Vai trò người phụ nữ ở Trường sỹ quan Lục quân 2

Gia đình là tế bào, hạt nhân, nền tảng vững chắc để xã hội tồn tại và phát triển. Đóng vai trò không thể thiếu trong mỗi gia đình - xã hội thu nhỏ ấy là người vợ, người mẹ. Họ là những người giữ lửa và truyền hơi ấm, tiếp sức mạnh tinh thần đến tất cả thành viên trong gia đình. Xã hội ngày càng phát triển, phụ nữ ngày càng giữ vị trí quan trọng, không chỉ là cầu nối các mối quan hệ giữa gia đình với xã hội “giữ hạt nhân của mình trong ấm ngoài êm” mà còn tạo ra thế mới, lực mới - động lực phát triển của xã hội.

Ông cha ta có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Câu nói đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Người phụ nữ hiện đại bên cạnh việc “nâng khăn, sửa túi”, chia ngọt sẽ bùi với chồng, dùng nhân cách “khuôn vàng thước ngọc” của mình nuôi dạy con thành con ngoan, trò giỏi mà còn đôi khi phải gánh trọng trách lớn lao trong cuộc sống, làm “trụ cột”, thay chồng quyết định các vấn đề lớn trong gia đình khi chồng vắng nhà. Với vai trò người con dâu hiếu thảo, vợ đảm, người mẹ hiền trong gia đình, họ luôn nhận thức trọng trách của mình, không ngừng phát huy những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam “công, dung, ngôn, hạnh” trước yêu cầu đòi hỏi của thời đại.

Trong môi trường quân sự, mỗi gia đình quân nhân ở Trường sĩ quan Lục quân 2, người phụ nữ “Vợ người lính” càng đóng vai trò, vị trí quan trọng. Việc nước, việc nhà luôn đặt cạnh nhau. Người vợ, người mẹ không chỉ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nuôi quân, quản lý … mà còn phải gánh vác phần trọng trách lớn lao trong gia đình. Mỗi gia đình ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 là những gia đình hạt nhân đến từ các vùng miền khác nhau trên đất nước nên mẫu hình chung là gia đình 2 thế hệ. Trong mỗi gia đình, người chồng vì nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó nên đi học, đi công tác thường xuyên ở các nhà trường, học viện, các đơn vị trên khắp đất nước cùng như ở biên giới và hải đảo, vì vậy, người vợ lính “luôn luôn” phải thay chồng nuôi dạy con cái, đôi khi phải thay chồng làm thiên chức của một người cha để giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ già yếu. Họ là những người không chỉ “xây tổ ấm” và còn thay chồng “xây nhà”! Cuộc sống của mỗi gia đình quân nhân là thế, nhưng với vị trí, vai trò thiên bẩm của người phụ nữ, họ đã vươn lên mọi khó khăn, vất vả của cuộc sống thường ngày, đem tài năng, sức mạnh của “phái yếu” góp phần xây dựng “Nhà trường cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Hạnh phúc nhất của người phụ nữ nói chung và phụ nữ Lục quân 2 nói riêng là “cơm ngon canh ngọt cho gia đình và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà cấp trên giáo phó”.

Cùng với thực hiện chức năng của người vợ, người mẹ… phụ nữ Lục quân 2 luôn phấn đấu vươn lên khẳng định năng lực trong học tập và công tác. Ở Trường sĩ quan Lục quân 2 trước đây, người lãnh đạo, chỉ huy đơn vị là nam giới và chỉ nam giới mới được đi đào tạo sau đại học ở các học viện, nhà trường quân đội, phụ nữ là những người phục vụ và nuôi quân... Nhưng nhiều năm gần đây, một phần không nhỏ giảng viên nữ được tuyển từ các trường đại học ngoài quân đội, tham gia giảng dạy các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ và khoa học xã hội-nhân văn. Vì vậy, đã xuất hiện không ít phụ nữ cùng nam giới tham gia vào công tác lãnh đạo chỉ huy, giữ các chức vụ quan trọng trong các đơn vị. Khoa công tác đảng, công tác chính trị có hai giảng viên nữ là thạc sĩ và 4 giảng viên nữ đang theo học sau đại học tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Đặc biệt, ở Khoa Khoa học Cơ bản và Ngoại ngữ đã có nữ quân nhân chuyên nghiệp Phan Thị Yến, Nguyễn Thị Thái Bình, Nguyễn Thị Bích Thuỷ, Lê Thị Thu Hà được chuyển từ quân nhân chuyên nghiệp sang sĩ quan chỉ huy và giữ các chức vụ Phó Chủ nhiệm Khoa - Bí thư Đảng uỷ Khoa, Chủ nhiệm bộ môn, tham gia cấp ủy. Ở Khoa Lý luận Mác - Lênin, lãnh đạo chỉ huy Khoa đã tạo điều kiện cho các chị Đỗ Thị Quỳnh Anh, Nguyễn Thị Nga đã hoàn thành khoá học sau đại học tại Học viện Chính trị… và còn nhiều phụ nữ ở nhiều khoa đã được tạo điều kiện đi ôn và học sau đại học ở các trường, học viện trong và ngoài quân đội. Vì vậy, lực lượng lao động nữ Nhà trường ngày càng được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng mọi mặt, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục - đào tạo ngày càng cao của trường đại học quân sự đặc thù.

Kết quả này một lần nữa khẳng định công tác phụ nữ và quyền bình đẳng giới ngày càng được thực hiện, thể hiện đậm nét vai trò của người phụ nữ trong môi trường quân sự đặc thù. Đồng thời khẳng định công tác phụ nữ và sự bình đẳng giới đã, đang được thực tiễn kiểm nghiệm ở Trường sĩ quan Lục quân 2 anh hùng. Họ là những người góp một phần không nhỏ tô thắm những trang sử vẻ vang của Nhà trường 50 qua.

Trước đòi hỏi cao của một trường quân sự trong giai đoạn mới, phụ nữ Trường sĩ quan Lục quân 2 dù ở cương vị nào luôn khắc dạ ghi tâm thiên chức của mình “vợ đảm, dâu hiền”, hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đặt mình đúng vị trí, vai trò “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, xứng đáng với tám chữ vàng Bác Hồ khen tặng: “Anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phạm Thị Nhung
Trường sĩ quan Lục quân 2

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất