nhìn thấy ngoài những bức thư kết bạn. Họ thức, vì sáng ra phải kịp gửi thư trước lúc tàu nhổ neo đi đảo khác. Sức trẻ thật mạnh mẽ, tàu đã nhổ neo và mang những lá thư đi, những người lính lại cùng với đầy đủ trang bị trên người thực hành các bài huấn luyện chiến đấu, không có sự mệt mỏi nào xuất hiện, chỉ có niềm vui và những tiếng cười vô tư trong những phút giải lao huấn luyện vang lên ở các công sự.

Trường Sa mãi trường sinh

Thật hạnh phúc khi được trở lại Trường Sa, nơi một thời tôi đã gắn bó và cùng với đồng đội căng mình trong bão giông giữ đảo. Nhiệm vụ của những người lính đảo là bất biến - giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Chúng tôi dù khác nhau về thế hệ, nhưng có niềm tự hào chung về những gì đã đóng góp cho nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả mà Đảng và nhân dân giao phó. Những tình cảm, những tấm lòng, những nỗ lực về vật chất mà Đảng và nhân dân cả nước dành cho Trường Sa đã trở thành điểm tựa để mỗi người lính trên đảo thêm vững vàng trước những khó khăn và thử thách. Chuyến đi đã lấp đầy hoài niệm và củng cố lòng tin. Trường Sa đang ngày càng vững chãi, đẹp lên như những ngôi sao giữa biển. Những ngọn hải đăng đang được xây dựng sẽ tạo thành một hệ thống các cột mốc dẫn đường cho tàu bè qua lại. Những ngôi làng trên biển đang được mở rộng và hiện đại hóa, các em bé đang trưởng thành trong ước mơ mạnh giàu từ biển của các thế hệ cha anh.

Trường Sa mãi trường sinh, phát triển bền vững cùng đất nước, vững vàng, hiên ngang giữa biển khơi với sức trẻ của những người lính ngày đêm canh giữ đất trời Tổ quốc.

Phản hồi (1)

Trương Thị Bạch yến 19/02/2013

Bài viết thật xúc động. Cám ơn tác giả!

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất