Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, một dân tộc có nền văn minh lúa nước. Kinh tế Việt Nam dựa trên nền tảng của nghề trồng lúa, chăn nuôi tiểu gia súc và tiểu thủ công nghiệp. Do vị trí địa lý và đặc điểm khí hậu khiến cho nông nghiệp nước ta phải thường xuyên gánh chịu nhiều thiên tai. Bên cạnh đó là những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm liên tục diễn ra trong lịch sử khiến cho người Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách từ phía tự nhiên và kẻ thù ngoại xâm. Phụ nữ Việt Nam luôn đồng hành và chia sẻ mọi khó khăn, mọi nhiệm vụ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Người phụ nữ Việt Nam có bản sắc, phong cách riêng: họ là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm; là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hoá dân tộc; là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.
Ngay từ thời phong kiến với quan niệm “trọng nam khinh nữ”, người phụ nữ bị “trói chặt” trong đạo lý phong kiến cổ hủ nhưng bằng sự thông minh, sự kiên cường và lòng quả cảm của mình, họ đã biết đứng lên tổ chức đấu tranh cho quyền lợi và đặc biệt để khẳng định vai trò của mình trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Tiêu biểu cho tinh thần này là Bà Trưng, Bà Triệu. Các bà đã trở thành niềm tự hào không chỉ của phụ nữ Việt Nam mà là niềm tự hào của cả dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ năm 40 đến năm 43 sau công nguyên là biểu tượng của tinh thần dân tộc mà đặc biệt là khả năng, bản lĩnh và những đóng góp lớn lao của phụ nữ Việt Nam vào lịch sử dân tộc.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, do đặc điểm về giới, phụ nữ Việt Nam chịu nhiều áp bức, bóc lột, nhiều bất công và sự chà đạp. Bên cạnh đó là bản lĩnh kiên cường và truyền thống bất khuất nên họ luôn khát khao được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng để chiến đấu cho độc lập dân tộc và tự do cá nhân. Ngay từ những ngày đầu của công cuộc chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đã tự nguyện tham gia đông đảo và hiệu quả vào các phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du…
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) thành lập, phụ nữ Việt Nam đã tham gia tích cực và nhiều người trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhiều phụ nữ trở thành nòng cốt của Đảng và trở nên nổi tiếng như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai...
Nhận rõ vai trò của phụ nữ, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ghi rõ: “Nam nữ bình quyền”. Trong công cuộc đấu tranh gian khổ, ác liệt và kéo dài, cả nam và nữ đều có vai trò, trách nhiệm và quyền lợi như nhau. Phụ nữ là lực lượng quan trọng, một phần không thể thiếu của cách mạng nên Đảng thấy rõ nhiệm vụ phải giải phóng phụ nữ, gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra yêu cầu: “Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng”. Trên cơ sở đó, ngày 20-10-1930, Phụ nữ liên hiệp hội Đông Dương chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện quan điểm sâu sắc của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong công cuộc cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như giải phóng phụ nữ. Sự kiện này chính thức ghi nhận cũng như đánh dấu sự đồng hành, chung vai gánh vác những khó khăn trong lịch sử dân tộc của phụ nữ Việt Nam.
Càng về sau này cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta càng ác liệt. Quân thù càng điên cuồng và tàn ác thì càng xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ kiệt xuất trong lao động và chiến đấu. Trong đó phải kể đến các nữ tướng: Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930, là người trực tiếp xây dựng và chỉ huy đội nữ du kích Tán Thuật (Thái Bình). Chiến đấu và chỉ huy chiến đấu thông minh, hiệu quả, khéo léo và dũng cảm. Bà được cả nước biết đến bằng chiến tích “tay không bắt giặc”. Với những thành tích trên bà được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương. Năm 1952, được phong là nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tiếp theo là nữ tướng Đinh Thị Vân (1916-1995), người tổ chức và điều hành mạng lưới tình báo tại Sài Gòn trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bằng tư chất thông minh, mưu trí, kiên cường, bà đã xây dựng được mạng lưới tình báo vững chắc, từ đó cung cấp kịp thời cho Trung ương nhiều tin tức quan trọng, chính xác trong quá trình tác chiến.
Người nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã trở thành huyền thoại trong công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc. Hình ảnh và phẩm chất sáng ngời của chị đã đi vào thơ ca, mãi mãi làm ngây ngất trái tim nhiều thế hệ. Từ khi 15 tuổi, chị đã tham gia cách mạng và giành được nhiều chiến công rực rỡ. Giữa tháng 5 năm 1950, chị bị địch bắt và tra tấn dã man bằng nhiều thủ đoạn tàn khốc nhưng chị vẫn kiên cường giữ nguyên khí chất của một người cách mạng. Sau hơn hai năm tra tấn dã man vẫn không khuất phục được người con miền đất đỏ ấy, năm 1952, giặc đày chị ra Côn Đảo và hành quyết tại đây. Năm 1993, chị được Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Lịch sử cũng ghi nhận công của người anh hùng Võ Thị Thắng, vốn là một sinh viên đấu tranh cho tự do, dân chủ và độc lập dân tộc. Khi bị bắt và kết án 20 năm tù chị đã mạnh mẽ và tin tưởng nói rằng “Tôi chỉ sợ chính quyền của các ông không tồn tại nổi đến khi tôi mãn hạn tù”.
Đặc biệt nhất là vị nữ tướng duy nhất của Việt Nam thế kỷ XX, đó chính là Thiếu tướng Nguyễn Thị Định (bà Ba Định). Cuối năm 1959, Mỹ - Diệm cho xây khu trù mật ở Bến Tre và cho thực hiện Luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam để khủng bố phong trào cách mạng. Nguyễn Thị Định là người khởi xướng và lãnh đạo chủ chốt phong trào Đồng Khởi ở Mỏ Cày, Bến Tre, mở đầu phong trào Đồng Khởi trong toàn tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ. Từ phong trào Đồng Khởi xuất hiện cái tên “đội quân tóc dài”, họ tổ chức thành đội ngũ, tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi chấm dứt càn quét, bắn giết, bom pháo, đòi bồi thường nhân mạng… Cuộc đấu tranh chính trị thắng lợi rực rỡ, Mỹ - Diệm phải gờm trước sức mạnh lợi hại của đội quân mà chúng gọi là “đội quân tóc dài”. Với những chiến công to lớn của mình bà xứng đáng với tám chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Nhà nước truy tặng bà danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1995. Đền thờ bà cũng đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 20-12-2003 để nhân dân đến thắp hương tưởng niệm. Nhân dân Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội - nơi thờ Hai Bà Trưng đã rước bát hương thờ bà Nguyễn Thị Định về thờ trong khu đền này như một vị nhân thần mới”.
Khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại trên cả hai miền Nam - Bắc, chúng ta bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, từ sau năm 1986 cùng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, văn hóa, xã hội… phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục đồng hành và chia sẻ nhiệm vụ mới của đất nước. Theo thống kê của Th.S Nguyễn Quốc Tuấn và Nguyễn Hải Hà thuộc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh thì: Phụ nữ Việt Nam chiếm 51,48% số dân và 48% lực lượng lao động toàn xã hội và chiếm khoảng 20% cán bộ làm công tác lãnh đạo và quản lý nhà nước các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, số nữ ủy viên Trung ương Ðảng khóa VII là 12, khóa VIII tăng lên 18. Ở cấp tỉnh, tỉnh ủy viên là nữ cũng tăng từ 182 ở khóa VII lên 280 trong khóa VIII. Phụ nữ tham gia các cấp ủy địa phương đạt 10-11%, trong đó bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ đạt từ 3% đến 8%. Phần lớn các chị tham gia thường vụ cấp ủy đều được phân công công tác kiểm tra và dân vận. Về chính quyền, trong khóa VIII, tỷ lệ nữ bộ trưởng và tương đương chiếm 13,1%, nữ thứ trưởng và tương đương chiếm 7,4%; nữ vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương chiếm 13%. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện và xã có khoảng 1,6% là nữ. Phó chủ tịch UBND là 2 - 4%. Khóa 1999-2004, số nữ là đại biểu HÐND cấp tỉnh chiếm 22,5%, cấp huyện chiếm 20,7%, cấp xã chiếm 17%. Nữ đại biểu Quốc hội khóa X là 26,22%, khóa XI là 27,31%. Việt Nam là nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương” (sau Niu Di-lân).
Những con số nói trên cho thấy vai trò và đóng góp lớn lao của phụ nữ trong việc quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Trong đó phải kể đến bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước Việt Nam từ 1992 đến 2002. Bà là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định Pa-ri năm 1973. Tiếp theo là Phó Chủ tịch nước Trương Thị Mỹ Hoa, Nguyễn thị Doan và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, trước đó bà từng là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chúng ta cũng biết đến nhà lãnh đạo nữ là người dân tộc thiểu số Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Thị Khiết, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Dân vận Trung ương…
Cũng theo thống kê của Th.S Nguyễn Quốc Tuấn và Nguyễn Hải Hà thì: Trong số hơn 300 nghìn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có khoảng 15% do phụ nữ đứng đầu hoặc nắm giữ cương vị chủ chốt. Tỷ lệ phụ nữ làm quản lý doanh nghiệp của một số ngành dệt, may mặc, giày dép, thực phẩm, đồ uống... chiếm hơn 50%; ở các ngành giao thông - vận tải, xây dựng, khai khoáng... có 20% người quản lý doanh nghiệp là nữ. Trong số 900 nghìn hộ kinh doanh gia đình, có 27% do phụ nữ điều hành”. Tiêu biểu là các bà: Mai Kiều Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamilk, đại diện duy nhất của Việt Nam đứng trong hàng ngũ 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực châu Á, do tạp chí Forbes bình chọn. Là bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vàng bạc đá quý Phú Nhuận…
Đứng ở thời điểm hôm nay để nhìn sâu vào lịch sử dân tộc, chúng ta thấy rất rõ vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển nền kinh tế... Lịch sử hằng nghìn năm và truyền thống văn hóa dân tộc được hình thành và phát triển bằng chính sự đồng hành, chia sẻ khó khăn và chung vai gánh vác những sứ mệnh lịch sử của phụ nữ Việt Nam.
Nguyễn Thị Ánh Huyền
Trường mẫu giáo Điện Phương
xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam