Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - chính trị, quốc phòng - an ninh của khu vực Tây Nguyên. Nhận thức rõ vai trò của công tác thi đua khen thưởng, khích lệ tinh thần hăng hái lao động, sản xuất, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo công tác thi đua, khen thưởng và đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Đối với các tổ chức đảng, Tỉnh uỷ ban hành Quy định số 01-QĐ/TU ngày 6-7-2006 và Hướng dẫn số 30-HD/TU về việc tổ chức phong trào thi đua và khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên nhằm xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, phổ biến những kinh nghiệm hay, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xuất sắc, thu hẹp các tổ chức đảng và đảng viên yếu kém. UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh và Hội đồng thi đua, khen thưởng tỉnh. Hằng năm, cấp uỷ, chính quyền các cấp và các cơ quan, ban ngành đều xây dựng chương trình, phát động thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Bằng các chương trình hành động, các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng với phương châm: Cả hệ thống chính trị đều phải làm tốt công tác thi đua, khen thưởng. Cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua và công tác thi đua khen thưởng của đơn vị, cơ quan mình. Mỗi chi bộ, đảng viên phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu và là hạt nhân trong phong trào thi đua ở cơ sở. Chính quyền, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện công tác thi đua, làm cho thi đua trở thành phong trào hành động trong toàn tỉnh.
Phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cho các ngành, địa phương: "Thi đua xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, năng suất, chất lượng và hiệu quả" do Ngành Nông nghiệp phát động. Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp "Đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm có lợi thế của địa phương". Lĩnh vực thương mại, dịch vụ với "Mở rộng phát triển thương mại, dịch vụ đáp ứng kịp thời phát triển kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân". Ngành Giáo dục - Đào tạo "Thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo". Ngành Y tế với "Nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế trong khám, chữa bệnh", "Thi đua thực hiện 12 điều y đức", phong trào "Xây dựng Bệnh viện xuất sắc"... Ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch với "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", "Thi đua gìn giữ, tôn tạo và phát huy văn hoá truyền thống của các dân tộc Đắk Lắk". Ngành Lao động - Thương binh - Xã hội phối hợp với UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức thi đua "Xóa đói giảm nghèo", " Ngày vì người nghèo", "Quỹ vì người nghèo" . Phong trào "Thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng cùng các phong trào "Thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy hiệu lực, hiệu quả bộ máy Nhà nước"; "xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu", "Vì an ninh Tổ quốc". Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với “Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”; xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Hội Nông dân với “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Huy động quỹ hỗ trợ nông dân”. Chương trình “Giúp đỡ nhau vươn lên thoát đói, giảm nghèo” của Hội Cựu chiến binh. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh tổ chức chiến dịch “Thanh niên tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội”, “Bảo đảm an toàn giao thông”, “Bảo vệ môi trường”, “Hiến máu nhân đạo”. Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Liên đoàn Lao động với “Thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi ở các doanh nghiệp...
Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình với những thành tích xuất sắc tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, lao động đạt hiệu quả cao trên tất cả các lĩnh vực; góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và địa phương. Các phong trào thi đua đã tác động tích cực vào đời sống xã hội, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn theo hướng gọn nhẹ, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: chưa phát triển đều khắp trong các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các khu vực dân cư, nhiều nơi còn nặng hình thức, chạy theo thành tích. Thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, còn hiện tượng trùng lặp, chồng chéo, chưa đồng đều; công tác hướng dẫn, tổ chức thực hiện phong trào thi đua thực sự chưa đi vào nền nếp. Một số phong trào khi tổ chức phát động rầm rộ nhưng sau đó lại không tích cực tiếp tục; một số hình thức tổ chức phong trào có biểu hiện đi theo lối mòn, rập khuôn, thiếu tính sáng tạo. Việc kiểm tra, đôn đốc chưa được thực hiện thường xuyên; sơ kết, tổng kết chưa sâu, còn nặng về hình thức. Chưa có nhiều mô hình thi đua có hiệu quả nhằm đưa công tác xóa đói giảm nghèo đến với đồng bào dân tộc thiểu số và giữ vững an ninh chính trị tại địa phương. Việc phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua còn lúng túng, chưa thường xuyên, kịp thời; chưa xây dựng được nhiều tấm gương điển hình, có sức hấp dẫn và thu hút mọi người làm theo…
Để nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước Đảng bộ Đắk Lắk thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:
1- Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cần đổi mới nhận thức, có hành động cụ thể để đưa phong trào thi đua yêu nước thành thực chất, không hình thức. Lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, phân công cụ thể người chịu trách nhiệm công tác thi đua và phong trào thi đua yêu nước ở từng địa phương, đơn vị.
2- Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua; gắn phong trào thi đua với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt chú trọng xây dựng, tuyên truyền, nêu gương và nhân rộng điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực để tăng cường sức lan tỏa và hiệu ứng tốt trong đời sống xã hội. Chủ động, kịp thời phát hiện, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, các cá nhân điển hình là người trực tiếp lao động, những tấm gương lao động, sáng tạo đem lại lợi ích vật chất, tinh thần cho xã hội; những tấm gương về nghị lực vượt khó vươn lên, các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực công tác, những mô hình kinh tế ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh vươn lên xoá đói, giảm nghèo, giữ gìn phát huy bản sắc các dân tộc Tây Nguyên… đặc biệt là những tổ chức, cá nhân ở những địa phương, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
3- Tổ chức tốt việc phát động phong trào thi đua từ cơ sở, trong đó đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm, đầu tàu gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện có hiệu quả việc đăng ký giao ước thi đua nhằm khơi dậy sức mạnh của quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội, các thành phần kinh tế...
4- Mỗi huyện, thành phố, thị xã, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cơ sở trong tỉnh cần xác định những nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Có sự phối hợp tốt giữa cấp uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Phong trào thi đua phải góp phần tích cực vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy dân chủ cơ sở; khắc phục các thiếu sót, khuyết điểm, thực sự làm chuyển biến tình hình mọi mặt của địa phương, đơn vị theo hướng tích cực, tiến bộ để vận động, thu hút quần chúng tham gia vào các phong trào hành động cách mạng.
5- Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng ở cơ sở, để uốn nắn, khắc phục những hạn chế, yếu kém. Cần kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, phô trương, hình thức, khen thưởng tràn lan; khen thưởng không đúng người, không đúng thành tích…
Nguyễn Phú Lập
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk