Đông Ngạc là xã ven đô của huyện Từ Liêm (Hà Nội), gồm 3 thôn, 10 tổ dân phố với gần 50 cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn, dân số trên 35.000 người. Đông Ngạc là mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời, người dân Đông Ngạc hiếu học, giàu lòng yêu quê hương đất nước, luôn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, đưa Đông Ngạc vững bước phát triển. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, Đảng ủy xã Đông Ngạc đã chọn trọng tâm hướng vào việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đảng ủy xã đã quán triệt nội dung tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong việc tang, các gia đình không tổ chức ăn uống, đặc biệt trong các năm gần đây đã vận động thực hiện hỏa táng, riêng năm 2012 đã có được 34/68 trường hợp thực hiện hỏa táng. Các thủ tục cưới xin được thực hiện với hình thức gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện kinh tế của hai bên gia đình, không có hiện tượng tổ chức ăn uống linh đình. Các lễ hội đều được tổ chức theo đúng quy chế, đảm bảo an toàn, tiết kiệm. Phần lễ diễn ra trang nghiêm; phần hội được giữ gìn và phát huy với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống… Đến nay, 100% thôn, tổ dân phố đều đạt và liên tục duy trì, giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa luôn được Đảng ủy, chính quyền xã quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt. Trong 15 năm qua, các di tích lịch sử trên địa bàn xã đã được trùng tu, nâng cấp sửa chữa với số tiền trên 31 tỷ đồng. Đã cải tạo, trùng tu di tích lịch sử đình Liên Ngạc, đình Vẽ, đình Nhật Tảo và các chùa Tư Khánh, chùa Phúc Khánh.
Đảng bộ, chính quyền xã luôn xác định công tác giáo dục có vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, 100% các trường trong xã đều được đầu tư xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn quy định với các trang thiết bị hiện đại. Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung giảng dạy và học tập; duy trì tốt nền nếp dạy và học theo phương pháp mới; tạo nhiều điều kiện để giáo viên được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm; tổ chức các kỳ thi để đánh giá chất lượng giảng dạy, chất lượng quản lý giáo dục của giáo viên và chất lượng học tập của học sinh. Đến nay, đội ngũ giáo viên các cấp học trên địa bàn đều đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi và học sinh giỏi năm sau cao hơn năm trước. Các trường trung học cơ sở Đông Ngạc, Trường Tiểu học Đông Ngạc A, Trường Mầm non Đông Ngạc được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trường Tiểu học Đông Ngạc B được Chính Phủ 2 lần tặng Bằng khen.
Trong củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa, Đảng ủy xã chú trọng xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa tại địa phương nhằm đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của chính quyền xã và phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân. Người dân trong mỗi khu dân cư đã phát huy tốt vai trò làm chủ của mình, vừa khai thác sử dụng và vừa có trách nhiệm bảo vệ, trùng tu các nhà văn hóa. 15 năm qua, xã đã tổ chức được hàng trăm buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng, các buổi biểu diễn ca múa nhạc gắn với kỷ niệm ngày lễ của đất nước. Xã đã có tổng số 9 câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ thơ với 360 hội viên tham gia sinh hoạt. Nhiều hội viên vừa tham gia đóng góp xây dựng chương trình nội dung văn nghệ, vừa sáng tác được các bài hát, bài thơ hay ca ngợi truyền thống của địa phương.
Hằng năm cấp ủy, chính quyền tổ chức các phong trào thi đua, giúp đỡ trên 200 lượt hộ dân vay 2,5 tỷ đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong 15 năm qua, đã hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa cải tạo được 80 nhà tình nghĩa, nhà tình thương với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Mọi người dân đều tích cực thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, thực hiện tốt các quy ước, hương ước của Làng, của tổ dân phố, có ý thức xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp với việc duy trì công tác tổng vệ sinh vào chiều thứ sáu và sáng thứ 7 hằng tuần. Mỗi năm đã huy động được trên 1000 ngày công lao động thực hiện nạo vét hệ thống tiêu thoát nước trong khu dân cư. Các phong trào “Quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân phòng chống, tố giác tội phạm” được đẩy mạnh, nhân dân trong các các thôn, các tổ dân phố đều tự giác thành lập các tổ an ninh tự quản thực hiện phối hợp cùng lực lượng công an xã trong công tác tuần tra đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong mỗi khu dân cư. 15 năm qua, cấp ủy và chính quyền đã vận động xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” với số tiền gần 900 triệu đồng, xây dựng “Quỹ nhân đạo” với số tiền 173 triệu đồng. Liên tục từ năm 2010 đến năm 2012 đã duy trì tổ chức tốt hoạt động hiến máu nhân đạo và đã đóng góp 645 đơn vị máu nhằm cứu người bệnh thoát khỏi hiểm nghèo và vận động được 182 người tự nguyện đăng ký hiến giác mạc. Thông qua phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Người tốt việc tốt”, đến nay toàn xã đã có 1282 người đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” trong đó cấp xã 1148 người, cấp huyện 112 người và cấp thành phố 22 người; hằng năm có trên 90% tỷ lệ gia đình đạt “Gia đình văn hóa”. Với những thành tích đạt được, nhân dân và cán bộ xã Đông Ngạc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chính quyền xã được Chính phủ tặng cờ thi đua.
Kinh nghiệm từ Đông Ngạc cho thấy:
Một là, chủ động trong xây dựng các chương trình, kế hoạch về thực hiện xây dựng phát triển văn hóa sát với nội dung tinh thần chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế ở địa phương. Trong quá trình thực hiện cần phát huy tính tích cực, sáng tạo, thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung vận động phù hợp với tình hình, tập quán và điều kiện của thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố trong xã.
Hai là, chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đổi mới phương thức vận động nhân dân để nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện tốt nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Ba là, quan tâm công tác đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, lồng ghép nội dung cuộc vận động với các phong trào quần chún, coi trọng sơ kết, tổng kết, nhân rộng các điển hình.
Bốn là, khơi dậy lòng tự hào, truyền thống của quê hương, sự gắn kết cộng đồng về văn hóa trong các tầng lớp dân cư. Kết hợp nếp sống văn hóa đô thị với tinh hoa văn hóa truyền thống tốt đẹp của các làng cổ; tôn trọng phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân các dòng họ ở địa phương.
Năm là, đi đôi với xây dựng đời sống văn hóa phải coi trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phải quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, huy động mọi nguồn lực, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, xử lý nghiêm minh những vi phạm, kiên quyết đấu tranh với những sai trái, lệch chuẩn đạo đức xã hội.
Văn Thúy Hoa
Bí thư Đảng ủy xã Đông Ngạc