Bảo tồn và phát triển giá trị vùng chè di sản Cao Bồ

Sản phẩm chè của xã Cao Bồ. 

Khẳng định thương hiệu

Tìm đến xã Cao Bồ trong những ngày cuối thu, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến cây chè cổ thụ có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm, cũng như biết được từng công đoạn chế biến ra những sản phẩm chè khô thơm ngon đã níu kéo biết bao vị khách bốn phương. Sở dĩ người dân địa phương gọi là chè Shan Tuyết bởi nhiều nơi của Hà Giang như Cao Bồ, nằm trên độ cao hơn 400m so với mực nước biển, quanh năm sương phủ, mây mù. Mỗi cánh chè, khi sao lên đều phủ một lớp lông tơ mịn màng, trắng như tuyết. 

Hiện nay, cả 11 thôn ở xã Cao Bồ đều trồng chè với diện tích gần 1.000 héc-ta. Nếu hộ nào không trồng tập trung thành vườn lớn thì cũng trồng dặm, xen dưới tán rừng quế, dổi, lát, trám... Có những cây chè Shan Tuyết cổ thụ gốc vừa 1 vòng tay của người trưởng thành. Nhiều cây khác có đường kính 50 – 80cm, cao từ 15 đến 20m. Tán cây mở rộng 3 – 5m, che kín cả một vùng. Có những cây cành to, vươn xa, người hái chè không thể với tới mà phải dùng dao đi rừng phạt cả cành chè xuống để hái búp… Thường thì mỗi năm người nông dân ở xã Cao Bồ thu hoạch được 3 vụ chè, năm nào thời tiết thuận lợi thì thu hoạch được 4 vụ. Trong đó, vụ thu hoạch đầu tiên vào tháng 2, tháng 3 âm lịch là chè ngon nhất và cũng được giá nhất, từ 600.000 đến 900.000 đồng/1kg chè khô.

Khí hậu và thổ nhưỡng đã giúp những vườn chè Shan Tuyết ở đây phát triển tốt và mang hương vị rất riêng. Đặc biệt, chất lượng chè còn được nâng cao bởi tất cả các công đoạn từ khâu gieo trồng, thu hái, sơ chế cho tới khi thành phẩm đến người tiêu dùng đều được làm thủ công, tự nhiên, không sử dụng hóa chất. Nhờ cây chè, người dân Cao Bồ có công ăn việc làm thường xuyên, đời sống được cải thiện. Trung bình, mỗi gia đình thu hoạch được khoảng 45 triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập đến vài trăm triệu đồng/năm.

Nhờ những nỗ lực trong việc bảo vệ rừng chè Shan Tuyết cổ thụ và bảo đảm quy trình thu hái, chế biến, năm 2011, chè Shan Tuyết Cao Bồ được Liên đoàn Quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp chứng chỉ Chè hữu cơ - Organic Cao Bồ. Đến năm 2016, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng chính thức trao “Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam” cho quần thể 220 cây chè Shan Tuyết trên 100 năm tuổi ở xã Cao Bồ.

Cùng đồng hành với người dân


Chủ tịch UBND xã Cao Bồ Lý Quốc Hưng trao đổi với phóng viên.

Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ Lý Quốc Hưng cho biết: “Thế mạnh của chúng tôi là chè hữu cơ. Được chứng là chè nhận hữu cơ bà con dễ bán hơn, giá trị cây chè cao hơn so với các vùng khác. Hiện nay, từ cây chè nhiều hộ gia đình có kinh tế khá, sắm sửa được ô tô, nhiều vật dụng gia đình hiện đại. Xã xác định cây chè là cây để làm giàu, phát triển kinh tế mũi nhọn ở địa phương nên chủ trương của xã là tuyên truyền người dân trồng thêm cây chè, mở rộng diện tích chè. Chúng tôi phối hợp với Công ty cổ phần Trà hữu cơ Cao Bồ tổ chức tuyên truyền cho bà con không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm chè trên địa bàn và không sử dụng phân bón vô cơ làm ảnh hưởng đến môi trường hữu cơ của chè”. Ông Hưng cũng khẳng định, “Chè Shan Tuyết cổ thụ là cây đặc hữu của Cao Bồ. Cây chè gắn bó như máu thịt, là đời sống, tâm hồn và biểu tượng của vùng núi non hùng vĩ này. Còn chè cổ thụ là còn thương hiệu chè Cao Bồ”.

Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch và phân phối nguồn vốn từ Chương trình CPRP (Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa) và Chương trình 135 của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân ổn định nơi sinh sống và an cư lập nghiệp, cán bộ huyện Vị Xuyên nói chung và xã Cao Bồ nói riêng còn trực tiếp sâu sát, bám đất, bám dân để kịp thời nắm tình hình, đưa ra những giải pháp sáng tạo, hiệu quả. Nhằm khuyến khích các hộ dân bảo tồn chè Shan Tuyết cổ thụ và thi đua phát triển sản xuất, xã Cao Bồ thành lập 4 nhóm sở thích sản xuất chè. Mỗi nhóm có từ 10 đến 20 hộ tham gia và chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, hái chè.

Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh áp dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè. Bà Đặng Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, cho biết:  “Vùng chè ở huyện Vị Xuyên đã được công nhận tiêu chuẩn VietGap. Chè hữu cơ của Cao Bồ đã xuất khẩu ra 6 nước trên thế giới như Trung Quốc, Bỉ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ… Chúng tôi cũng hướng tới sản phẩm OCOP (Chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị). Huyện thường xuyên cử cán bộ chuyên môn giúp bà con cũng như tuyên truyền cho bà con thực hiện đúng quy trình, tiêu chuẩn VietGap để bảo đảm chất lượng, đưa ra thị trường”. 

Nông dân trồng chè Cao Bồ thời công nghệ


Anh Hoàng Tinh Kiêm đang sao chè. 

Anh Hoàng Tinh Kiêm ở thôn Thăm Vè là một trong nhiều hộ gia đình ăn nên làm ra từ cây chè địa phương. Anh Kiêm cho biết, từ khi anh sinh ra, cây chè đã hiện hữu, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác mưu sinh cùng chè. Ba năm trước, khi mạng In-tơ-net bắt đầu “phổ cập” thôn xóm, biết đến phương pháp chế biến chè qua mạng xã hội, anh bắt đầu học hỏi và gắn bó với nghề chế biến chè từ đó. Khi chương trình hỗ trợ vốn cho người dân về đến thôn bản, anh cùng nhiều hộ khác được chính quyền xã động viên, cho đi dự các chương trình tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nhiều lần, dần dần anh cùng người dân trong thôn bản đã biết chế biến, kinh doanh cây chè.

Anh Kiêm cho biết, mỗi năm, chè cho thu hoạch ba vụ. Ban đầu, anh Kiêm đăng bán online trên mạng Facebook, Zalo, khách hàng chưa tin tưởng, anh phải gửi mẫu đi cho họ thử. Thử rồi, khách hàng tìm đến anh Kiêm ngày càng đông. Hiện nay, sản phẩm chè của anh Kiêm đi khắp cả nước, rồi xuất khẩu sang Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Kiêm thu được khoảng 90 – 120 triệu đồng.

Gần đây, anh Kiêm đã mua được hai chiếc máy sao chè mới từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình CPRP của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cấp. Giống như gia đình anh Hoàng Tinh Kiêm, nhiều hộ gia đình xã Cao Bồ đã dần thay đổi nếp nghĩ, tập quán canh tác lạc hậu phụ thuộc vào thời tiết để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi bản địa. Từ cây xóa đói giảm nghèo, giờ đây chè Shan Tuyết Cao Bồ đã và đang trở thành một trong những thương hiệu nông sản uy tín, được người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến, đồng thời giúp người dân xã Cao Bồ làm giàu bằng sức lao động của mình và trên chính vùng đất nơi mình sinh ra.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất