Vào tháng 4-2009, một số Việt kiều tại Pháp có chung đam mê ca hát và yêu thích những bài hát kinh điển của Việt Nam đã quyết định thành lập Hợp ca Quê hương. Đây là một sự tiếp nối đầy ý nghĩa của phong trào ca hát trong cộng đồng người Việt ở Pháp cùng ca cùng hát vì cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước, vốn phát triển rất mạnh trong kháng chiến, nhất là giai đoạn 1968-1973.
Dàn Hợp ca Quê hương biểu diễn dịp Tết Nguyên đán năm 2015.
Khi đó, các buổi văn nghệ của cộng đồng luôn là dịp để bà con xa quê thưởng thức các tiết mục kịch, hát về truyền thống văn hóa lâu đời và cổ vũ tinh thần yêu nước. Chính vì vậy, dấu ấn của phong trào ca hát hướng về đất nước vẫn còn in đậm trong tâm trí của các thế hệ Việt kiều tại Pháp, đặc biệt là trong các sự kiện đặc biệt như Tết hòa bình sau lễ ký kết Hiệp định Pa-ri năm 1973, Tết dân tộc năm 1974 hay Tết thống nhất năm 1975. Niềm vui sướng, hạnh phúc dâng trào trong lòng của những người con đất Việt tại Pháp khi đó hòa cùng tiếng ca đầy tự hào của dàn hợp ca cộng đồng.
Được tiếp lửa từ cha mẹ từng tham gia phong trào ca hát, bà Nguyễn Ngân Hà cùng một số Việt kiều bàn bạc để gây dựng một tổ chức hoạt động văn nghệ nhằm giới thiệu quê hương đất nước, con người Việt Nam đến các thế hệ sinh ra trên đất Pháp sau ngày đất nước thống nhất và tới bạn bè quốc tế. Nét đặc biệt của Hợp ca Quê hương là hát những các tác phẩm có những lời ca, giai điệu hào hùng, đầy khí phách của nhân dân Việt Nam và có sức lan tỏa trong lòng người như “Ca ngợi Tổ quốc” (Hồ Bắc), “Tổ quốc yêu thương” (Hồ Bắc), “Du kích sông Thao” (Đỗ Nhuận), “Lướt sóng ra khơi” (Thế Dương)...
Là người khởi động và dẫn dắt Hợp ca Quê hương, bà Ngân Hà nhớ lại: "Lúc đầu chỉ là ý tưởng tập hợp những người thích ca hát và yêu thích những bài hát kinh điển của Việt Nam. Khó khăn lớn nhất khi đó là không phải ai cũng hát được vì tất cả đều là các ca sĩ nghiệp dư, chủ yếu là các anh chị Việt kiều, sinh viên còn đi học".
Từ lúc chỉ có 15 người, tập hát rất vất vả những bài đầu tiên như “Người Hà Nội”, giờ đã lên tới gần 50 người thuộc bốn thế hệ người Việt ở Pháp và cả người nước ngoài. Lúc đầu tập hát chỉ để tham gia các sự kiện của cộng đồng, chia sẻ những khoảnh khắc xa quê, sau rồi mọi người tìm thấy sự đam mê. Ai cũng bận bịu công việc hằng ngày nhưng mỗi khi có buổi tập ở nhà chị Ngân Hà hay ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp hoặc lúc biểu diễn là lại cố gắng để có mặt đông đủ.
Đến với Hợp ca Quê hương, các thành viên không nhất thiết phải am hiểu hay theo học tại các trường âm nhạc. Bà Ngân Hà cũng vậy, tự học, nhờ người tư vấn, giúp đỡ và đã trở thành Nhạc trưởng không chuyên từ những ngày đầu. Mọi người cùng tìm hiểu, học lẫn nhau để có thể hát hòa quyện, đồng đều. Hợp ca có sự kết hợp của những người từng tham gia phong trào Việt kiều và các bạn trẻ thích nhạc trẻ. Vì vậy, có sự bù trừ giữa kinh nghiệm và sự tươi trẻ. Bà cho biết: "Không khí đầm ấm, gắn kết giữa các thành viên đã giúp hợp ca vượt qua những khó khăn ban đầu. Một số bạn trẻ từ Việt Nam sang học thú thật rằng giờ mới biết nhiều bài ca của Việt Nam hay và có ý nghĩa như vậy; còn những bạn nước ngoài thì được trải nghiệm những giai điệu giàu bản sắc văn hóa của Việt Nam".
Bà Ngân Hà với những Bằng khen do Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Hợp ca Quê hương.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, các thành viên nay đã có độ chuyên nghiệp, tạo được nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả tại các buổi biểu diễn lớn trong mấy năm vừa qua. Không chỉ biểu diễn tại các sự kiện cộng đồng để góp vui, họ còn có nhiều buổi biểu diễn trước công chúng Pháp.
Những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với các thành viên của Hợp ca Quê hương là khi thể hiện tác phẩm “Người Hà Nội” trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long cùng dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng UNESCO. Cũng tại trụ sở UNESCO trong Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày UNESCO ra nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam,” Hợp ca Quê hương đã trình diễn bài hát “Ca ngợi Tổ quốc” và “Tiếng hát giữa rừng Pác Pó” cùng phần biểu diễn, giới thiệu hai bài thơ của Bác Hồ do nhạc sĩ Pháp Louis Durey phổ nhạc, mang đến không khí đầy tự hào và xúc động về đất nước và về vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam.
Trong khuôn khổ của Liên hoan hợp xướng quốc tế lần thứ 23 diễn ra tại Pa-ri dịp đầu năm 2017, Hợp ca Quê hương có dịp giới thiệu những giai điệu của đất nước Việt Nam tới công chúng Pháp. Bà Ngân Hà nhớ lại: "Đây là một hoạt động thường niên của Hội “Âm nhạc và Bạn bè” để dàn hợp xướng của các nước biểu diễn những bài hát truyền thống ngợi ca tình người, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Hòa cùng những tràng pháo tay vang dội không ngớt là cảm xúc rung động, tự hào về Tổ quốc trong mỗi thành viên của Hợp ca Quê hương".
Hợp ca Quê hương ngày càng lan tỏa trong cộng đồng người Việt và công chúng ở Pháp, thu hút sự quan tâm và hợp tác của một số dàn nhạc cũng như hợp xướng có tiếng ở Pháp. Sau hai năm ấp ủ, Hợp ca Quê hương đã phối hợp Nhạc viện Rouen thu đĩa CD đầu tiên “Tổ quốc yêu thương” gồm 10 bài hợp xướng kinh điển của Việt Nam. Đó là những tác phẩm tiêu biểu của dòng nhạc cách mạng như “Hồi tưởng” của Hoàng Vân, “Ca ngợi Tổ quốc” của Hồ Bắc, “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy” của Tô Hải, cùng các ca khúc về biển đảo của Việt Nam được chuyển soạn thành hợp xướng cho Hợp ca Quê hương như “Lướt sóng ra khơi” của Thế Dương, “Tình em biển cả” của Nguyễn Đức Toàn, “Đất nước bên bờ sóng” của Thái Văn Hóa...
Hợp ca Quê hương đã đi được một chặng đường dài cùng cộng đồng người Việt, góp phần gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc và tinh thần yêu nước. Có nhiều lúc vui nhưng cũng có lúc vô cùng vất vả để duy trì các buổi sinh hoạt vì ai cũng có công việc riêng. Những lúc đó, bà Ngân Hà và chồng, ông Nguyễn Tích Kỳ hết sức động viên mọi người cùng cố gắng. Họ là điểm tựa, là người dẫn dắt và cũng là người bạn thân thiết để “giữ lửa” cho gia đình Hợp ca này. Ông Tích Kỳ chia sẻ: "Chúng tôi coi các thành viên như người trong một gia đình, quan tâm từ những chuyện nhỏ nhất trong cuộc sống, bởi có thế mọi người mới yên tâm, đồng cảm, chia sẻ và cùng nhau đoàn kết vì nhiệm vụ chung. Đó là gìn giữ và phát huy một truyền thống văn hóa có từ nhiều thập kỷ qua của cộng đồng người Việt tại Pháp. Hát hợp xướng là một hoạt động độc đáo của những người Việt ở đây, nhằm góp phần tiếp nối và cổ vũ tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ".
Khải Hoàn