Kinh nghiệm lãnh đạo xóa đói, giảm nghèo của Đảng bộ Bến Tre
Đặc sản dừa của Bến Tre.

Qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ Bến Tre đã xây dựng khối đoàn kết, phát huy những điều kiện thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, lãnh đạo đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt những thành tựu quan trọng, trong đó việc chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) trong tỉnh đạt nhiều kết quả, rút ra nhiều kinh nghiệm quý:

Một là, quyết tâm cao, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy

Quá trình lãnh đạo XĐGN đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng bộ Bến Tre trong việc đề ra chủ trương cũng như lãnh đạo thực hiện. Từ đề ra chủ trương đến tổ chức thực hiện thể hiện sự đồng thuận, chặt chẽ, nhất quán trong quá trình chỉ đạo và thực hiện công tác giảm nghèo của Bến Tre.

Tháng 3-1987, thời điểm rất nhiều khó khăn nhưng Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ IV đã khẳng định “Phải hết sức cố gắng để bảo đảm mức sống cơ bản của người lao động không để ai thiếu đói...” và trong Đại hội IX tỉnh Đảng bộ (tháng 10-2010), một lần nữa Đảng bộ khẳng định “nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp… đồng thời động viên người nghèo, hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo và giúp đỡ người khác thoát nghèo"(1). Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo XĐGN (sau này là Ban chỉ đạo giảm nghèo) và đề ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2000, giảm hộ có mức sống nghèo từ 20% năm 1995 xuống còn 5%, tăng hộ giàu và khá"(2).

Trên cơ sở các chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ra các quyết định, xây dựng kế hoạch triển khai. Giai đoạn 2010-2011, từ chủ trương của Đảng bộ: “hằng năm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu đề ra, tăng nhanh số hộ khá, giàu”(3) với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân 2%/năm, đến cuối nhiệm kỳ giảm còn 7%, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 738/KH-UBND ngày 2-3-2011 về “Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo năm 2011” và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác XĐGN có năng lực, bám sát cơ sở

Tỉnh đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác XĐGN, coi trọng đào tạo cán bộ chuyên trách về XĐGN cấp tỉnh (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), mở nhiều lớp tập huấn để bồi dưỡng năng lực cho các cán bộ cấp cơ sở. Từ năm 2006-2010, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện tổ chức 156 lớp tập huấn, đào tạo cho 13.209 lượt cán bộ làm công tác XĐGN các cấp. Nhờ vậy đã xây dựng một đội ngũ cán bộ không ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng đem sức lực, trí tuệ của mình để gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, phục vụ dân, giúp công tác XĐGN mang lại kết quả.

Trong tổ chức thực hiện, tổ công tác của Ban Chỉ đạo thường xuyên xuống cơ sở để khảo sát, nắm bắt tình hình, kiểm tra việc sử dụng các nguồn vốn bảo đảm đúng mục đích, đúng địa chỉ, phát huy kịp thời, hiệu quả nguồn kinh phí.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác XĐGN

Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc XĐGN. Cổ vũ các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và mọi người cùng tham gia đóng góp, ủng hộ, tạo nguồn lực cho chương trình. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã thực hiện nhiều chương trình, phong trào, như Hội Nông dân với việc xây dựng “Quỹ hỗ trợ nông dân” và các phong trào "Thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi", "Phong trào đoàn kết, tương trợ, giúp nhau XĐGN, làm giàu chính đáng". Hội Phụ nữ có phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Câu lạc bộ phụ nữ xóa đói giảm nghèo”. Hội Cựu chiến binh có phong trào đóng góp xây dựng “Nhà nghĩa tình đồng đội”. Đoàn Thanh niên có phong trào "Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế", "Câu lạc bộ thanh niên giúp bà con thoát nghèo". Trong chiến dịch "xóa nhà ở dột nát”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bến Tre phối hợp với Đài Truyền hình, Đoàn Thanh niên tổ chức chương trình truyền hình “Đêm nhạc từ thiện” thu hút sự quan tâm, đóng góp của nhiều cá nhân, doanh nghiệp. Tỉnh còn vận động các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xây dựng kế hoạch giúp đỡ, ủng hộ xây dựng nhà tình thương cho các hộ nghèo hằng năm; cán bộ, công nhân viên mỗi năm góp 1 ngày lương vì người nghèo... Đồng thời, động viên, khuyến khích người nghèo tự vươn lên...

Bốn là, phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn

Bến Tre có 4 nhánh sông lớn và hàng nghìn kênh rạch chằng chịt ảnh hưởng lớn đến hệ thống giao thông và phát triển kinh tế - xã hội cũng như công cuộc XĐGN. Tỉnh ủy xác định, muốn phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác XĐGN thì nhất thiết phải xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn.

Để nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn cần vốn đầu tư khá lớn, trong khi nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh rất hạn hẹp, chỉ có thể đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho giao thông. Tỉnh đã chú trọng giải pháp kết hợp sự hỗ trợ của Trung ương với huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, như: Từ thu ngân sách hàng năm của tỉnh, huyện và xã. Ngân sách Trung ương dưới 3 hình thức hỗ trợ từ Bộ Giao thông Vận tải theo kế hoạch hằng năm; vốn đối ứng của các khoản vay nước ngoài (ODA); vốn từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia (theo chủ trương xóa đói, giảm nghèo các huyện, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long… của Chính phủ). Huy động tài trợ từ các dự án nước ngoài chủ yếu từ nguồn viện trợ không hoàn lại của các nước, các tổ chức quốc tế, Ngân hàng thế giới (WB) đầu tư cho hệ thống giao thông của vùng, trong đó có Bến Tre. Thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân thông qua các hình thức phát hành cổ phiếu, trái phiếu, khuyến kích đầu tư theo phương thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao), huy động vốn ứng trước của các doanh nghiệp, trả chậm có lãi suất hoặc trả bằng tiền thu phí giao thông…

Tỉnh cũng có chính sách khuyến khích nhân dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”, Nhà nước hỗ trợ một phần, huy động nhân dân tham gia phần chính yếu (kể cả đóng góp bằng ngày công lao động công ích) trong xây dựng giao thông nông thôn…

Năm là, tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân điển hình

Hằng năm, tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác XĐGN nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình và giới thiệu những kinh nghiệm hay, những điển hình tiên tiến trong phong trào XĐGN để nhân rộng ra toàn tỉnh. Rất nhiều hoạt động thoát nghèo ở nông thôn Bến Tre những năm gần đây với cách làm sáng tạo không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục, hàng trăm lao động ở địa phương, như làm kinh tế gia đình vườn - ao - chuồng, trang trại nhỏ; vùng ven biển thì vay vốn mở rộng diện tích nuôi tôm, nghêu, cua, sò huyết… đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Qua sơ, tổng kết khắc phục tình trạng triển khai một số chính sách còn chậm, nhiều người nghèo chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, hoặc chưa chủ động tìm đến vì họ thiếu thông tin hoặc vì nhiều thủ tục hành chính...

Từ những kết quả và bài học kinh nghiệm, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở chú trọng lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra nhiều việc làm mới, thực hành tiết kiệm, phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra.

ThS. Nguyễn Tôn Phương Du
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II

--------

(1), (3) Tỉnh ủy Bến Tre (2010), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ IX, tr. 56, 57, 30. (2) Tỉnh ủy Bến Tre (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ tỉnh Bến Tre, tr. 47.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất