Tây Nguyên trên đường đổi mới
Một góc thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông hôm nay.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, diện tích tự nhiên chiếm 16,3% diện tích cả nước, dân số gần 5,2 triệu người với 47 dân tộc anh em cùng chung sống, tạo nên một vùng văn hóa đa dạng, phong phú và đặc trưng riêng. Tây Nguyên là một trong sáu vùng kinh tế lớn của cả nước, với thế mạnh cây công nghiệp xuất khẩu như cà phê, cao su, hồ tiêu... Tây Nguyên còn có một vị trí quan trọng, là trung tâm của miền núi Nam Đông Dương, có những hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Căm-pu-chia; có hệ thống đường giao thông liên hoàn nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ; có các cửa khẩu quốc tế, quốc gia trên tuyến hành lang Đông-Tây và không xa các cảng biển nước sâu như Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội...  

Bên cạnh tiềm năng, lợi thế Tây Nguyên vẫn còn là khu vực có nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, trình độ kinh tế, kỹ thuật còn thấp; số xã đặc biệt khó khăn còn nhiều và phần lớn nằm trên miền biên ải xa xôi, cách trở, nguồn vốn đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH; tình trạng chênh lệch giàu nghèo ở một số nơi gây bất lợi về quan hệ xã hội. Vì vậy, đầu tư phát triển Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ về kinh tế mà còn cả việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc cũng như sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Với mục tiêu này, nhiều thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách lớn, đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nhằm tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về đất đai, nhà ở, giao rừng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.  

Trong 10 năm trở lại đây, với sự đầu tư của Chính phủ cùng với sự nỗ lực của các địa phương, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, bưu chính viễn thông... Từ chỗ chưa có gì sau năm 1975, đến nay đã có 1.560 công trình hồ chứa nước, đáp ứng hơn 60% nhu cầu tưới tiêu. Hệ thống giao thông hình thành rộng khắp với 3 sân bay, 10 tuyến quốc lộ, 59 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài hơn 4 nghìn km, nhiều tuyến đường liên huyện, đường liên xã đã nhựa hóa và cứng hóa. 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trạm xá, phủ sóng phát thanh-truyền hình và nối mạng thông tin truyền thông; 98% số thôn, buôn có điện lưới quốc gia.  

Đặc biệt, những năm gần đây, công tác giảm nghèo ở Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả. Năm 2011, sau khi điều tra lại hộ nghèo (theo tiêu chí chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015), số hộ nghèo khu vực Tây Nguyên là hơn 260 nghìn hộ thì ngay trong năm, toàn vùng đã xóa được gần 40 nghìn hộ nghèo. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 44,9% xuống còn 40,5%. Đến nay, Tây Nguyên đã xóa được tình trạng thiếu đói triền miên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  

Nam Nung (huyện KRông Nô, tỉnh Đắk Nông), từ xã thiếu lương thực, cái đói, cái rét và bệnh tật luôn là nỗi ám ảnh trong suốt thời gian dài, giờ đây đã trở thành vựa lúa của cả huyện. Bà con từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu sang trồng lúa nước, kết hợp phát triển chăn nuôi. Bà con được tiếp cận và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Đến nay, xã đã xóa được hộ đói giáp hạt trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình đã sắm phương tiện nghe nhìn, xe gắn máy, máy nông nghiệp. Điển hình như gia đình Ma Náp dân tộc M''nông, trước đây là một hộ nghèo nhưng được sự giúp đỡ của Nhà nước cùng với sự siêng năng, gia đình Ma Náp đã có 2 ha rẫy, mỗi năm thu hơn 10 tấn lương thực, cà phê vài tấn/năm.    

Nam Nung cơ bản đã xóa mù chữ trong vùng đồng bào dân tộc, 100% trẻ em trong độ tuổi theo quy định được đến trường học. Các thôn, buôn đều có trường lớp khang trang cho con em đồng bào học tập. Các giá trị văn hóa truyền thống của bà con dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy. Những tiếng cồng, chiêng, tiếng khèn, tiếng trống luôn âm vang trong những ngày hội, lễ tết, ngày vui của đồng bào. Già làng K'Hoàng tâm sự: Bà con dân tộc xã Nam Nung một lòng theo Đảng, đồng bào đã có của ăn của để, không còn ăn củ mài, củ rừng. Chúng tôi thường khuyên bà con biết siêng năng lao động, biết học tập những cái tốt để xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương Nam Nung xứng danh là xã anh hùng.    

Đến Tây Nguyên những ngày này càng thấy sức sống mới của đồng bào nơi đây. Tại kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 đã đánh giá: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10 và các chủ trương, chính sách khác của Đảng, Nhà nước, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng. Kinh tế của vùng từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết, nhất là vấn đề đất đai, quản lý bảo vệ rừng, nhà ở, việc làm, xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...  

Đồng chí Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Những năm qua, kể cả trong mấy năm khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, khu vực Tây Nguyên vẫn duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao (12 đến 13%/năm), tốc độ giảm nghèo nhanh (3 đến 4%/năm), văn hóa, giáo dục, y tế tiến bộ, quốc phòng, an ninh được đảm bảo...  

Hòa nhịp với sự đổi thay của đất nước, Tây Nguyên hôm nay đã thay da, đổi thịt, thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tin chắc rằng, trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới với những thời cơ và thách thức đan xen, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của vùng đất giàu tiềm năng, thế mạnh, có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng-an ninh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất