Mốc son chói lọi làm rạng rỡ tinh thần bất khuất của quân, dân Thủ đô Hà Nội
Bốn mươi năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam nói chung cũng như người Hà Nội nói riêng vẫn không bao giờ quên những ngày tháng lịch sử cuối năm 1972. Những ngày tháng ấy gắn liền với tinh thần quyết chiến, quyết thắng siêu pháo đài bay B.52 của Mỹ, ghi thêm vào lịch sử dân tộc về một chiến thắng được ví như Điện Biên thứ hai, một “Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu. Chiến thắng này không chỉ thể hiện ý chí sắt đá, lòng yêu nước nồng nàn, sự anh dũng, kiên cường của quân và dân ta mà còn thể hiện trí tuệ, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của dân tộc Việt Nam trên bầu trời Hà Nội. B.52 - vũ khí bách chiến, bách thắng của Mỹ đã phải khuất phục quân và dân Hà Nội sau 12 ngày đêm, buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Pa-ri, tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Cùng với những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… “Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là mốc son chói lọi để dân tộc Việt Nam tiếp tục giành những thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...

Cuối năm 1964, nhằm cứu vãn thế nguy ngập trên chiến trường miền Nam, đồng thời ngăn chặn nguồn chi viện từ miền Bắc, đế quốc Mỹ không ngừng leo thang, mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc nước ta. Đặc biệt, ngày 13-12-1972, Hội nghị Pa-ri bế tắc do Mỹ liên tiếp gây khó khăn trên bàn Hội nghị. Tướng Kít-xinh-giơ đã về Oa-sinh-tơn bàn bạc với tướng Hây-gơ để cùng đề nghị Tổng thống Ních-xơn cho B.52 ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam. Máy bay B.52 là loại “siêu pháo đài bay chiến lược”, được trang bị 15 máy điện tử phát nhiễu chống các loại ra-đa của đối phương. Hoa Kỳ cho rằng đối phương không thể có cách chống đỡ và không còn một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom của B.52 bất khả xâm phạm này. Vì vậy, ngày 14-12-1972, Tổng thống Ních-xơn đã phê chuẩn kế hoạch Lai-nơ-bếch- cơ
II (sử dụng không quân chiến lược đánh dữ dội nhằm gây “hiệu quả chấn động”, ra lệnh B.52 tiến công vào khu vực Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận). Ních-xơn còn phái tướng Hây-gơ đến Sài Gòn để thông báo cho Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Ngụy rằng: “Mỹ tập trung lực lượng quân không quân kể cả B.52, lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam để oanh tạc miền Bắc từ ngày 18-12-1972 nhằm gây áp lực buộc chính phủ Bắc Việt phải trở lại bàn đàm phán Pa-ri với thế yếu, tạo thuận lợi cho chính phủ Việt Nam cộng hòa tồn tại”. 

Để thực hiện kế hoạch trên, Mỹ điều động thêm 2 tàu sân bay cùng 58 tàu chiến thuộc hạm đội 7 vào Vịnh Bắc bộ, nâng tổng số tàu sân bay của Mỹ ở khu vực này lên 6 chiếc. Máy bay chiến thuật được huy động tới 1.077 chiếc và 150 máy bay chiến lược B.52. Âm mưu, mục tiêu của chiến dịch đánh phá miền Bắc lần này không có gì khác so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Giôn-xơn song quy mô, mức độ quyết liệt hơn. Trong một bản báo cáo mật tháng 4-1972, Kít-xinh-giơ khẳng định bất kỳ một cuộc ném bom mới nào ra Bắc Việt Nam cũng phải ác liệt hơn, mạo hiểm hơn, gây thương vong cho dân thường nhiều hơn, phá được nhiều mục tiêu hơn… Vì vậy, ngay từ đầu, Mỹ đã tập trung đánh phá vào những vùng đông dân, các vị trí trọng điểm của hậu phương lớn - miền Bắc, đặc biệt là cơ quan đầu não lãnh đạo toàn bộ cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Mỹ dùng hàng trăm chiếc máy bay đánh vào các đường giao thông, kho tàng, các trận địa phòng không, đặc biệt là các trận địa tên lửa ở khu vực Quảng Bình, Quảng Trị; sử dụng B.52 ra đánh ra khu vực Hàm Rồng và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), Hà Nội, Hải Phòng. Chỉ gần 1 tiếng đồng hồ sau trận B.52 đầu tiên, 1.120 dân thường thiệt mạng...

Trước yêu cầu của lịch sử, với quyết tâm và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, thấm nhuần sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, quân và dân Thủ đô đã hoàn tất mọi sự chuẩn bị để sẵn sàng đánh trả một cuộc tập kích bằng không quân lớn chưa từng thấy của địch ra ngoài vĩ tuyến 20, “kiên quyết không để bị bất ngờ, quyết tâm bắn rơi tại chỗ máy bay chiến lược B.52”. Cách đánh B.52 và việc bố trí lực lượng, phương pháp xạ kích đã được hoàn chỉnh. Các dàn tên lửa SAM II sẵn sàng bấm nút, các phi đội MiG đợi lệnh xuất kích… Cả Hà Nội bình tĩnh, chủ động bước vào cuộc chiến đấu, quyết hạ uy thế “siêu pháo đài bay” của không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Thủ đô.  

Những ai được sống và chiến đấu ở Hà Nội trong những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ sẽ không thể nào quên ngày 18 tháng 12-1972 lịch sử. Nhân dân thế giới chắc cũng không thể nào quên ngày mở đầu cuộc tập kích chiến lược bằng B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh thế giới, cùng một lúc trên một vùng trời nhỏ hẹp (theo địch thú nhận), đã sử dụng 116 lần chiếc B.52, 205 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh vào những vùng đông dân, những cơ sở kinh tế, đài phát thanh. 19 giờ 15 phút cùng ngày, những lượt B.52 của Mỹ đã bắt đầu trút hàng ngàn tấn bom xuống Hà Nội. Trong đêm, cả Hà Nội rung chuyển, rực cháy bởi bom Mỹ và pháo phòng không, tên lửa của ta; Mỹ đã đánh liên tiếp vào các sân bay, vùng xung quanh Hà Nội, một số khu vực trọng yếu khác. Đồng thời, Mỹ đã huy động 28 lượt máy bay hải quân đánh phá Hải Phòng. Đoán trước được âm mưu, thủ đoạn của Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ đã tổ chức đánh B.52 với lực lượng không quân chặn vòng ngoài, lực lượng pháo cao xạ và lưới lửa tự vệ đánh dạt các lớp máy bay chiến thuật tạo điều kiện để bộ đội ra-đa, tên lửa tìm diệt B.52. Vào 20 giờ 13 phút, chiếc máy bay B.52 đầu tiên đã bị bắn rơi bởi Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261). Rạng sáng ngày 19-12, vào lúc 4 giờ 39 phút, Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257) tại Thanh Oai (Hà Tây) đã bắn rơi chiếc B.52 thứ hai. Cùng ngày, tiểu đoàn 52 (Trung đoàn 267) cũng bắn rơi thêm một B.52 đang trên đường về căn cứ U-ta-pao. Đêm 20-12, không quân ta đã xuất kích đánh vào đội hình máy bay chiến thuật của Mỹ, tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa tiêu diệt B.52. Đêm thứ ba này đã trở thành một đêm kinh hoàng với các phi công Mỹ khi có tới 5 chiếc B.52 bị tiêu diệt tại chỗ. Rạng sáng ngày 21-12, ta hạ được thêm một chiếc, đưa tổng số B.52 bị bắn rơi trong đêm lên tới 6 chiếc bằng 35 tên lửa, bắt sống 12 phi công Mỹ.  

Trong 4 ngày đầu, ta đã tiêu diệt 12 chiếc B.52 của Mỹ, khiến cho chiến dịch Lai-nơ-bếch- cơ II của Mỹ phải kéo dài thêm so với kế hoạch. Từ đêm 22-12, sau khi kế hoạch không kích Hà Nội, Hải Phòng được điều chỉnh, tần suất và cường độ tấn công của máy bay B.52 và máy bay chiến thuật Mỹ có dấu hiệu giảm sút. Sau này ta mới biết rằng Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ (SAC) vẫn ra lệnh cho các phi công tiếp tục oanh kích Hà Nội như trước, nhưng các phi công B.52 đã tìm mọi cách lảng tránh Hà Nội sau khi nếm trải sức kháng cự mãnh liệt. Với những thắng lợi liên tiếp của quân và dân ta, Hãng thông tấn AP (Mỹ) đã bình luận: “Nếu cứ theo đà này thì máy bay B.52 của Mỹ sẽ bị diệt chủng”, còn các tướng lĩnh Mỹ chỉ huy chiến dịch này cũng phải thừa nhận rằng trong 2 tuần lễ nữa Mỹ sẽ không còn một chiếc máy bay B.52 nếu tiếp tục đưa B.52 vào “nướng” tại miền Bắc theo kiểu này. Đêm 26-12, sau khi điều chỉnh lại chiến thuật tấn công, Mỹ tổ chức một đợt không kích rầm rộ không kém đêm đầu tiên với số lượng máy bay B.52 được huy động lên tới 129 chiếc, đánh dồn dập mỗi mục tiêu từ ba hướng khác nhau (khác với đánh từ một hướng như trước kia). Bom Mỹ đã hủy diệt phố Khâm Thiên, khu Tương Mai, Mai Hương, Bệnh viện Bạch Mai... Tội ác của Mỹ không chỉ bị lương tri nhân loại lên án mà còn bị đánh bại bằng trí tuệ, bản lĩnh của những người Việt Nam yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc. Bộ đội phòng không không quân và nhân dân Thủ đô từng bước đánh bại từng đợt siêu pháo đài bay của Mỹ. Đặc biệt trong các ngày 27, 28 và 29-12, ta đã bắn rơi 2 máy bay B.52. Lần đầu tiên trên thế giới, máy bay B52 bị bắn hạ bởi lực lượng không quân. Đồng thời, bộ đội tên lửa cũng bắn rơi thêm 5 chiếc B.52. Trong 12 ngày đêm đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng không quân đại quy mô của đế quốc Mỹ, bằng tất cả lòng căm thù, sự dũng cảm, ý chí và trí tuệ của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân dân toàn miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52, 5 chiếc F.111, diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Riêng về máy bay chiến lược B.52, với kết quả bị bắn rơi 34/193 chiếc mà địch huy động, đế quốc Mỹ không thể chịu đựng nổi, buộc phải chịu thua. Vì vậy, vào lúc 7 giờ sáng ngày 30-12-1972, Chính phủ Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra, ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Pa-ri.  

Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” là biểu tượng sáng ngời về sức mạnh tinh thần, trí tuệ của quân và dân Thủ đô dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng. Thắng lợi này là một trong những đòn mạnh mẽ, quyết định đến cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, thực hiện được một phần tâm nguyện của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút”, là cơ sở quan trọng để dân tộc Việt Nam chung sức đồng lòng, tiếp tục “đánh cho Nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất