Trần Nhân Tông: Một giá trị vĩ đại của dân tộc

Có những con người vĩ đại mà thời gian càng lùi xa, tầm vóc và ảnh hưởng của họ ngày càng trở nên to lớn và sâu sắc hơn đối với đất nước và nhân quần.

Trần Nhân Tông là một người như vậy.

Ông sinh năm 1258, chính vào năm nước ta đánh thắng lần đầu quân xâm lược Nguyên Mông, để rồi trở thành người đứng đầu nhà nước Đại Việt đương đầu với hai cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo lần thứ hai và thứ ba của Nguyên Mông đang say máu chinh phục thế giới. Huy động và tổ chức được toàn bộ sức mạnh dân tộc, nhà nước Đại Việt đã giành chiến thắng rực rỡ trước kẻ xâm lược hung hiểm mạnh hơn nhiều lần, giữ vững nền độc lập, tự chủ quốc gia.

Sau chính sách tàn bạo huỷ diệt văn hoá Việt của Minh Thành Tổ (khi quân Minh xâm lược nước ta đầu thế kỷ XV), những gì còn để lại trong chính sử và các tài liệu khác nói về Trần Nhân Tông không nhiều, không nổi bật. Việc không thấy hết tầm cỡ lớn lao đích thực của Trần Nhân Tông có nhiều nguyên nhân, có thể cả yếu tố định kiến của những người viết sử sau này, khi Nho giáo đã chiếm ưu thế, đối với vị vua đã trở thành Tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm. Đất nước ta vào thời điểm thử thách khốc liệt mất còn khi đó có Trần Nhân Tông trên ngôi vua, sự hiện diện của Thượng hoàng Trần Thánh Tông, hàng loạt danh tướng kiệt xuất trong và ngoài tôn thất, tiêu biểu nhất là Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo - người thống lĩnh quân đội. Mỗi người đều có vị trí và vai trò quan trọng làm nên chiến thắng, nhưng Trần Nhân Tông là người lãnh đạo đích thực về chính trị và tinh thần của cuộc chiến. Chỉ với vị trí đó, ông mới đủ tư cách đặt ra với Trần Hưng Đạo câu hỏi hệ trọng bậc nhất trước khi quyết định chống xâm lăng: “Thế giặc to như vậy mà chống với nó thì dân sự tàn hại, hay là trẫm hãy chịu hàng để cứu muôn dân?”. Chỉ với vị trí đó, trước tình thế hiểm nghèo, quân dân liên tiếp thất bại trên các mặt trận, ông mới đủ tư cách giữ vững tinh thần của toàn quân, kể cả người thống lĩnh quân đội bằng lời nhắn nhủ: “Cối kê cựu sự quân tu ký, Hoan Ngãi do tồn thập vạn binh”(1). Chiến thắng Nguyên Mông là chiến công của quân dân Đại Việt, của các tướng lĩnh do Trần Hưng Đạo chỉ huy, là công tích của Trần Nhân Tông và các vua đầu đời Trần bảo vệ vững chắc non sông Đại Việt góp phần làm sụp đổ kẻ xâm lược thế giới. Chỉ riêng công tích đó đã là vĩ đại, nhưng sự nghiệp của Trần Nhân Tông không chỉ có thế.

Mấy chục năm trở lại đây, qua triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu sự nghiệp của Trần Nhân Tông, tầm cỡ lớn lao của nhân vật lịch sử này ngày càng hiện lên đầy sức thuyết phục.

Trần Nhân Tông là một ông vua hiền minh. Hơn thế, là ông vua đặc biệt nhận thức sâu sắc sứ mệnh và trách nhiệm làm vua, biết từ lợi ích của nhân dân chứ không phải quyền lợi của triều đình mà suy tính và quyết định hành động trước nguy cơ mất còn của đất nước. Chính vì thế ông đã quy tụ được quanh mình sức mạnh của cả dân tộc và triều đình để đương đầu với kẻ thù xâm lược hung hiểm mạnh hơn nhiều lần. Chiến đấu quyết liệt và chiến thắng vẻ vang, nhưng không say men chiến thắng, ông hết sức coi trọng xây dựng mối quan hệ hoà giải trong nước và lân bang, xem hoà giải trên tinh thần yêu thương là phương thức ưu tiên giải quyết các mâu thuẫn và xung đột.

Là Phật Tổ Thiền phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông có những quan điểm về thế giới và nhân sinh với tầm khái quát cao và sâu sắc, nhưng cũng thiết thực, gần gũi với nhân quần, được biểu đạt bằng ngôn ngữ đương thời thịnh hành của Phật giáo. Tư tưởng trung tâm trong nhân sinh quan Trần Nhân Tông là “cư trần lạc đạo”(2), một tư tưởng đậm bản sắc minh triết Việt về lẽ sống ở đời của bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trần Nhân Tông thấu hiểu lẽ đời, sự sống và cái chết, ung dung, tự tại, hoà mình, đồng cảm với đồng loại, với thiên nhiên.

Điều độc đáo và đáng kinh ngạc là ở chỗ những phẩm chất rất khác nhau của ông vua-nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà thực hành lại cùng bộc lộ và kết hợp một cách hài hoà, nhất quán và sống động trong tư duy, lời nói và việc làm. Trần Nhân Tông là vĩ nhân hiếm hoi trên đời, vừa có tư tưởng, nhân sinh quan, thế giới quan riêng, vừa có quyền lực, công cụ và phương pháp để thực hành, thực hiện thành công niềm tin và hoài bão của mình trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng dân tộc.

Việc nghiên cứu, tôn vinh, quảng bá tư tưởng và minh triết Trần Nhân Tông đang được tiếp tục mở rộng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, chắc chắn sẽ cung cấp những hiểu biết khoa học sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về ông, một giá trị tinh thần lớn của dân tộc ta đóng góp vào những giá trị chung của nhân loại. Tinh thần hoà giải và yêu thương mà Trần Nhân Tông theo đuổi và thực hiện thành công, ngày nay đang dần lan toả với sức hấp dẫn ngày càng sống động đối với thế giới đang oằn mình chịu đựng những tổn thất lớn lao gây ra bởi những mâu thuẫn, xung đột gay gắt, những hành vi tàn phá thiên nhiên và môi trường sống. Ngày càng có nhiều tổ chức và công trình nghiên cứu, quảng bá và tôn vinh tư tưởng Trần Nhân Tông trong và ngoài biên giới Việt Nam. Một trong các sự kiện nổi bật là việc ra đời Viện Trần Nhân Tông (Tran Nhan Tong Academy) tại Trường Đại học Ha-vớt (Harvard University) - một trong những cái nôi của trí tuệ nước Mỹ - do một số nhà khoa học và chính trị nổi tiếng chủ trương. Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông đã được trao lần thứ nhất, năm 2012, cho hai chính khách Mi-an-ma nổi tiếng là Tổng thống U Thên Xên và bà A-ung Xan Xu Ki, lãnh tụ Đảng Đối lập - Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD).

Tấm gương của Trần Nhân Tông và các vua đầu đời Trần càng đặc biệt sâu sắc đối với những người lãnh đạo của mọi thời đại và tất cả những ai “làm công tác tổ chức”, những người có chức năng làm việc với con người. Đó là tấm gương về quy tụ, đoàn kết, động viên sức mạnh toàn dân tộc hướng vào mục tiêu chung bảo vệ và xây dựng đất nước. Đặc biệt là tấm gương về việc tạo điều kiện để nhân tài phát triển và phục vụ cộng đồng mà Trần Hưng Đạo là một trường hợp tiêu biểu(3).

Nhân dân ta tôn vinh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Đức Thánh Trần xuất phát từ lòng ngưỡng mộ và biết ơn công tích lớn lao của ông đối với đất nước. Các vua Trần đã đặt Trần Quốc Tuấn vào đúng vị trí, từ đó tạo điều kiện để ông đem hết tài trí phục vụ đất nước và triều đình. Nhận biết đúng những phẩm chất của ông trong một loạt những nhân vật xuất sắc khác, thân gần với ngôi vua hơn đã là việc khó. Càng khó hơn là dám ủy thác cho ông toàn quyền thống lĩnh quân đội, tuyệt đối tin tưởng vào ông ngay cả khi liên tiếp thất bại, khi cả những người ruột thịt gần gũi nhất của vua cũng có kẻ phản bội. Nhưng có lẽ trong lịch sử cổ kim đông tây các vua chúa và những người lãnh đạo hiện đại, chưa ai có đủ bản lĩnh như các vua Trần, vào thời điểm thử thách mất còn của đất nước và vương triều, kiên định đặt toàn bộ binh quyền vào tay một vị tướng có cha là người đã từng nổi loạn chống triều đình, người trước khi chết vẫn không nguôi uất hận trong lời trăng trối với con. Không chỉ trao binh quyền cho Trần Quốc Tuấn, các vua Trần còn khéo sắp đặt, sao cho tất cả những anh tài đương thời biết bỏ qua mọi tị hiềm, đồng tâm hiệp lực gánh vác sự nghiệp cứu nước. Bản lĩnh vô song trong việc dùng người đã được đền đáp xứng đáng, góp phần quyết định làm nên thắng lợi chung của dân tộc. Các vua Trần đã đặt Trần Quốc Tuấn đúng vào vị trí lịch sử. Trần Quốc Tuấn cũng cống hiến hết mình, trọn đời trung thành với đất nước và triều đình. Lòng trung thành của Trần Quốc Tuấn với triều đình không xuất phát từ sự ngu trung Nho giáo mà từ khí phách, trí tuệ và phẩm chất của người anh hùng. Một đất nước có vua như thế, có tướng lĩnh, quan quyền như thế, có nhân dân như thế là một đất nước bất khả chiến bại. Điều này luôn luôn đúng với mọi thời đại.

Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước nhiều vinh quang nhưng cũng không ít cay đắng, trong tâm khảm người Việt Nam đã hình thành một cảm thức chung sâu sắc và nhất quán là vô cùng trân trọng tất cả những người có công đối với dân tộc và truyền đời phỉ nhổ mọi hành vi bán nước vì bất cứ nguyên do gì. Tôn vinh Trần Nhân Tông là nhận biết đầy đủ hơn và tôn vinh những giá trị chân chính được dân tộc lưu giữ qua bao thăng trầm của lịch sử và luôn luôn là một nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua những thử thách hiểm nghèo nhất. Chính vì thế những giá trị cũng đang vượt qua các biên giới quốc gia để đến với thế giới, được các dân tộc khác cùng chia sẻ và tôn vinh.

-------------

(1) Đây là câu thơ Trần Nhân Tông nhắn nhủ với Trần Hưng Đạo và quân dân, cũng là lời tự nhủ, được viết lên mạn thuyền ngự trên đường rút chạy vào giai đoạn đầu của chiến tranh, khi quân ta chịu thất bại và tổn thất trên các mặt trận. Cách lập ý chính là nhắc lại một trường hợp nguy nan nhưng cuối cùng vẫn thắng trong cổ sử Trung Quốc để khẳng định rằng, dù có thất bại tạm thời nhưng không việc gì phải mất tinh thần, đằng sau ta vẫn là đại quân với hàng trăm nghìn tinh binh.

(2) Một quan điểm nhân sinh được diễn đạt rất hàm súc, ý tưởng cơ bản là “coi niềm vui là thực hành đạo (quan niệm, lẽ sống, niềm tin, trách nhiệm mà mình tự giác nhận biết) ở chính trong cuộc sống của nhân quần.

(3) Vấn đề thời sự của thời đại ngày nay, đang được diễn đạt không thật chuẩn là “sử dụng người tài’ hay “trọng dụng nhân tài”. Trong chế độ phong kiến vua là người đứng đầu, sử dụng ai vào việc gì thuộc quyền của vua, thì dùng khái niệm “dùng” (sử dụng, trọng dụng) là có lý. Ngày nay điều này vẫn còn có lý ở tất cả những nơi người đứng đầu là ông chủ. Còn ở đâu thực hành dân chủ, nhất là trong phạm vi quốc gia, nhân tài (và con người nói chung) không phải là đối tượng thuộc quyền “dùng” của ai, họ phải tự khẳng định mình, qua đó phục vụ cộng đồng.

Phản hồi (1)

Vũ Minh Quán 14/02/2013

Bài viết quá hay. NHất là nói về chuyện dùng người. Với một ông vua thuộc hàng minh quân như thế, làm sao đất nước không thanh bình, không có nhiều nhân tài xuất hiện? Bài học này các lãnh đạo Đảng ta có học hay không?

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất