Nhạc sĩ Thanh Phúc – tác giả ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” qua đời


Nhạc sĩ Thanh Phúc

Nhắc đến nhạc sĩ Thanh Phúc - người đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1 (năm 2001), đầu tiên phải nói đến một người nhạc công kiêm ca sĩ, diễn viên sôi nổi, nhiệt huyết một thời của đội Tuyên Văn, Trung đoàn 165 Lao – Hà - Yên (Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái). Trước đó, khi mới 13 tuổi với “vũ khí” duy nhất là giọng hát thiên bẩm, Thanh Phúc đã xung phong vào Vệ quốc đoàn hát cùng đội với nhạc sĩ Bùi Công Kỳ (chơi ghi-ta), nhạc sĩ Lưu Bách Thụ (chơi đàn măng-đô-lin) phục vụ bộ đội và nhân dân các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang. Đặc biệt, trong trận chiến đồn Him Lam mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chàng lính trẻ Thanh Phúc được giao nhiệm vụ hát phục vụ bộ đội trước giờ xuất kích. Khi ấy giai điệu của ba bài hát Quốc tế ca, Quốc ca và “Chiến sĩ Việt Nam” vang lên qua giọng hát ngọt ngào, da diết của Thanh Phúc đã truyền thêm sức mạnh tinh thần, nguồn động viên to lớn cho các chiến sĩ.

Nhìn vào số lượng hơn 60 bài hát về mảnh đất địa đầu Tổ quốc - Hà Giang, trong đó nổi bật hơn cả là “Người Mèo ơn Đảng”, “Hà Giang quê tôi”, ai cũng nghĩ Thanh Phúc là người con của mảnh đất này. Tuy nhiên, điều thật thú vị, quê hương ông lại ở vùng “đất hai Vua” Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội). Sở dĩ có nhiều ca khúc về Hà Giang như vậy là bởi ông đã có thời gian dài sinh sống, gắn bó, công tác tại đây. Hơn nữa, đây cũng là nơi người cha của ông - liệt sỹ Nguyễn Văn Chung yên nghỉ, người mẹ và người em trai của ông đã từng sinh sống và có phần mộ trên rẻo cao này.

Trong thời gian là đội viên Đội Tuyên Văn Trung đoàn 165, ông có mặt ở những bản làng heo hút nhất của người Mông, cùng ăn thắng cố, mèn mén và uống rượu ngô với đồng bào, đặc biệt, ông cũng có thời gian sinh sống tại nhà “Vua Mèo” Vương Chí Sình. Điều ám ảnh ông nhất là cuộc sống nghèo khó và lam lũ của người Mông sống lưng chừng núi. Lúc nào cũng thấy họ lầm lũi trên những dốc đá thẳng đứng với bó củi hay gùi nước trên vai.

Những năm 1955-1956, trước thông tin rộ lên “Vua Mèo” gây rối ở biên giới phía bắc, các chiến sĩ đã đến với người dân, vận động họ không đốt rẫy làm nương, hạ sơn xuống núi, sống quây quần bên suối với bản mới định cư. Nhờ đó, cuộc sống của người Mông ở Hà Giang được cải thiện rõ rệt. Lúc này khi đã trở về Hà Nội công tác, nhưng Thanh Phúc rất nhớ những tháng ngày được bà con dân tộc cưu mang, đùm bọc. Và trong một phút giây tĩnh lặng của ông tâm hồn, ông đã sáng tác “Người Mèo ơn Đảng”. Ca khúc tựa như lời dân vận cùng với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền về đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với những người dân bản người Mèo (Mông). “Người Mèo ơn Đảng” là ca khúc thường được biểu diễn vào các dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Đây cũng một trong số rất ít ca khúc của Việt Nam hiện được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng như: Mông, Trung Quốc, Anh và Pháp… để các ca sĩ thể hiện ca khúc này khi giao lưu với bạn bè quốc tế.

Nếu như “Người Mèo ơn Đảng được” coi là bài ca chính thức của đồng bào dân tộc Mông trong cả nước thì “Hà Giang quê tôi” lại trở thành bài ca đầy tự hào, trở thành nhạc hiệu của tỉnh Hà Giang. Lời ca như lời tự sự như lời mời gọi thân thương đưa người nghe dù đang sinh sống ở bất kì đâu cũng luôn xao xuyến về miền biên cương có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp đang trên đà hội nhập và phát triển.

Hơn 20 năm làm công tác biên tập chuyên mục “Chiến sỹ ta ca hát” trong chương trình phát thanh Văn nghệ Quân đội trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, ngoài việc chăm lo, vun trồng phong trào ca hát chiến sỹ trong toàn quân, ông đã viết nhiều ca khúc cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Trong đó, nổi bật hơn cả là hành khúc hào hùng, như lời hiệu triệu của biết bao thế hiện thanh niên, đặc biệt là sinh viên Thủ đô gác bút nghiêng lên đường nhập ngũ vào những năm đầu của thập niên 70 – “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”. Ngày ấy, giữa lúc cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước vào giai đoạn gian khổ ác liệt nhất, bài hát luôn vang lên hùng tráng, hào sảng, phơi phới niềm tin chiến thắng ở cả hậu phương lẫn chiến trường.

Dẫu biết rằng “sinh lão bệnh tử” là quy luật của tự nhiên, thế nhưng nghe tin nhạc sĩ Thanh Phúc qua đời trong những ngày phơi phới sắc xuân này, sẽ khiến không ít người bùi ngùi, xót xa. Và đâu đó trong tâm khảm mỗi người lại văng vẳng giai điệu vui tươi, rộn ràng: “Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát/Sao còn có trên trời người Mèo ơn Đảng/Bao đời nay sống nghèo lam lũ/Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi…”.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất