Tháng 10-1947, khi tôi đang công tác ở Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương thì được tin giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc. Cơ quan Trung ương Đảng hồi đó đóng ở xã Bình Thành, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên gồm có Văn phòng Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tổng cộng 40 người, đủ thành lập một chi bộ. Khi địch tấn công lên Việt Bắc, tất cả các cơ quan Trung ương Đảng nhanh chóng di chuyển sang Đình Cả, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Tin thắng trận dồn dập đưa về làm cho chúng tôi rất phấn khởi. Điều vui mừng hơn nữa là chúng tôi sẽ được trở về Định Hoá. Trở về Định Hoá, Thủ đô kháng chiến lúc bấy giờ thật hạnh phúc biết bao. Bao nhiêu kỷ niệm lại trở về trong tôi…
Nhớ lại sau Ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, cơ quan Ban Tổ chức Trung ương từ Hà Nội chuyển lên Việt Bắc. Do phong tục tập quán miền núi khác với miền xuôi, nhân dân Việt Bắc kiêng không mắc màn trắng khi đi ngủ, trong khi màn của chúng tôi chưa kịp nhuộm nâu nên không ai mắc màn đi ngủ.
Thấy vậy, mế chủ nhà Nông Thị Biêng nói:
- Các con cứ mắc màn trắng mà ngủ kẻo muỗi đốt thì ngủ làm sao được?
- Bọn con không được phép mắc màn trắng để ngủ vì phong tục ở đây kiêng mế ạ.
- Con cứ mắc màm trắng mà ngủ, mế cho phép.
- Mế cho phép nhưng nội quy cơ quan không cho phép. Mế cứ yên tâm, chúng con đang sức ăn sức ngủ, muỗi có khiêng đi thì con vẫn ngủ, không sao đâu.
Thế là má cười xoà và quạt cho tôi ngủ. Lúc này tôi thấy hạnh phúc quá, thấy như mình đang ở nhà, được mẹ mình chăm sóc. Chúng tôi cứ ngủ chẳng cần mắc màn, mặc cho muỗi đốt và nhiều người bị sốt rét, rét run người nhưng không có thuốc điều trị. Bác sỹ phải pha viên ký ninh vào nước rồi lọc qua bông thấm nước (vì nước cất cũng không có) để tiêm cho chúng tôi. Nhưng, sốt rét vẫn không dứt, nhân dân phải dùng bài thuốc dân gian chữa cho chúng tôi bớt bệnh.
Định Hoá có những “địa danh” thật thân thương với chúng tôi như quán xôi vò, quán ông già, quán vuông… Nhớ lại, nhiều lần chúng tôi đi bộ hàng chục cây số từ cơ quan đến chợ Quảng Nạp mà chúng tôi ví như là chợ "Đồng Xuân" chỉ để ăn một bát phở rồi về. Hoặc mỗi lần đi công tác hàng hai ba chục cây số, bụng đói cồn cào, được vào quán xôi vò mà chúng tôi coi như khách sạn "Phú Gia" ở Hà Nội thời đó để ăn nắm xôi, chúng tôi thấy người khoẻ ra. Hay những lúc đi bộ một chặng đường dài, mồ hôi ướt đầm lưng áo, được uống bát nước vối ở quán ông già hoặc ở quán vuông, uống đến đâu thấy mát ruột mát gan đến đấy. Ở vùng tự do hồi đó, người ta “kiêng” không dùng hai từ “bán nước” cho nên vào hàng quán được uống nước không phải trả tiền; nếu có tiền thì mua vài cái kẹo vừng... Chủ quán rất vui vẻ vì mình đã làm được một việc có ích là đã phục vụ nước uống giúp người đi đường lấy lại sức lực để tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ kháng chiến. Thời gian ở Định Hoá, chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm về tình quân dân, sự gắn bó giữa nhân dân với Đảng, với bộ đội, với cán bộ…
Nhận lệnh trở về Định Hoá, để đảm bảo bí mật, chúng tôi phải ngày nghỉ, đêm đi, luồn rừng, theo đường mòn mà đi. Chúng tôi gài mảnh nứa mục có ánh sáng lân tinh xanh lét lên ba lô, người sau nhìn người đi trước, theo ánh sáng xanh mà tiến để khỏi mất liên lạc với nhau trong đêm. Đến đêm thứ 3, mọi người đã mệt lử. Xa xa, nghe thấy tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, ánh lửa bập bùng trong đêm khuya thanh vắng. Chúng tôi mừng quá, thế là sắp đến nơi rồi! Tiếng gà gáy giữa rừng sâu thật thân thương, ấm áp. Có tiếng gà, tiếng chó sủa, ánh lửa bập bùng là có nhân dân, có sự sống. Lúc này hai tiếng nhân dân sao mà thân thương và thiêng liêng đến thế. Thế nhưng, đoàn chúng tôi không tiến về phía những ngôi nhà đang có ánh lửa đỏ mà cứ đi xa dần, xa dần mãi cho đến lúc không còn thấy ánh lửa nữa. Xa xa, tiếng thác nước đổ đều đều khiến cơn buồn ngủ chĩu đôi mắt tôi. Cứ như thế, tôi vừa lơ mơ đi vừa làm theo những lời nhắc nhở của người phía trước, tay vịn vai nhau mà đi...
Sau 4 đêm luồn rừng, lội suối, chúng tôi đã trở về Quảng Nạp thuộc xã Bình Thành, huyện Định Hoá. Gặp lại các cụ, các ông, các bà, các mế, các anh các chị, mọi người mừng mừng tủi tủi muốn trào nước mắt khi biết ai còn ai mất, tay nắm chặt tay, rồi lại ôm chầm lấy nhau như sợ lại phải xa nhau lần nữa.
Chúng tôi lại trở về sống và làm việc tại các gia đình mà hơn hai tháng trước đây đã đùm bọc, giúp đỡ, chở che cho chúng tôi. Chiều chiều, các sân bóng chuyền của cơ quan Trung ương Đảng lại vang lên tiếng cười. Riêng đồng chí Lê Văn Lương đã duy trì trở lại bài tập thể dục buổi sáng là gánh đầy hai bể nước ăn của cơ quan Trung ương Đảng. Cửa hàng sửa xe đạp ở phố Quảng Nạp, thực chất là trạm giao liên bí mật của Trung ương Đảng, lại như thường lệ tấp nập chuyển công văn, tài liệu, báo chí, đưa đón cán bộ hoạt động, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm vô cùng khốc liệt và gian khổ nhưng rất đỗi tự hào và vinh quang của dân tộc ta.
Trần Duy Phiên
Nguyên cán bộ Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương thời kỳ kháng chiến chống Pháp