Bản sắc văn hóa Chăm Bình Thuận được quan tâm bảo tồn và phát triển
Đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư đến thăm Trung tâm.
Dân tộc Chăm là một trong 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Dân số khoảng 150.000 người (2009), sinh sống tập trung ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, bên cạnh vẫn còn lưu giữ nghề thủ công truyền thống làm gốm và dệt vải. Về tín ngưỡng tôn giáo, từ xa xưa người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận chủ yếu theo đạo Bà la môn (Cam Ahier) và đạo Bà ni (Cam Awal).

Trong suốt chiều dài lịch sử, với đức tính thông minh và cần cù người Chăm đã sáng tạo nên nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, nổi bật nhất là những di tích kiến trúc Tháp Chăm ngàn năm cổ kính, đó là biểu tượng của một nền văn hoá phát triển rực rỡ, gắn yếu tố tâm linh huyền bí và chất kết dính, kỹ thuật xây tháp. Văn hóa Chăm còn được tô thắm bằng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên đá với những đường nét hoa văn rất tinh xảo, độc đáo. Người Chăm ngoài việc có tiếng nói và chữ viết riêng, còn có cả một hệ thống các lễ nghi, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo và nhiều loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian, diễn xướng còn được lưu giữ đã tạo nên sắc thái riêng biệt, độc đáo của văn hoá Chăm, góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hoá Việt Nam đa sắc màu.

Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Chăm trong quá trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là một yêu cầu đặt ra hết sức khẩn trương, luôn được cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng, văn hóa nghệ thuật của người Chăm trên điạ bàn Bình Thuận được quan tâm bảo tồn và phát huy khá đồng đều, đạt hiệu quả. Các đền thờ Po Klaong Mânai, kho mở Hoàng tộc Chăm (Bà Nguyễn Thị Thềm) và đền thờ Po Anit, Tháp Po Sah Inư, Tháp Po Dam đã được trùng tu, tôn tạo. Nhiều di tích được phát hiện, khai quật và lưu giữ. Các lễ hội dân gian có quy mô lớn như lễ hội Katê đã được phục dựng thành công tại tháp Po Sah Inư đưa vào hoạt động hàng năm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Các loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian Chăm cũng đầu tư, khai thác qua việc hình thành hai đoàn nghệ thuật: Đoàn nghệ thuật dân gian bán chuyên nghiệp Chăm huyện Bắc Bình (năm 1990) và Đoàn ca múa nhạc dân gian dân tộc Chăm tỉnh Bình Thuận (năm 2006). Hoạt động của hai đoàn nghệ thuật này đã giới thiệu đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật hát múa dân gian Chăm. Các hoạt động về nghiên cứu, khai thác phát triển các tác phẩm về nghệ thuật Chăm đều được khuyến khích sáng tạo. Chính nhờ vậy mà các vở diễn như  “Lửa tình yêu’’, “Khát vọng sinh tồn’’, “Tình yêu làng gốm”, “Huyền thoại Po Sah Inư”, “ Vui hội katê’’, “Âm vang cội nguồn”… của Nhà hát Bình Thuận đã tạo nên tiếng vang lớn trong các lần hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ở tầm cỡ quốc gia và biểu diễn phục vụ cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, hoặc diễn ở nước ngoài đều được hoan nghênh. Việc dạy chữ Chăm ở các trường tiểu học có học sinh là con em người Chăm, chương trình xoá mù và bổ túc văn hóa chữ Chăm ở các điạ phương Chăm cũng được quan tâm đẩy mạnh. Chương trình phát thanh và truyền hình tiếng Chăm của tỉnh đã phát sóng, góp phần nâng cao nhận thức của bà con Chăm về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo tinh thần Nghị quyết 04/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận.

Ngày 14-5-2010 UBND tỉnh Bình Thuận đã ra Quyết định số 1045/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Trưng bày Văn hóa đặt tại huyện Bắc Bình, với chức năng và nhiệm vụ là sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm trên địa bàn Bình Thuận. Qua hơn 2 năm hoạt động, Trung tâm Trưng bày Văn hoá Chăm cũng đã đẩy mạnh nhiều loại hình hoạt động như Hội thi nâng cao tay nghề thủ công truyền thống Gốm và Dệt hàng năm, Liên hoan tiếng hát dân ca Chăm và trình diễn trang phục truyền thống. Hội thi Hòa tấu nhạc cụ dân tộc Chăm nhằm kích thích thu hút nghệ nhân nhiều lứa tuổi tham gia. Giới thiệu ẩm thực đặc trưng Chăm, Hội thi nắn bánh Gừng truyền thống, Hội thi viết chữ Chăm nhanh và đẹp, biễu diễn chương trình văn nghệ dân gian nguyên gốc, phục dựng các lễ hội dân gian như lễ hội Katê, lễ hội Đạp lửa (Rija Inưgar) trong dịp Katê Chăm năm 2012, huy động được nhiều vị nhân sỹ trí thức, chức sắc đạo giáo và nhân dân địa phương tham gia. Trung tâm cũng đã sưu tầm tập hợp 137 cổ vật các loại có giá trị về niên đại văn hóa lịch sử được bổ sung vào đai trưng bày. Ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng đã bảo vệ được 2 đề tài cấp tỉnh đạt loại khá và thực hiện 5 dự án văn hóa phi vật thể nhằm hệ thống các lễ nghi, tín ngưỡng dân gian có căn cứ khoa học để phục vụ lại cho công tác nghiên cứu và trả về cho cộng đồng người Chăm ứng dụng, góp phần làm tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc. Trong dịp Katê Chăm năm 2011, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận và Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Bắc Bình phối hợp với Trung tâm tổ chức triển lãm mỹ thuật gồm 41 tác phẩm tranh và tượng nghệ thuật với chủ đề "Sắc màu văn hóa Chăm Bình Thuận” đã thu hút đông đảo người xem... Hoạt động của Trung tâm đã thút hút được trên 11.000 lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu; trong đó có 335 lượt khách nước ngoài.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Chăm mới là những kết quả bước đầu, để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc một cách lâu bền và đúng hướng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm của các cấp chính quyền, tỉnh Bình Thuận và cộng đồng người Chăm và nhất là nhân sĩ trí thức Chăm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng, coi trọng giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của người Chăm, làm phong phú, đa dạng cho nền văn hoá Việt Nam, góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

                                                                                    

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất