1. Đặt vấn đề
Phát triển chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng là một trong những định hướng đổi mới quan trọng của giáo dục đại học Việt Nam trong vòng gần hai thập kỷ vừa qua. Khởi đầu từ Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2-11-2005 của Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2005-2020 xác định: “Phát triển các chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp ứng dụng; mở rộng quy mô đào tạo, đạt tỷ lệ 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020, trong đó khoảng 70-80% tổng số sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp ứng dụng”.
Chiến lược phát triển Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định sứ mệnh của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là: “đào tạo nhiều hình thức, đa ngành, đa lĩnh vực, theo định hướng ứng dụng, đồng thời nghiên cứu và chuyển giao những kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của Ngành Nội vụ, nền công vụ của đất nước và hội nhập quốc tế”, tầm nhìn đến năm 2035 trở thành trường đại học được xếp hạng một trong các cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng của Việt Nam trong lĩnh vực nội vụ với giá trị cốt lõi: Chất lượng - Chuyên nghiệp - Hiện đại.
Để thực hiện sứ mệnh của trường, trong những năm qua, Nhà trường đã xây dựng được các chương trình đào tạo định hướng ứng dụng với mục tiêu đáp ứng nguồn nhân lực cho Ngành Nội vụ, nền công vụ và hội nhập quốc tế.
2. Thực tiễn phát triển chương trình Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước ở Trường Đại học Nội vụ Hà Nội theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE)
Từ năm 2018 đến nay, CTĐT Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước đã có ba lần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Từ năm 2021, sửa đổi, bổ sung ban hành CTĐT đã được áp dụng theo quy trình phát triển CTĐT định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE). Sau 4 năm, nhận thức, năng lực của cán bộ, giảng viên về phát triển CTĐT Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước định hướng nghề nghiệp ứng dụng từng bước được nâng lên. Chương trình đào tạo được thiết kế ngày càng khoa học, chặt chẽ, đảm bảo tính “mở”, để thuận tiện điều chỉnh, cập nhật theo sự thay đổi, phát triển của xã hội. Sự tham gia của thị trường lao động vào quá trình đào tạo Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước được coi trọng. Đã có sự tham gia của đại diện một số đơn vị sử dụng nhân lực (ĐVSDNL) vào một số khâu của quá trình đào tạo.
Tuy nhiên, việc tiến hành một số bước trong toàn bộ chu trình phát triển CTĐT theo định hướng ứng dụng POHE còn hạn chế. Đặc biệt là việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo, xác định các chủ đề học tập, lựa chọn phương pháp giáo dục, thiết kế tổng thể các hoạt động trải nghiệm, thực tập, thực thế; xác định mô hình hợp tác với đơn vị sử dụng nhân lực gắn với điều kiện thực tiễn của trường, cơ chế tài chính và các quy định hiện hành.
3. Một số kinh nghiệm và giải pháp
3.1. Nâng cao năng lực phát triển chương trình đào tạo, trình độ lý luận, thực tiễn và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên thuộc Khoa Tổ chức và xây dựng chính quyền (TCXDCQ)
Luật Giáo dục Đại học năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018, Điều 1, Khoản 30. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 55 đã quy định nhiệm vụ và quyền của giảng viên là “Giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo, thực hiện đầy đủ, bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo; học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.” Quy định này cho thấy trách nhiệm, vai trò của người giảng viên đại học trong việc phát triển CTĐT, bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo.
Để nâng cao nhận thức, tư duy, tiếp cận về phát triển CTĐT định hướng nghề nghiệp ứng dụng POHE, trước hết mỗi giảng viên phải dành thời gian cho việc tự nghiên cứu các văn bản, tài liệu, công trình khoa học liên quan đặc biệt là Tài liệu phát triển chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) của Dự án POHE 2 thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi tự học, tự nghiên cứu là một nhiệm vụ của giảng viên. Giảng viên phải năng động, cập nhật thường xuyên, đầy đủ các tài liệu về xây dựng, phát triển CTĐT, tài liệu về đánh giá, kiểm định chất lượng CTĐT, chuẩn CTĐT.
Mỗi giảng viên lập kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, thời gian, hình thức, phương pháp tham gia học tập, nghiên cứu thực tế ở các ĐVSDNL gắn với học phần, nhóm học phần phụ trách, gắn với Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước. Đồng thời đăng ký tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng do trường hoặc cơ sở giáo dục, đào tạo khác tổ chức về phát triển CTĐT, về xây dựng Đảng, về quản lý Nhà nước, về văn thư lưu trữ, về các kỹ năng mềm, phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy. Thí dụ:
- Các lớp học bồi dưỡng về kiến thức kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lênin do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức
- Tìm hiểu thực tế tại các ban tổ chức huyện ủy, quận ủy, ban tuyên giáo, phòng xây dựng chính quyền, phòng nội vụ, sở nội vụ, ủy ban kiểm tra cấp huyện/thành phố, một số đơn vị chuyên môn thuộc Ban Tổ chức Trung ương, một số đảng ủy khối… để thâm nhập thực tiễn công tác của các công chức, viên chức khối đảng, đoàn thể, chính quyền; tìm hiểu kiến thức, kỹ năng cần thiết đối với người học sau khi tốt nghiệp ở 1 hoặc 2-3 vị trí việc làm (VTVL) cụ thể, thực hành các nghiệp vụ; giảng viên học phần nào, hoặc phụ trách nhóm học phần nào, phụ trách hướng dẫn nghiệp vụ nào cho sinh viên thì thực tế để nắm chắc về VTVL đó, nghiệp vụ đó, xác định yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực của VTVL đó (có quy định về thời gian hoặc số buổi/1 đợt/1 năm), có báo cáo, xác nhận của ĐVSDNL sau thời gian thực tế.
- Tham gia các khóa học ứng dụng CNTT, nghiên cứu thực hiện bài giảng E-learning, thực hiện các giờ giảng ứng dụng PPGDTC, giờ hướng dẫn thực hành, giáo án hướng dẫn thực hành, thao giảng, trao đổi, thảo luận ở khoa để nâng cao chất lượng giảng dạy. Qua đó, nâng cao khả năng vận dụng đa dạng, linh hoạt các phương pháp giảng dạy, bổ sung vào các đề cương chi tiết học phần hiện hằng năm, nâng cao chất lượng các đề cương học phần trong CTĐT.
- Tham gia học về quản lý Nhà nước, cao cấp lý luận chính trị khi đủ tiêu chuẩn, khóa bồi dưỡng về công tác văn thư - lưu trữ.
Ngoài ra, Khoa TCXDCQ cần đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn theo hướng tăng cường thảo luận góp ý cho các giáo án, bài giảng trước khi lên lớp; về kỹ thuật, phương pháp ứng dụng các phương pháp giảng dạy tích cực vào một hoặc một số bài giảng cụ thể. Đổi mới cách thức ra đề thi, kiểm tra, đánh giá kết quả trên cơ sở xây dựng các tình huống học tập và sử dụng thành thạo kỹ thuật của PP giải quyết vấn đề trong giảng dạy, tiếp cận năng lực để thiết kế các hình thức kiểm tra, đánh giá, có sự tham gia của ĐVSDNL, tiến hành thử nghiệm, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để cải tiến chương trình đào tạo.
3.2. Nâng cao chất lượng xây dựng hồ sơ nghề nghiệp, hồ sơ năng lực, chuẩn đầu ra từ việc điều chỉnh nội dung các phiếu khảo sát và xác định phương án điều tra
Đối với việc xây dựng phiếu khảo sát: cần căn cứ vào đặc điểm và phân loại nhóm cơ quan để xác định rõ phiếu khảo sát dành cho các cơ quan nhà nước khối đảng, khối đoàn thể - chính trị xã hội, khối nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan chuyên môn thuộc các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh/cấp huyện, doanh nghiệp để thu thập các thông tin về các nội dung, như: nhu cầu về nguồn nhân lực Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước; các VTVL mà người học sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm; chức năng, vai trò của VTVL đó trong cơ quan, tổ chức; các nhiệm vụ, công việc thường xuyên của từng VTVL; yêu cầu đối với từng VTVL về kiến thức, kỹ năng, thái độ; yêu cầu đối với từng VTVL để đảm bảo đáp ứng được với sự phát triển của khoa học - công nghệ, những vấn đề mới đặt ra trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước, với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).
Các phiếu sau khi được lập cần hỏi ý kiến các chuyên gia phát triển CTĐT hoặc các nhà nghiên cứu điều tra xã hội học, cán bộ quản lý đào tạo, cán bộ quản lý và phát triển Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước ở các cơ sở đào tạo khác.
Xác định phương án điều tra:
Nên sử dụng kết hợp các phương pháp điều tra, tùy loại câu hỏi và mục đích thu thập thông tin mà sử dụng phiếu hỏi trực tuyến. Nên kết hợp phỏng vấn trực tiếp để có thể thu thập thông tin được dễ dàng hơn, nhất là giai đoạn trước khi lập phiếu khảo sát, cần có sự trao đổi để thống nhất về cách hiểu, cách mô tả, diễn đạt các nội dung được hỏi, và câu trả lời dự kiến. Phỏng vấn trực tiếp cũng giúp đánh giá chính xác thái độ hợp tác, sự khách quan của đối tượng trả lời phiếu, đồng thời có cơ hội để giảng viên tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp, thiện cảm, sự quan tâm của ĐVSDNL đối với ngành học, công tác đào tạo gắn với ĐVSDNL hiện nay, giúp dễ dàng trao đổi và mở ra những cơ hội hợp tác tiếp theo.
Xác định số lượng, phạm vi khảo sát (bao nhiêu cơ quan, ở địa bàn nào, số lượng người cần điều tra, khảo sát). Nên tăng số lượng phiếu hỏi lên khoảng 200-250 phiếu, nên tập trung vào các cơ quan dự báo có nhu cầu lớn về nhân lực Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, hoặc điều tra các cơ quan theo ngành (như Ngành Nội vụ, từ Trung ương đến cấp huyện; Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, từ Ban Tổ chức Trung ương đến địa phương; Dân vận, từ Ban Dân vận Trung ương đến địa phương; Tổ chức cán bộ, từ Bộ Nội vụ đến sở nội vụ, phòng nội vụ; Ban Tuyên giáo, từ Trung ương đến địa phương, từ các học viện, cơ sở giáo dục đại học đến các trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện).
Đối tượng: Cần phát phiếu lấy ý kiến cả đối tượng làm công tác quản lý, làm trực tiếp và làm công việc có liên quan đến vị trí việc làm cần khảo sát.
Về lập danh mục các VTVL
Sau khi tổng hợp được các ý kiến qua điều tra, khảo sát, cần họp tổ để phân tích dữ liệu, đi đến thống nhất lựa chọn các vị trí việc làm phổ biến dành cho người học sau khi tốt nghiệp Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, liệt kê các công việc cần phải thực hiện của từng VTVL. Lập bảng các VTVL phổ biến của người học tốt nghiệp Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước.
Lấy ý kiến chuyên gia về các nội dung chuyên môn của Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước
Lập các phiếu hỏi ý kiến chuyên gia thực tiễn giàu kinh nghiệm công tác trong các ban, ngành của Đảng, các đảng ủy khối, đảng ủy khu công nghiệp, khu chế xuất; Bộ Nội vụ, các sở nội vụ, phòng nội vụ, các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế, giáo dục; các giảng viên đã và đang chủ trì xây dựng và phát triển Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước ở các cơ sở giáo dục đại học, về: các vị trí việc làm của Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước; các năng lực cần có có mỗi VTVL; những kiến thức, kỹ năng cần thiết mà người học được trang bị để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp; dự báo những thay đổi về VTVL của Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước trong tương lai, có tính đến những yếu tố tác động của xã hội, của thị trường lao động và tác động của của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của khoa học - công nghệ. Thí dụ về kỹ năng ứng dụng CNTT trong xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ, xây dựng chính quyền điện tử, Chính phủ số, ứng dụng CNTT trong quản lý cán bộ, ứng dụng CNTT trong công tác đảng: sinh hoạt chi bộ trực tuyến, sổ tay đảng viên điện tử…
3.3. Rà soát, đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của các học phần trong chương trình đào tạo, tiếp tục điều chỉnh khung chương trình đào tạo theo hướng tăng số giờ thực hành, giảm giờ lý thuyết một cách hợp lý, bổ sung các học phần thực hành nghiệp vụ tại ĐVSDNL.
Trước hết cần khảo sát đánh giá lại về các yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng và năng lực của người học Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước cần có sau khi tốt nghiệp để đáp ứng được nhu cầu của ĐVSDNL và VTVL. Đề xuất thành lập Hội đồng phân tích nghề, đánh giá tổng thể về chuẩn đầu ra, về khung CTĐT, nội dung chi tiết các học phần trong CTĐT. Xây dựng các tiêu chí đánh giá cho chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, đề cương chi tiết học phần, phương pháp giảng dạy trong sự đối sánh với yêu cầu của CTĐT POHE. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cải tiến. Mô tả lại các chuẩn đầu ra đảm bảo các bên liên quan nhất là giảng viên, sinh viên và ĐVSDNL có thể hiểu được các yêu cầu tối thiểu đối với người học sau khi tốt nghiệp. Sau khi có chuẩn đầu ra điều chỉnh, bước tiếp theo trong quy trình phát triển CTĐT theo POHE là phải thiết kế, điều chỉnh cấu trúc CTĐT, các học phần trong CTĐT hiện hành. Yêu cầu là phải gắn với chuẩn đầu ra, gắn với các năng lực/khối kiến thức/mô đun đã xác định, gắn với VTVL. Để đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của các học phần, phải rà soát trước hết là đề cương các học phần.
Nếu các học phần chưa đáp ứng cần, điều chỉnh. Điều chỉnh đề cương học phần, đồng thời điều chỉnh cơ cấu tỷ lệ giờ lý thuyết, thực thành, có thể bổ sung giờ tự học trong khung chương trình đào tạo. Trong đề cương chi tiết cần quy định cả giờ tự học tương ứng với nội dung, yêu cầu, kết quả của hoạt động tự học, sẽ có sự bổ trợ lớn đến việc hình thành, phát triển tư duy sáng tạo, năng lực tự học cho người học, hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai các phương pháp giảng dạy của giảng viên, giảm thời gian giảng lý thuyết, tăng thời gian hưỡng dẫn thực hành, kỹ năng, nghiệp vụ cho sinh viên.
Về tổng thể, thiết kế cấu trúc các môn học phải đảm bảo yêu cầu về khối kiến thức tối thiểu khung trình độ quốc gia bậc 6, yêu cầu về năng lực ngoại ngữ, tin học theo quy định tối thiểu chung của giáo dục đại học.
Trên cơ sở cấu trúc đó, cần sắp xếp nhóm các học phần để tạo thành các mô-đun (năng lực).
Các chủ đề học tập trên có thể thiết kế tương ứng mỗi học kỳ.
Về cơ cấu tỷ lệ lý thuyết/ thực hành: để đào tạo theo POHE, các chuyên gia khuyến cáo cần xây dựng tỷ lệ lý thuyết và thực hành tối thiểu là 50/50, hoặc 30% lý thuyết/70% thực hành. Như vậy, vận dụng thực tiễn tại trường và Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, cần tùy theo năng lực về đội ngũ nhân sự của khoa, quan hệ hợp tác với ĐVSDNL hiện tại, điều kiện cơ sở vật chất của trường, để xác định cho phù hợp. Bởi việc xác định tỷ lệ này sẽ kéo theo việc điều chỉnh các đề cương chi tiết học phần, kinh phí cho việc tổ chức thực hiện. Các đề cương cần điều chỉnh, chắt lọc các nội dung sẽ giảng dạy về lý thuyết, yêu cầu các nội dung tự học, tự nghiên cứu của sinh viên; xác định các nội dung thực hành, điều kiện thực hành. Hiện nay Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đang hướng tới việc đưa người học đến các ĐVSDNL để thực hành. Vì vậy, giảng viên điều chỉnh đề cương cần phải khảo sát trước ĐVSDNL sinh viên sẽ đến thực tập về đặc điểm, nhân sự, điều kiện trang thiết bị, phần mềm, cơ sở vật chất và thỏa thuận trước với ĐVSDNL, cán bộ sẽ hướng dẫn sinh viên về các trang thiết bị được sử dụng, tài liệu được nghiên cứu, cơ sở dữ liệu nào của phần mềm sẽ được truy cập, nghiệp vụ nào cán bộ có thể hướng dẫn. Từ đó đưa vào đề cương để sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu trước và chuẩn bị.
Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng thiết kế các học phần trong CTĐT.
Về thiết kế các đề cương học phần:
Ngoài phần nội dung phải chắt lọc những nội dung cơ bản nhất, nội dung trọng tâm cần được thể hiện rõ qua việc ưu tiên thời lượng giảng dạy cho nội dung đó. Việc chắt lọc nội dung để giảng dạy về lý thuyết giúp giảng viên dễ tổ chức việc soạn bài, tổ chức giảng dạy, dễ đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra (trên cơ sở chuẩn đầu ra xây dựng rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu).
Vấn đề đặc biệt cần quan tâm trong tổ chức thực hiện CTĐT POHE là thiết kế các phương pháp giảng dạy đa dạng, kết hợp chặt chẽ các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại, phát triển năng lực tư duy, sáng tạo cho người học. Các phương pháp cơ bản như: thuyết trình, hỏi đáp, tình huống, làm việc nhóm, dự án, trực quan, làm mẫu. Phương pháp học: nghe, ghi chép, đọc nghiên cứu trước các nội dung, nghiên cứu trước các tình huống, làm việc nhóm, nghiên cứu, tổng hợp các văn bản, tự đề xuất phương án giải quyết vấn đề; quan sát cán bộ, giảng viên làm mẫu, bắt bước, thực hành.
Hình thức kiểm tra, đánh giá cần xác định rõ trong đề cương, các trọng số đánh giá điểm cũng cần quy định rõ, ví dụ: đánh giá cho học phần thực tập là viết báo cáo thực tập (30% điểm), thi thực hành (70% điểm).
Với mỗi hình thức kiểm tra, đánh giá cần xây dựng các rubics đánh giá tương ứng để người học phấn đấu và tự đánh giá, làm căn cứ thống nhất cách đánh giá cho cả giảng viên và sinh viên, giúp dễ dàng đạt các mục tiêu, chuẩn đầu ra đã xác định.
3.4. Cải tiến các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo trình, học liệu để triển khai thực hiện chương trình đào tạo Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng.
Tổ chức đào tạo là một bước trong chu trình phát triển CTĐT Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng POHE. Để bước này đem lại hiệu quả cần chú ý đến các điều kiện đảm bảo chất lượng như: bổ sung văn bản hoặc điều chỉnh các văn bản hiện hành theo hướng quy định rõ định hướng đào tạo (định hướng ứng dụng), tiếp cận trong phát triển CTĐT, mô hình hợp tác với ĐVSDNL, chế độ đối với giảng viên trong đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng POHE, đầu vào, học phí; cơ sở vật chất phòng học của trường, đội ngũ giảng viên, hệ thống thư viện hiện đại, giáo trình, tập bài giảng, sách hướng dẫn học,… cơ chế hợp tác với ĐVSDNL phải thực sự chặt chẽ, rõ ràng, chế độ, chính sách đối với giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo CTĐT POHE đảm bảo tối thiểu theo các quy định hiện hành.
Cần sớm biên soạn các tài liệu như: Tập bài giảng các môn học của Ngành, Sổ tay hướng dẫn xây dựng và thực hiện CTĐT POHE Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước; sổ tay giảng viên POHE, sổ tay sinh viên POHE, hoặc cẩm nang giảng viên POHE, cẩm nang sinh viên POHE; các loại sách hướng dẫn học, sách bài tập phục vụ cho mô hình đào tạo theo CTĐT POHE, tuyển tập các tình huống học tập nhằm phát triển năng lực thực hành nghề nghiệp của sinh viên Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước. Điều chỉnh, bổ sung quy định về đánh giá và kiểm tra đối với sinh viên Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước theo hướng đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, phát triển năng lực nghề nghiệp cho người học.
Về đánh giá các học phần: tương tứng với việc cơ cấu tỷ lệ 30% lý thuyết, 70% thực hành, và hình thức tổ chức dạy học là trong quá trình học lý thuyết, kết hợp đưa sinh viên đến thực tế, khảo sát, thực hành một số nghiệp vụ tại ĐVSDNL. Hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá sẽ là: kiểm tra, đánh giá lý thuyết tại trường (30%), thực hành tại ĐVSDNL có sự tham gia của cả cán bộ ở ĐVSDNL và giảng viên (70%).
Về đánh giá thực tập: hình thức đánh giá, cần có cả phần thực hành do ĐVSDNL đánh giá chiếm trọng số điểm (50-70%), báo cáo thực tập do giảng viên hướng dẫn thực tập đánh giá (chiếm 50-30%). Sinh viên được coi là hoàn thành khi nội dung thực hành phải từ đạt trở lên. Trong đánh giá thực hành, phần thực hành nghiệp vụ của VTVL tương ứng cần đánh giá với trọng số điểm 70%.
Về đánh giá khóa luận: Nội dung thực hành có thể là xây dựng 1 đề án cụ thể, căn cứ vào thực tiễn của ĐVSDNL trong đợt thực tập. Sinh viên có thể đăng ký tham gia thực hiện 1 đề án/đề tài khoa học cùng cán bộ của ĐVSDNL từ đầu năm thứ 4. Có minh chứng là quyết định giao thực hiện đề án, kết quả nghiệm thu xếp loại đạt trở lên. Đánh giá kết quả của chủ nhiệm đề án/đề tài khoa học).
3.5. Xây dựng cơ chế hợp tác với các đơn vị sử dụng nhân lực để phát triển CTĐT Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước.
Trước hết cần giúp giảng viên, ĐVSDNL nhận thực rõ về vị trí vai trò của ĐVSDNL trong đào tạo POHE. Tạo sự thống nhất nhận thức cho ĐVSDNL về vị trí vai trò, trọng trách của ĐVSDNL đối với việc cùng thực hiện đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng xây dựng Nhà nước pháp quyền của Dân, do Dân và vì Dân.
Giảng viên, lãnh đạo Khoa TCXDCQ cần thường xuyên giữ mối liên hệ, trao đổi về vai trò của cán bộ, nhân viên trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế nghề nghiệp về các nhiệm vụ chuyên môn, điều kiện thực hiện công việc, tiêu chuẩn của vị trí việc làm, góp phần quan trọng cho việc điều chỉnh, cải tiến, phát triển CTĐT, nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước. Đồng thời trao đổi về năng lực đào tạo của nhà trường, của khoa về đào tạo, bồi dưỡng; khả năng đóng góp của sinh viên trong quá trình kiến tập, thực tập cho đơn vị sử dụng nhân lực để mở rộng mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhằm đi đến những thỏa thuận hợp tác chung. Ngoài ra, sau các buổi tọa đàm về chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, sửa đổi, cập nhật chương trình đào tạo có sự tham gia của đơn vị sử dụng nhân lực, cần viết bài đưa tin, thông tin rộng rãi qua website, Fan page của trường, Fan page của khoa làm rõ ý nghĩa của mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường, khoa với ĐVSDNL đối với phát triển CTĐT và quá trình đào tạo.
Về mô hình, cách thức hợp tác với ĐVSDNL: Trên cơ sở các mối quan hệ hợp tác đã có giữa khoa và ĐVSDNL, mỗi giảng viên sẽ được quyết định giao phụ trách một số đơn vị, đề xuất các phương án hợp tác, tham mưu ký kết các thỏa thuận, hợp đồng liên kết đào tạo phù hợp với điều kiện của trường và ĐVSDNL. Mỗi giảng viên sẽ phụ trách việc phát triển 1-2 năng lực/nhóm năng lực cho sinh viên của Ngành, từ đó xác định các học phần (gồm cả lý thuyết và thực hành), số tín chỉ, điều kiện học tập cần thiết (tại trường, tại ĐVSDNL – cần các trang thiết bị, cơ sở vật chất gì, tiêu chuẩn cần có của cán bộ hướng dẫn tại ĐVSDNL thế nào, thời gian hướng dẫn bao lâu, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành, trọng số đánh giá kết quả thực hành, thực tập, kiến tập của giảng viên và ĐVSDNL) để đạt các năng lực đó. Thí dụ: giảng viên chuyên về dân vận sẽ phải nắm chắc kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về dân vận, phụ trách việc trang bị nghiệp vụ công tác dân vận cho sinh viên, phát triển các mối quan hệ hợp tác với ban dân vận các cấp. Giảng viên phải đề xuất được các giải pháp cần thiết, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn với các giảng viên liên quan, cán bộ ở ĐVSDNL… để đảm bảo về năng lực có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác dân vận cho sinh viên. Giảng viên phụ trách thực hiện việc đề xuất định mức chi, thực hiện chế độ thanh toán, chi trả cho ĐVSDNL kinh phí theo quy chế chi tiêu của nhà trường.
Để hình thành, xây dựng được mô hình hợp tác với doanh nghiệp, cần xác định: mục đích, nội dung hợp tác, đối tượng (các loại hình cơ quan) để hợp tác. Sau khi có danh sách các cơ quan, tiến hành xây dựng tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ, chuyên viên ở ĐVSDNL tham gia vào Hội đồng công giới (hay Hội đồng tư vấn nghề).
Hội đồng công giới hay Hội đồng tư vấn nghề Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước bao gồm tất cả các thành viên là đại diện các cơ quan được lựa chọn đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí đã xác định phục vụ đào tạo, phát triển CTĐT Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Khoa TCXDCQ và một giảng viên làm thư ký Hội đồng, các phó chủ tịch là đại diện các cơ quan có VTVL phổ biến.
Thành viên Hội đồng công giới sẽ được lựa chọn để tham gia vào các tổ cập nhật, sửa đổi CTĐT, chuẩn đầu ra; tham gia Hội đồng thẩm định đề cương học phần, tham gia giảng dạy một phần của môn học, học phần, đánh giá kết quả học tập (chủ yếu là thực hành) của sinh viên, hướng dẫn sinh viên thực tập, kiến tập, hướng dẫn nghiệp vụ cho sinh viên, giảng viên; phối hợp chặt chẽ với giảng viên để xác định, xây dựng nội dung học tập cho sinh viên, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn cho giảng viên, sinh viên.
Hằng năm, Hội đồng công giới phải được triệu tập để họp tối thiếu 1-2 lần (cuộc họp để trao đổi, đánh giá, thống nhất về cách thức hoạt động, yêu cầu đối với sinh viên, giảng viên khi thực tập, kiến tập tại ĐVSDNL, tập huấn nâng cao kỹ năng, phương pháp giảng dạy, đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, định hướng việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Kinh phí hỗ trợ hoạt động từ nguồn chi thường xuyên của nhà trường và kinh phí của đơn vị sử dụng nhân lực, thực hiện qua quy chế chi tiêu nội bộ, thực hiện thông qua các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác sau khi hai bên đã đàm phán, thống nhất.
Khoa TCXDCQ cần họp và xác định các lợi ích cần cung cấp cho ĐVSDNL khi nhận giảng viên, sinh viên đến thực tập, kiến tập, học tập… Thí dụ: các điều kiện hướng dẫn thực tập, thực hành đối với giảng viên; điều kiện để được đi kiến tập, thực tập, học tập ở ĐVSDNL đối với sinh viên. Thí dụ với thế mạnh là có ngành đào tạo về văn thư - lưu trữ, CTĐT phải học xong các học phần về công tác văn thư, lưu trữ, có khả năng thực hành việc sắp xếp, phân loại hồ sơ để hỗ trợ các bộ phận trong cơ quan thực tập chỉnh lý hồ sơ. Đây sẽ là động lực quan trọng để ĐVSDNL dễ dàng chấp nhận, tiếp nhận, sinh viên đến thâm nhập thực tiễn cơ quan, thực hành nghiệp vụ. Đối với giảng viên, cần nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng cải tiến các quy trình công việc, kỹ năng tổ chức công việc, cập nhật các kiến thức khoa học tiên tiến… cho các chuyên viên, nhân viên của ĐVSDNL. Cần xác định việc đàm phán để sinh viên, giảng viên Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước được thâm nhập sâu vào hoạt động thực tiễn các cơ quan là rất khó khăn, có thể làm xáo trộn các quy trình, công việc để chuẩn bị trước các phương án, các yêu cầu đối với sinh viên, để đảm bảo quyền lợi, lợi ích, trách nhiệm của hai bên.
Một số khuyến nghị
- Đối với Khoa TCXDCQ
Xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên cho sinh viên Ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước đáp ứng tiêu chuẩn một số VTVL người dự tuyển làm công chức khối đảng phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xem xét điều chỉnh chuẩn đầu ra hướng tới cung cấp nhân lực cho các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập với các VTVL không yêu cầu dự tuyển là đảng viên như: Chuyên viên xây dựng chính quyền; Chuyên viên cải cách hành chính; Chuyên viên quản lý cán bộ, công chức cấp xã; Chuyên viên tổ chức - cán bộ; Chuyên viên các cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giảng viên trường chính trị tỉnh, trung tâm chính trị huyện, trợ giảng ở các cơ sở giáo dục đại học, công chức cấp xã.
- Đối với Trường Đại học Nội vụ Hà Nội
Quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ giảng viên, cải tiến các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều chỉnh quy định kiểm tra, đánh giá.
- Đối với Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương
Xem xét tháo gỡ khó khăn trong việc đảm bảo tiêu chuẩn người dự tuyển trong các kỳ thi công chức khối đảng khi quy định phải là đảng viên và có kinh nghiệm 1 năm.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
- Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22-6-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chuẩn chương trình đào tạo.
- Ban Tổ chức Trung ương (2019), Quyết định số 2472-QĐ/BTCTW ngày 15-3-2018, các quyết định số từ 4127 đến 4138, ngày 29-1-2019 của Ban Tổ chức Trung ương về danh mục và bản mô tả vị trí việc làm các Ngành Xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
- Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2019), Quyết định số 1039/QĐ-BNV ngày 27-11-2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Đề án Chiến lược phát triển Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
- Hướng dẫn số 37-HD/BTCTW ngày 4-8-2015 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
ThS. Nguyễn Thị Yến
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội