Tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử

Hoạt động giám sát là chức năng quan trọng hàng đầu của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử như Quốc hội, HĐND các cấp và đại biểu của các cơ quan này. Điều này đã được bàn trên nhiều diễn đàn, kể cả diễn đàn Quốc hội - cơ quan quyền lực, cơ quan lập pháp cao nhất của nước ta. Tuy nhiên, trải qua nhiều nhiệm kỳ, qua nhiều năm nhưng hoạt động này vẫn còn hình thức, chưa thật sự hiệu quả, chưa tạo được niềm tin của cử tri gửi gắm vào đại biểu do mình bầu ra. Thậm chí, ngay khi các cơ quan, người có thẩm quyền của cơ quan hành chính vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, người dân hoặc cơ quan thông tin đại chúng đã phát hiện, tố cáo, phản ánh đến các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử nhưng các vụ việc được cơ quan chức năng tiếp thu, xử lý đến nơi, đến chốn rất ít, không đáng kể.

Điều này do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Nguyên nhân chủ quan là do nhiều cơ quan, đại biểu dân cử chưa làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình là đại diện cho nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều đại biểu hoạt động cầm chừng, bị động, không tìm hiểu, nghiên cứu sâu các vụ việc, vấn đề để đưa ra các lập luận xác đáng, sâu sắc trước các sự việc, vấn đề được dư luận nêu. Đặc biệt là do cơ chế giám sát, xử lý sau giám sát của cơ quan dân cử chưa được quy định rõ ràng, việc truy cứu trách nhiệm của cơ quan hành chính còn bỏ ngỏ, chưa thống nhất, chặt chẽ. Do đó, nhiều kiến nghị, yêu cầu của các cơ quan dân cử không được các cơ quan chức năng tiếp thu, xử lý kịp thời, triệt để, nghiêm minh mà chỉ giải trình chung chung, hình thức dẫn đến hoạt động giám sát của các cơ quan, đại biểu dân cử chưa hiệu quả.

Theo chúng tôi, để hoạt động giám sát hiệu quả, cần tăng cường vai trò của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Trước hết, phải mở rộng hoạt động, phát huy chức năng, thẩm quyền của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, trong đó quan trọng nhất là quy định về tính cưỡng chế, bắt buộc thi hành sau giám sát. Tăng cường tỷ lệ đại biểu chuyên trách trong các cơ quan dân cử hướng đến việc thực hiện đại biểu dân cử chuyên trách, không nên thực hiện đại biểu kiêm nhiệm dẫn đến chồng chéo giữa chức năng lập pháp và hành pháp. Nghiên cứu sớm ban hành quy chế lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo từng năm, theo nhiệm kỳ hoặc có thể bỏ phiếu tín nhiệm bất thường nếu thấy cần thiết. Có như vậy mới khắc phục và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát nói riêng và hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử nói chung.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất