TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị gặp gỡ kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của Thành phố



Hội nghị gặp gỡ kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TP. HCM (tại điểm cầu UBND thành phố).

Trong khó khăn, chúng ta càng thấy được và hiểu rõ hơn về tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan phát biểu khai mạc tại Hội nghị: Dịch bệnh COVID-19 trong suốt 2 năm qua đã để lại biết bao đau thương, mất mát, gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của nước nhà nói chung và TP. HCM nói riêng. Trong khó khăn, chúng ta càng thấy được và hiểu rõ hơn về tình dân tộc, nghĩa đồng bào cũng như cảm nhận được sợi dây vô hình về tinh thần đoàn kết luôn luôn tồn tại, và nhất là trong hoàn cảnh hiện nay đã thắt chặt, gắn kết hơn nữa người Việt ta trong và ngoài nước.

Từ năm ngoái đến nay, xuyên suốt thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra, nhiều tổ chức cá nhân kiều bào ủng hộ với số tiền trị giá từ chục triệu, đến hàng trăm, hàng tỷ đồng... Kiều bào ta khắp mọi nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Ai Cập, Mô-dăm-bích, Căm-pu-chia, Thái Lan, Xin-ga-po, Lào, Đức, LB Nga, Thụy Sỹ... đã tích cực quyên góp ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống COVID-19. Hội người Việt Nam tại Đài Loan (Trung quốc), Hội người Việt Nam tại Thái Lan, tại Ma-lai-xi-a... ủng hộ tiền, khẩu trang, thiết bị y tế, lương thực thực phẩm, các mặt hàng nông sản gồm rau, củ, quả... để phục vụ tuyến đầu và bà con nhân dân tại 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức thuộc TP. HCM.


Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan phát biểu khai mạc tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp nhận rất nhiều kiến nghị, giải pháp ý nghĩa của quý kiều bào đóng góp trên nhiều lĩnh vực thông qua nhiểu hình thức khác nhau, như: Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” vào ngày 30-10-2020; hay Hội thảo trực tuyến về sức khỏe "Chuyên gia kiều bào chung sức chống dịch cùng TP. HCM" do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức, hay những hiến kế của kiều bào ta ở khắp năm châu gửi về thông qua Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM...

Tôi kỳ vọng buổi gặp gỡ hôm nay, sẽ tiếp tục được lắng nghe nhiều ý kiến góp ý của đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào để chung tay phục hồi và phát triển thành phố một cách bền vững, toàn diện.

Với những ý kiến đóng góp của quý vị hôm nay, tôi đề nghị Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM ghi nhận tổng hợp, cùng với các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu, phối hợp với kiều khai nghiên cứu, triển khai những ý kiến đóng góp, hiến kế mang tính khả thi, được lãnh đạo thành phố đánh giá cao tại buổi gặp mặt này.

Thành phố luôn trân trọng tình cảm và tin tưởng với sự gắn kết của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào, thành phố sẽ trở thành thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại và nghĩa tình. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của quý vị giúp tạo nên một cộng đồng lớn mạnh, cùng chung tay xây dựng thành phố ngày một năng động và đất nước ngày càng phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Các nhóm giải pháp phục hồi kinh tế thành phố giai đoạn hậu dịch bệnh COVID-19

Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đào Minh Chánh cho biết về các giải pháp phục hồi kinh tế thành phố giai đoạn hậu dịch bệnh COVID-19, như sau:

Nhóm giải pháp cấp bách cho giai đoạn phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội thành phố (từ nay đến hết năm 2022): Khắc phục các hệ lụy, khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất - kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội, và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Bao gồm các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

Về y tế: tiếp tục củng cố hệ thống y tế, rà soát, bổ sung cơ chế chính sách đặc thù để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, y tế cộng đồng, hệ thống điều trị, đảm bảo thông suốt với quá trình khôi phục kinh tế và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Về xã hội: chăm lo an sinh xã hội cho người dân, nhất là nhóm lao động yếu thế; hỗ trợ kết nối cung, cầu lao động và giải quyết các vấn đề lao động, việc làm.

Về kinh tế: từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19, trong đó: tập trung khắc phục gián đoạn trong chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, các động lực tăng trưởng kinh tế từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng tốc trở lại; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do Chính phủ ban hành; hoàn thiện và trình Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố thời kỳ 2021­2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thúc đẩy việc lập quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm 2021 về “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, trong đó tập trung một số chính sách hỗ trợ, và các chương trình đề án trọng tâm trọng điểm.


Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đào Minh Chánh cho biết về các giải pháp phục hồi kinh tế thành phố giai đoạn hậu dịch bệnh COVID-19.

Nhóm giải pháp trọng tâm cho giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội thành phố (từ năm 2023 đến năm 2025): Tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của thành phố: Trung tâm Kinh tế, tài chính; Trung tâm Thương mại - mua sắm; Trung tâm Dịch vụ Logistics; Trung tâm Du lịch; Trung tâm Đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ; Trung tâm Dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục; Trung tâm Văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Tập trung 7 nhóm giải pháp chủ yếu sau: Nhóm giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực cho thành phố; (1) Nhóm giải pháp tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công và các đề án ưu tiên triển khai thực hiện; (2) Nhóm giải pháp tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công và các đề án ưu tiên triển khai thực hiện; (3) Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nền kinh tế; (4) Nhóm giải pháp chỉnh trang đô thị gắn với nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch kinh tế - xã hội thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (5) Nhóm giải pháp phát triển dịch vụ y tế thông minh, giáo dục thông minh và chăm sóc sức khỏe tinh thần; (6) Nhóm giải pháp liên kết vùng; (7) Nhóm giải pháp nâng tầm quốc tế của thương hiệu thành phố.

Thành phố thông minh, thành phố chuyển đổi số, thành phố xã hội số

“Giáo sư Đặng Lương Mô - người Việt Nam ở Nhật Bản, là Giáo sư Đại học Hosei, Tokyo - Nhật Bản, ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và 13 bằng phát minh, sáng chế. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các đại học.

Giáo sư Đặng Lương Mô đã gởi tới Hội nghị những đóng góp về chuyển đổi số , xây dựng thành phố thông minh và hỗ trợ phong trào khởi nghiệp với những 3 nội dung chính: (1) Những vấn đề liên quan đến Phục hồi nền kinh tế sau Covid19; (2) giải pháp cho 03 chương trình đột phá và 01 chương trình trọng điểm phát triển hạ tầng cơ sở, gắn liền với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường... (3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Về hậu Covid, Giáo sư Đặng Lương Mô đề nghị tham khảo cách làm của Nhật Bản trong vấn đề xây dựng hệ thống Chuyển đổi số đồng bộ từ trung ương đến địa phương; với phương pháp thực hiện đồng bộ, nhất loạt; do một tổ chức thực hiện và điều hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương;

TP. Hồ Chí Minh với vai trò đầu tầu kinh tế nên xây dựng xã hội số ngay tại đây, với mục tiêu thực hiện cùng một lúc: thành phố thông minh, thành phố chuyển đổi số, thành phố xã hội Số.”

Xây dựng TP. Thủ Đức theo hướng tri thức - sáng tạo - công nghệ cao - hiện đại

Tiến sĩ Khoa học - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - người Việt Nam ở Canada, là một chuyên gia quy hoạch kiến trúc có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về thiết kế, tư vấn chiến lược, và giảng dạy tại Á Châu (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật, Philippines, Malaysia, và Singapore) và Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada, và Mexico).

Tiến sĩ Khoa học - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã gởi đến Hội nghị góp ý những vấn đề xung quanh việc Quy hoạch TP. Thủ Đức, thành phố trong thành phố với 5 vấn đề chiến lược:

Thứ nhất, công nghệ cao và hiện đại là yếu tố quan trọng hàng đầu cần phải được gắn kết trong suốt quá trình hình thành và phát triển đô thị sáng tạo tương lai của thành phố phía Đông; thứ hai, là cơ cấu quy hoạch bền vững; thứ ba, việc quy hoạch, phát triển và vận hành thành phố phía Đông phải được định hướng trên tư duy liên kết vùng, tạo điều kiện để cùng phát triển trên cơ sở lợi ích chung; thứ tư, nhu cầu phát triển cần một nguồn vốn đầu tư khổng lồ, không thể dựa vào nguồn vốn hạn chế của ngân sách, mà cần phải huy động được nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài; thứ năm, xây dựng cuộc sống an cư lạc nghiệp trong một đô thị đáng sống hàng đầu thế giới cho thành phố phía Đông sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong việc thu hút và phát triển cộng đồng dân cư chất lượng cao cho đô thị.

Xây dựng, quảng bá thương hiệu TP. HCM vươn lên trở thành một “Megacity” mới của thế giới

Danny Võ Thanh Đăng - người Việt Nam ở Xin-ga-po - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) - Giám đốc Điều hành Global Health Assist - Vietnam (G.H.A) phát biểu góp ý tại Hội nghị:

Đất nước bước sang giai đoạn bình thường mới, mỗi chúng ta cũng cần phải đổi mới tư duy, nâng cao năng lực và nhạy bén tận dụng thời cơ này để xây dựng thành công thương hiệu TP. HCM. Có như vậy, uy tín và vị thế của thành phố với quốc tế mới được nâng lên, khoảng cách đến với “Megacity” cũng dần được rút ngắn.

Xây dựng thương hiệu thành phố thành công khi và chỉ khi chúng ta biết áp dụng kết hợp nhuần nhuyễn giữa chiến lược phát triển, hình ảnh và văn hóa của địa phương. Song song đó, hãy áp dụng công thức 4C: Clear, Consistent, Conviction và Class để tạo dựng nên một thương hiệu TP. HCM vững mạnh. Việc duy trì một thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng vững chắc để duy trì vị thế và thương hiệu thành phố.

Xây dựng thành phố Đổi mới sáng tạo

Thạc sĩ Nguyễn Duy Lân - người Việt Nam ở Mỹ, đã từng có 8 năm làm việc tại Microsoft Research ở Hoa Kỳ, sau khi rời Microsoft Research, là người sáng lập Công ty Veramine, chuyên làm sản phẩm an ninh mạng cao cấp, và đã có những hợp đồng lớn với những Cơ quan An ninh mạng quan trọng nhất của Mỹ như Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Không quân Mỹ hay những tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng ANZ - một trong ba ngân hàng lớn nhất nước Úc.

Góp ý tại Hội nghị, Thạc sĩ Nguyễn Duy Lân chia sẻ, TP. HCM đang bắt đầu một giai đoạn phát triển kinh tế mới. Và giống như một bài toán khởi nghiệp, làm sao để đưa thành phố lên một tầm cao mới thành công, thực sự sánh vai với những thành phố hàng đầu thế giới.

Trong đó, đổi mới sáng tạo có lẽ là yếu tố then chốt cho khởi nghiệp thành công, từ ý tưởng đến vận hành, tạo được ra giá trị mới mẻ và khác biệt cho xã hội. Và chuyển đổi số bao gồm những công nghệ của tương lai, sẽ kiến tạo nền kinh tế thế giới, và là cơ hội để Đổi mới sáng tạo của thành phố kinh tế hàng đầu Việt Nam là TP. HCM - Thạc sĩ Nguyễn Duy Lân nhấn mạnh.

Hoàng Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất