Nhớ Sông Mã, núi Rồng và cây cầu huyền thoại

Ngày 3-4-1965, Đô đốc Bờ-lắc, Tư lệnh Hạm đội 7 điều 50 phi cơ mở chiến dịch sấm sét 32 đánh vào Lèn, Hàm Rồng (Thanh Hóa), mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trên bầu trời, không quân ta bắt đầu xuất kích; dưới sông, hai tàu hải quân phối hợp chiến đấu; ở mặt đất, trận địa pháo của ta được bố trí dày đặc.

 

 

Đúng 13h chiều 3-4-1965, từng tốp máy bay phản lực với đủ các loại F8-R, F10, F105 dồn dập lao vào đánh phá Hàm Rồng. Cả bầu trời Hàm Rồng vang lên tiếng gầm rú của máy bay địch, mặt đất rung chuyển bởi những loạt bom hạng nặng dội xuống. Trước đó chỉ mấy giờ, máy bay Mỹ đã mở cuộc tấn công ồ ạt vào cầu Đò Lèn (Hà Trung) trên Quốc lộ 1A, cách cầu Hàm Rồng không xa, thực hiện ý đồ phong toả lực lượng và cô lập Hàm Rồng để tấn công dứt điểm. Với thế trận hiệp đồng giữa bộ đội phòng không - không quân và dân quân tự vệ, quân và dân Hàm Rồng bám chắc trận địa, nhả đạn vào lũ giặc trời.
 

Ngày 4-4-1965, khoảng 7 giờ sáng, máy bay Mỹ đã định đánh cầu Hàm Rồng, chúng phát hiện Đoàn pháo 234 của ta đang sang Phà Ghép để chi viện cho Hàm Rồng. Giặc báo về sở chỉ huy và nhận lệnh oanh kích vào Đoàn 234. Chúng tôi vừa di chuyển vừa đánh trả địch, phối hợp cùng dân quân, nhân dân trực chiến hai bờ sông Yên. Đồng chí Quang Định hạ càng pháo chốt trên đường đánh địch, hỗ trợ xe pháo chi viện sang. Dưới làn bom đạn, các đồng chí trưởng bến Trần Thôn, thợ máy Xuân Điểm và lái phà Vũ Quê vẫn bất chấp hiểm nguy chở xe pháo sang sông. Đoàn chúng tôi vừa cố gắng bảo toàn lực lượng, vừa đánh trả địch, bắn rơi ba chiếc F5, một giặc lái bị bắt. Trận đánh diễn ra trong khoảng 2 giờ 30 phút, đồng chí Xuân Điểm anh dũng hy sinh, sau này anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Chiều hôm ấy, địch quay trở lại đánh cầu Hàm Rồng và Quốc lộ 1A từ Tĩnh Gia đến Lèn để phân tán lực lượng ta và ngăn chặn chi viện cho Hàm Rồng. Trận đánh đã diễn ra vô cùng ác liệt, kéo dài đến 5 giờ chiều. Qua hai ngày chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ta đã bắn hạ 47 máy bay Mỹ, một số chiếc khác bị thương cùng nhiều giặc lái bị bắt. Mỹ thừa nhận, hai ngày mùng 3, 4 tháng 4-1965 là hai ngày đen tối nhất của Không quân Hoa Kỳ.

 


             

                         Các chiến sĩ Hàm Rồng bên cây cầu huyền thoại

Ngày 22-4-1965, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa tổ chức trọng thể Lễ mừng công chiến thắng và đón Cờ thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Ngô Thuyền, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh: “Chiến thắng Hàm Rồng ngày 3 và 4-4-1965 là thắng lợi rực rỡ của đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, là thành quả chung của quân và dân toàn tỉnh ta, là chiến công tập thể tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.

 

Đoàn pháo cao xạ 234 làm nhiệm vụ chi viện trận địa, bảo vệ các cây cầu lớn trên đường 1 và đường 5 (cầu Ninh Bình, Phủ Lý, Lai Vu, Phú Lương). Tính đến tháng 6-1966, các cây cầu này đều bị đánh sập. Cầu Long Biên bị đánh sập nhịp thứ mười một. Ngày 11-8-1967, cầu Hàm Rồng cũng hứng chịu tiếp những loạt bom của địch, không quân Mỹ đã trút bom hai ngàn cân nhưng cầu Hàm Rồng vẫn trụ vững hiên ngang.

 

Tháng 3-1968, Mỹ ngừng bắn phá phía Bắc vĩ tuyến 19, cầu Hàm Rồng được sửa sang cho xe vào chiến trường. Ngày 26-12-1971, chúng dùng bom la-de đánh cầu Hàm Rồng, tại đây Mỹ bị bắn rơi máy bay thứ 100. Từ tháng 4-1972, Tổng thống Ních-xơn phát động cuộc không kích tổng lực đánh cầu Hàm Rồng, trong đó có sử dụng bom la-de cải tiến. Ngày 6-10-1972, chúng dùng ba mươi chiếc A7 ném bom vô tuyến làm cầu bị nghiêng. Trận này, ta đã bắn hạ thêm 17 chiếc máy bay của địch.

 

Cuộc leo thang đánh phá bằng không quân của Mỹ có sự thử nghiệm nhiều loại bom đạn, phương tiện tác chiến hiện đại với 6.000 lần máy bay cất cánh, đánh gần 500 trận, ném hơn một ngàn tấn bom xuống Hàm Rồng. Nhiều giặc lái bị ta bắt sống đã nói: Với địa thế đặc biệt, cầu Hàm Rồng bắc qua hẻm núi Rồng và núi Ngọc như cây cầu bắc qua hẻm sông Tuy-ê-rê của Pháp, bình thường oanh kích đã khó trúng mục tiêu, nhiều trận pháo ở Hàm Rồng còn được núi non nâng cao tầm bắn, làm cho Mỹ tổn hại nặng nề về người và của. Sau này, khi ông M. Đa-ga-ren, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Mỹ đến thăm Hàm Rồng có nói: “Cầu Hàm Rồng đẹp nhất không phải vì nó rộng, nguy nga hơn các cây cầu khác, chính tinh thần anh hùng của các chiến sĩ và nhân dân Việt Nam đã đem lại cho cây cầu vẻ đẹp diệu kỳ”.

 

Từ đỉnh núi Rồng trên đất làng cổ Đông Sơn, nay là phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa, tôi thường nhìn về bốn phương rồi soi vào lịch sử, suy ngẫm về đất Thanh Hóa với núi Rồng, sông Mã kỳ thú, với hai cái nôi văn hóa là núi Đọ, núi Đông Sơn, với những đổi thay của quê hương thời kỳ hội nhập, với cầu Hàm Rồng anh hùng, với những người đang còn hay đã khuất, một thời kề vai sát cánh cùng chúng tôi anh dũng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng đến ngày toàn thắng...

 

Sông Mã khơi dòng từ phía Nam của tỉnh Điện Biên, đầu nguồn có dãy núi hùng vĩ bao bọc, “sông Mã gầm lên khúc độc hành”, dũng mãnh băng qua các hẻm núi, sông suối, qua gần 500 cây số bên đất bạn Lào, đến Sầm Nưa rồi chảy vào Thanh Hóa. Trên đường đi gần 500 cây số ấy, nó đã băng qua mọi ghềnh thác, hợp lưu với dòng sông Chu, cùng bồi nên châu thổ sông Mã - sông Chu màu mỡ. Cuối cùng, Sông Mã về đến núi Rồng, người bạn trăm năm trên đất làng cổ Đông Sơn. Trước khi chảy ra biển, sông Mã để lại phù sa, bồi đắp nên một vùng hạ lưu sông, trong đó Hàm Rồng là rốn.

 

Núi Rồng - sông Mã dường như tuy hai mà một, núi do rồng thiêng tạo thành, sông do ngựa thần mà nên. Núi Rồng - sông Mã gắn bó với nhau như đôi bạn tri âm, như hình với bóng tạc nên sơn thủy hữu tình, khiến du khách đắm say. Nhiều danh sĩ như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Sỹ, Phan Huy Ích đến các ông vua thi sĩ như Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Trần Nghệ Tông, sau này là các nhà thơ hiện đại như Tản Đà, Huy Cận, Xuân Diệu, Trinh Đường... đều xem Hàm Rồng là miền đất khơi nguồn thi hứng, thanh lọc tâm hồn, là dòng sữa mát trong nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho mỗi người.

 

Nhìn về phía Bắc, dãy Trường Sơn nối dãy Tam Điệp ra tận cửa biển. Gần đó là núi Linh Trường, nơi các lão dân quân từng dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ làm nức lòng nhân dân cả nước. Trước Tam Điệp là núi Ái có đền Bà Triệu, đến nay vẫn còn vang vọng câu ca:

“Ai về Hậu Lộc, Phú Điền

Nhớ đây Bà Triệu trận tiền xung phong”


Phía Tây Bắc, nơi sông Chu, sông Mã“hai dòng nước tới cùng nhau gặp/ Đôi lá buồm xuôi đối diện trôi” nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp. Núi Đọ di chỉ đồ đá cũ, theo sông Chu chảy qua Thọ Xuân, quê hương của hai ông vua Lê Hoàn và Lê Lợi. Thời Hậu Lê, Thọ Xuân là nơi họp mặt hào kiệt khắp nơi để bàn kế đuổi giặc Minh; thời kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là lá cờ đầu của ngành nông nghiệp miền Bắc.

 

Năm 2010, kỷ niệm bốn mươi lăm năm chiến thắng Hàm Rồng, Đền thờ các liệt sỹ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và các bà mẹ Việt Nam anh hùng tại khu di tích lịch sử Hàm Rồng đã được dựng lên, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, văn hóa lịch sử quê hương xứ Thanh, góp phần vun đắp tình đoàn kết, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân ra sức học tập, công tác, phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, ấm no. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất