1- Việt Nam chủ trương xây dựng nền kinh tế vì mục đích dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tư tưởng này là biểu hiện tiếp nối những giá trị văn hoá truyền thống của cha ông ta. Hai chữ kinh tế là nói rút gọn của quan niệm kinh bang tế thế. Từ điển Hán Việt của học giả Đào Duy Anh định nghĩa kinh tế như sau: "Nguyên là chữ kinh bang tế thế, là sửa nước cứu đời, hoặc kinh thế, tế dân, là trị đời, giúp dân. Sau người Nhật dùng với nghĩa mới để dịch chữ économie của Tây. Ngày nay phàm cái gì có quan hệ đến việc lợi dụng hậu sinh (hậu sinh: sự dồi dào của đời sống - TĐH chú) đều gọi là kinh tế". Như vậy trong quan niệm văn hiến Việt Nam, hai chữ kinh tế có cái hồn, cái cốt, cái tinh hoa minh triết giúp nước, cứu đời, cứu dân. Cái ích lợi của kinh tế là hướng tới những mục tiêu cộng đồng dân tộc, xã hội, con người. Không thể và không chỉ là hoạt động sinh lợi đơn thuần, hoặc chỉ là đạt tới một lượng của cải dồi dào, một lượng tiền nhiều, nhiều hơn nữa cho một số người. Một học giả nổi tiếng của Việt Nam - ông Đặng Huy Trứ (1825-1874) - đã có một tư tưởng kinh tế rất minh triết. Ông là người Việt Nam đầu tiên đặt ra và giải quyết vấn đề đạo đức của những người làm kinh tế trong bộ máy nhà nước dưới thời nhà Nguyễn. Ông viết: "Làm ra của cải là một đạo lý lớn không được coi thường". Đó là vấn đề quan hệ giữa lợi và đạo đức, giữa lợi ích kinh tế và đạo tâm trong sáng mà người làm kinh tế phải giữ. Về quan hệ giao thương, hội nhập thì câu đối sau đây của ông hẳn cho tới nay vẫn có một ý nghĩa minh triết đáng trân trọng, giữ gìn:
Lợi lộ tứ phương tuy quảng khoát.
Đạo tâm nhất phiến mỗi căng trì
(Nghĩa là: Đường lợi bốn phương tuy rộng mở/đạo tâm một tấm chẳng thể suy vi).
Kinh doanh là làm giàu, là tìm kiếm nhiều lợi nhuận. Nghĩa là làm sao có nhiều tiền của. Nhưng không thể vô đạo, tham lam vô sỉ, đê tiện, kiếm tiền bằng bất cứ giá nào. Vì như vậy, việc tìm kiếm lợi nhuận sẽ làm đảo lộn mọi giá trị tự nhiên của con người: "Tiền biến trung thành phản, yêu thành ghét, ghét thành yêu, đức hạnh thành thói xấu, thói xấu thành đức hạnh, tớ thành chủ, chủ thành tớ, ngu thành khôn, khôn thành ngu... cho nên nó là sự lẫn lộn phổ biến và sự thay thế phổ biến mọi sự vật, nghĩa là thế giới lộn ngược, là sự lẫn lộn và sự thay thế tất cả những phẩm chất tự nhiên có tính người"(1). Do vậy, việc xây dựng nhân cách cho doanh nhân là việc hệ trọng trong mọi nền kinh tế và càng trở nên cấp bách khi nó là một trong những điều kiện có tính sống còn của tính định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.
2- Trong những năm vừa, sau khi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có bước tăng trưởng khá, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Chúng ta đã bước vào giai đoạn trực tiếp với nền văn minh công nghiệp và giao thương có tính toàn cầu. Nhưng chúng ta không thể bỏ qua một thực tế hiển nhiên rằng từ khi bước vào thời đại văn minh công nghiệp hiện đại tới nay, thế giới của chúng ta vẫn chưa thoát khỏi: "Lòng tham lam đê tiện là linh hồn của thời đại văn minh từ ngày đầu của thời đại ấy cho đến tận ngày nay; giàu có, giàu có nữa và luôn luôn giàu có thêm. Không phải là sự giàu có của xã hội, mà là sự giàu có của cá nhân riêng rẽ nhỏ nhen là mục tiêu quyết định duy nhất của thời đại văn minh". Vì vậy, muốn đạt tới sự giàu có, văn minh XHCN như ước vọng vô cùng tốt đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phải khắc phục được vấn nạn nói trên. Nghĩa là phải hướng kinh tế vào phục vụ con người, cộng đồng, là phải gia tăng tính ĐẠỌ LỚN-TÍNH NGƯỜI. Đó là một giá trị minh triết truyền thống của dân tộc - trong đó có cả đạo lý và pháp lý - cho tất cả những ai muốn dấn thân vào con đường kinh doanh làm giàu. Giàu không chỉ cho mình, vì mình với bất cứ giá nào mà còn phải vì "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đó là một trong những vấn đề có tính cấp bách của xã hội chúng ta hiện nay.
3- Lịch sử cho thấy mỗi thời đại kinh tế đều sản sinh ra đội ngũ doanh nhân với những phẩm chất và tài năng phù hợp với thời đại. Nền kinh tế thị trường hiện đại đã hình thành và phát triển trên một chặng đường 300 năm, trong đó thời đại kinh tế công nghiệp kéo dài từ cuối thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 20. Thế hệ doanh nhân ấy đã tạo ra và tích luỹ cho họ một số lượng của cải khổng lồ, làm cho chủ nghĩa tư bản phát triển với những cái giá quá đắt về mặt xã hội và môi trường mà nhân loại phải gánh chịu. Đồng thời họ cũng đã tạo ra tiền đề để chuyển sang thời đại kinh tế mới được gọi là nền kinh tế tri thức với những đặc điểm là: vốn tri thức và đội ngũ những nhà khoa học - kỹ thuật trở thành lực lượng sản xuất mới, giữ vai trò quyết định sự phát triển của kinh tế - xã hội; thành thế mạnh cạnh tranh trên toàn cầu. Do đó mục tiêu kinh doanh đang chuyển từ tăng trưởng của cải là ưu tiên số một, ưu tiên hàng đầu sang kết hợp giữa tăng trưởng vật chất (của cải) và phát triển con người. Sự phát triển con người trong kinh tế thị trường hiện tại đang phải chuyển mạnh từ con người kinh tế sang con người văn hoá. Sự phát triển này đã tạo ra sự biến đổi lớn lao chưa từng có trong quan hệ quốc tế là hợp tác cùng có lợi. Vì vậy toàn cầu hoá đang diễn ra như là một xu thế tất yếu của lịch sử. Tính khách quan này đòi hỏi sự ra đời của một thế hệ doanh nhân mới với những phẩm chất và năng lực mới. Rõ ràng đội ngũ doanh nhân như thế của Việt Nam mới chỉ phôi thai, đang cần sự nuôi dưỡng và phát triển về nhiều mặt.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, vai trò của doanh nhân đã được xác định như một đạo quân chủ lực xây dựng và phát triển kinh tế. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam có bước trưởng thành và họ đã có những đóng góp quan trọng. Tuy nhiên đứng trước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế hiện nay và trong nhiều năm tới thì rõ ràng đội ngũ doanh nhân của nước ta còn non yếu, nhiều bất cập. Do đó việc xây dựng năng lực và nhân cách, nói gọn là xây dựng bản lĩnh cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang là đòi hỏi hết sức cấp bách. Có thể khẳng định sự trưởng thành của họ giữ vai trò quyết định thành công hay thất bại trong quá trình hội nhập kinh tế của nước nhà.
4- Nền kinh tế Việt Nam thực hiện quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá khi còn yếu kém về khoa học, công nghệ và kỹ thuật, về quản lý, về luật pháp và kinh nghiệm giao thương quốc tế cùng với hiện tượng sa đoạ đạo đức trong kinh tế, trong kinh doanh, trong quản lý và trong đời sống xã hội. Do đó, việc vận dụng những giá trị minh triết Việt vào xây dựng nhân cách doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế là hết sức cấp thiết. Nó có ý nghĩa như là tìm về nguồn lực nội sinh tiềm tàng của dân tộc tựa như 100 năm về trước Hồ Chí Minh đã kêu gọi hãy biết phát huy sức mạnh tinh thần của nền văn hoá dân tộc mà đem sức ta giải phóng cho ta.
5- Trong khi Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương: "Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lương giáo dục, đào tạo... nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành.... Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo,quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hoá đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề..."(3) thì việc nghiên cứu vận dụng những gía trị minh triết Việt không chỉ có ý nghĩa cụ thể trong việc xây dựng nhân cách doanh nhân mà nó còn góp phần vào việc xây dựng tư tưởng - chính trị - đạo đức trong các cơ quan đảng và nhà nước như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ. Đồng thời nó sẽ góp phần không nhỏ vào việc giáo dục toàn xã hội, làm cho kinh tế phát triển thì “cái tốt nở hoa, cái xấu mất dần đi”… làm cho “dân giàu, nước mạnh” và “dân giàu, nước sang” như Bác Hồ từng căn dặn. Rõ ràng kinh tế - minh triết - an sinh xã hội là một thể thống nhất và nó phải trở thành bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta hiện nay và tương lai.
----------------
1) Mác và Ăng-ghen, Tuyển tập, 1980, t.1, tr.135.
2) Mác và Ăng ghen tuyển tập,1980, t.6, tr.271.
3) Văn kiện Đại hội đạo biểu toàn quốc lần thứ XI của ĐCSVN, tr.216.
PGS. Trần Đình Huỳnh