Một cuốn sách hữu ích về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Nhà báo, Đại tá Nguyễn Văn Hải nhận Giải B Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IV - năm 2019

Là cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, trong những năm qua, Báo Quân đội nhân dân có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng. Nhiều chuyên mục, bài viết đã kịp thời phân tích làm sáng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng, kịp thời đấu tranh phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.


Góp phần vào thành công đó phải nói đến nhà báo, Đại tá Nguyễn Văn Hải (bút danh Thiện Văn), Trưởng Phòng Biên tập Văn hóa - Thể thao. Trong ba năm gần đây, tác giả Thiện Văn đã có hàng chục bài viết chất lượng, đề cập đa dạng, toàn diện các lĩnh vực về xây dựng Đảng, trong đó tác giả đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, văn hóa.


Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản và phát hành cuốn sách với tựa đề “Góp phần xây dựng đạo đức, văn hóa trong Đảng” của nhà báo, Đại tá Nguyễn Văn Hải. Tuyển chọn hơn 40 tác phẩm chuyên luận báo chí về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cuốn sách dày gần 300 trang gồm 3 phần. Phần I: “Phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị”. Phần II: “Ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”. Phần III: “Chăm lo vun trồng đạo đức, nâng tầm văn hóa trong Đảng”.


Có nền tảng kiến thức lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, am hiểu về các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa kết hợp với thực tiễn gần 30 năm công tác trong Quân đội, gần 20 năm viết báo, nhà báo Nguyễn Văn Hải có tư duy nhạy bén, sắc sảo trong hoạt động báo chí. Với niềm yêu thích nghề báo, đạo đức nghề nghiệp trong sáng và cao hơn là trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên, sĩ quan cao cấp đối với Đảng, nhà báo Nguyễn Văn Hải đã cho ra đời nhiều tác phẩm chuyên sâu về lĩnh vực xây dựng Đảng.


Tìm hiểu được biết, nhờ đọc những tác phẩm “gối đầu giường” của các nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng hàng đầu nước ta như “Việt Nam văn hóa sử cương” (Đào Duy Anh), “Việt Nam phong tục” (Phan Kế Bính), “Cơ sở văn hóa Việt Nam” (Trần Ngọc Thêm), “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” (Hữu Ngọc)… mà tác giả am tường kiến thức văn hóa dân tộc. Vì vậy, hầu hết các tác phẩm chuyên luận báo chí viết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong cuốn sách đã được tác giả soi chiếu dưới góc nhìn văn hóa sâu sắc. Nhiều “căn bệnh trầm kha” của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã được tác giả “phẫu thuật, nội soi” đến nơi đến chốn như: Bệnh “tư duy nhiệm kỳ”; bệnh lười học tập lý luận chính trị và nghị quyết; bệnh thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu; bệnh háo danh, ham địa vị; bệnh thích được đề cao ca ngợi; và các thói xấu như: Thói xu nịnh, thói đố kỵ, thói thực dụng, thói lươn lẹo, thói gia trưởng, thói cục bộ, thói giả dối, thói vô trách nhiệm…


Trong các bài viết của mình, tác giả đã khéo léo lồng ghép kiến thức văn hóa dân tộc để soi chiếu vào các hiện tượng xã hội thời nay. Nhiều tiêu đề bài viết được tác giả chắt lọc từ ngữ “đắt”, giàu hình ảnh, có hàm ý thức tỉnh, cảnh báo sâu sắc và lột tả được bản chất vấn đề, ví như: “Phủ bụi” vào lịch sử là mắc trọng tội với cha ông”, “Đừng làm tiêu tan nhuệ khí, tinh thần xã hội bằng con mắt hẹp hòi”, “Bóc mẽ chân tướng những quan chức “vì dân suông”, “Thói thực dụng làm “nhếch nhác” tư cách cán bộ, đảng viên”, “Tỉnh táo trước “mồi phú quý, bả vinh hoa”, “Sa vào tệ nạn xã hội - “chiếc dây thòng lọng” nhân cách”, “Chớ để “quan phụ mẫu” trỗi dậy khiến lòng dân ca thán”… 


Trong mỗi bài viết, tác giả nói sâu, nói rõ về cái dở, cái sai, cái xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên để thức tỉnh người trong cuộc tự vấn lương tâm mình, đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục và tìm ra hướng sửa chữa với thái độ tích cực, không nặng nề, chì chiết mang đến tâm lý lo lắng, bi quan.


Trong mối quan hệ thiện - ác, đúng - sai, hay - dở, văn minh - lạc hậu, tác giả bao giờ cũng nhấn mạnh yếu tố tích cực, tiến bộ trên tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Chính vì lẽ đó toàn bộ cuốn sách toát lên tinh thần “phòng, chống”, “ngăn chặn” gắn liền với “xây dựng”, “chăm lo vun trồng” làm cho cái tốt, phần tốt trong con người “nảy nở như hoa mùa xuân”.


Khi viết bài, tác giả lựa chọn cách thể hiện văn phong mềm mại, uyển chuyển với phương châm “lạt mềm buộc chặt”. Nhiều đoạn văn, nhiều bài viết được “khúc xạ” qua góc nhìn văn hóa tinh tế nên càng đọc càng thấm, càng ngấm và thấy rõ thông điệp nhân văn. Ngôn ngữ trong các tác phẩm khi thì sắc sảo, lúc lại dung dị, dễ đi vào lòng người.


Ví như trong tác phẩm “Lãnh đạo nêu gương sáng: xã tắc bình yên, dân nể phục”, tác giả viết: “Gia đình muốn hạnh phúc thì cha mẹ phải làm gương cho con cái. Nhà trường muốn tiến bộ thì thầy, cô giáo phải làm gương cho học sinh. Tổ chức, cơ quan, đơn vị muốn vững mạnh thì tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu phải làm gương cho nhân viên và cấp dưới. Đất nước muốn phát triển văn minh thì nhất thiết phải có đội ngũ tinh hoa giữ vai trò lãnh đạo, dẫn dắt xã hội là những tấm gương tốt đẹp soi chiếu đến muôn người, muôn nhà. Điều đơn giản ấy đã trở thành chân lý, đồng thời là một trong những quy luật tồn tại, phát triển của của xã hội nói chung, của đảng cầm quyền nói riêng”.


Hay trong bài “Giữ gìn những giá trị cốt lõi làm nên nhân cách cán bộ, đảng viên”, tác giả nhận định: “Cần, kiệm, liêm, chính” là những giá trị đạo đức cốt lõi và làm nên nhân cách văn hóa cao đẹp của người cộng sản. Thời nào cũng vậy, những giá trị này như chiếc “dây neo” để giữ cho tâm hồn, phẩm giá cán bộ, đảng viên không bị “chòng chành, chao đảo” trước những “cơn sóng”, “cạm bẫy” vật chất, tiền tài danh vọng luôn có sức mê hoặc, quyến rũ ghê gớm đối với con người. Chỉ một chút buông lơi, một chút dễ dãi, một chút sa đà, một chút thỏa thuê với những ham hố tầm thường của cuộc sống cũng có thể biến một người cán bộ, đảng viên từng trải qua những năm tháng rèn luyện, cống hiến, hy sinh bỗng dưng trở thành kẻ “tội đồ” xuống cấp về nhân cách đạo đức”.


Đề tài về xây dựng Đảng từng được coi là đề tài “khó, khô”, không dễ viết đối với nhiều người cầm bút. Tuy vậy, nhờ biết kết hợp khá nhuyễn giữa tri thức lý luận với tri thức văn hóa và lồng ghép những câu chuyện thời sự, những vấn đề “nóng” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, nên đọc các bài viết của tác giả vừa có tính “bút chiến” của báo chí, vừa có “hơi văn” mềm mại, sinh động. Đúng như nhà báo, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, 69 tuổi, một cây bút uy tín đã gần nửa thế kỷ gắn bó với Báo Quân đội nhân dân, đã nhận định trong lời giới thiệu cuốn sách: “Các tác phẩm tập hợp trong cuốn sách đã đề cập, mổ xẻ những tồn tại, yếu kém, những “tật bệnh” nổi chìm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên… Sức nóng, sự day dứt của những vấn đề được nêu cùng cách nhìn nhận rất trách nhiệm, cách viết trực diện, có lý có tình, có trước có sau, thấu đáo, đặc biệt là sự tiếp cận từ văn hóa của tác giả đã giúp các bài viết trở nên sinh động, dễ đọc, dễ hiểu hơn”.


Ở một khía cạnh khác, sử dụng thể loại chuyên luận để viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tác giả có điều kiện bày tỏ chính kiến, phân tích, đánh giá, nhận định vấn đề, sự kiện một cách thấu đáo, góp phần đem đến nhận thức mới, đúng đắn, qua đó góp phần thuyết phục, động viên người đọc điều chỉnh suy nghĩ, hành động và tham gia giải quyết những vấn đề trong thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất