Chiều 15-3, tại chùa Yên Tử (Quảng Ninh), Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ tưởng niệm Ngày viên tịch của Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân” phát triển ngành y dược cổ truyền, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa, pháp hiệu Tuệ Tĩnh, sinh ở làng Nghĩa Phú, xã Tuệ Tĩnh, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh đã xây dựng nền móng của y học nước nhà với truyền thống chữa bệnh bằng thuốc nam, theo phương châm “thuốc nam Việt chữa người nam Việt”. Ông đã gây dựng phong trào trồng thuốc ở gia đình, vườn đền, chùa và thu trữ theo thời vụ để có sẵn thuốc chữa bệnh kịp thời với một mạng lưới khám chữa bệnh miễn phí tại 24 chùa. Ông cũng đã thu thập những bài thuốc dân gian, các vị thuốc nam, viết sách và truyền bá y học. Truyền thống của Tuệ Tĩnh đã được đời sau thừa kế và phát huy rạng rỡ trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển y học dân tộc. Nhân dân đã lập đền thờ ông với tên “Đền thánh thuốc nam” ở quê hương thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ; đền bia ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn; miếu Nghè ở chùa Giám, xã Tân Sơn, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Ngoài ra ông còn được thờ là Thành hoàng ở xã Yên Lư, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với công lao của Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh. “Để phấn đấu xây dựng một nền y tế Việt Nam khoa học, hiện đại, dân tộc và đại chúng, chúng ta nguyện sẽ cố gắng hết sức mình học tập và làm theo tấm gương của Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh cũng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”. Nỗ lực và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân – vốn quý nhất của con người” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, những năm qua, việc sưu tầm, kế thừa, ứng dụng và nghiên cứu, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, y dược cổ truyền của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Hiện nay, cả nước có 64 bệnh viện y học cổ truyền, trên 80% bệnh viện tuyến tỉnh có khoa y học cổ truyền, gần 90% bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa hoặc tổ y học cổ truyền và gần 80% trạm y tế xã, phường, thị trấn có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Tỷ lệ người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại đạt khoảng 30% tổng số người bệnh đến khám và điều trị hằng năm.
Nhân dịp này, Bộ Y tế phát động phong trào học tập y đức, y đạo, y thuật của các bậc danh y tiền bối; phát triển môi trường nuôi trồng và ứng dụng y học cổ tuyền trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thu Huyền