Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định đời sống nhân dân
Dự án nhà Kỹ thuật Nghiệp vụ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng, giúp tỉnh lựa chọn được nhà thầu uy tín, tiết kiệm ngân sách. Ảnh: Chu Kiều.

Chương trình đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước (NSNN), bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước giảm bội chi NSNN.

Ngay sau khi ban hành Chương trình tổng thể THTK, CLP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về THTK, CLP đến mọi tầng lớp nhân dân.

Cùng với việc rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, hệ thống văn bản, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN, ưu tiên tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, then chốt, có tác động lan tỏa với nền kinh tế; tăng cường quản lý, sử dụng đất đai; khai thác, sử dụng khoáng sản, tài nguyên; THTK, CLP trong tổ chức, quản lý, sử dụng lao động, sử dụng vốn, tài sản tại các DN nhà nước, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng...

Một trong những nội dung UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong các cuộc họp thường kỳ là: Tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường rà soát các dự án chuẩn bị đầu tư, nắm bắt tiến độ các dự án trọng tâm trọng điểm, kiên quyết dừng các dự án chưa thực sự cần thiết hoặc kém hiệu quả; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các DN.

Tính riêng năm 2020, qua công tác thẩm định chủ trương đầu tư, đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 314 tỷ đồng; tiết kiệm từ công tác thẩm định dự án được 360 tỷ đồng; tiết kiệm từ công tác đấu thầu 6,6 tỷ đồng; tiết kiệm từ đầu tư, thi công 4,5 tỷ đồng và tiết kiệm từ thẩm tra quyết toán dự án 26,3 tỷ đồng.

Thực hiện lồng ghép các nội dung, công việc cần xử lý, thực hiện tiết kiệm tối thiểu 12% chi; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tiết kiệm chi và mua sắm tập trung đối với 5 mặt hàng theo Quyết định số 138 của UBND tỉnh... với số kinh phí tiết kiệm được là 173,2 tỷ đồng.

THTK, CLP trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ.

Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai THTK, CLP; biểu dương, khích lệ đối với tập thể, cá nhân tiêu biểu thực hiện THTK, CLP; tích cực đấu tranh, phê phán hành vi tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách, tài sản, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Được đánh giá là địa phương có nhiều chuyển biến trong THTK, CLP, huyện Yên Lạc đã xây dựng kế hoạch THTK, CLP chi tiết đến từng nội dung và làm tốt việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đến mỗi cơ quan, đơn vị.

Trong bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản, huyện thực hiện đúng nguyên tắc tập trung, ưu tiên phân bổ cho các dự án thực sự cần thiết, dự án hoàn thành chưa quyết toán và dự án chuyển tiếp, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư để bảo đảm cho các dự án được thực hiện hiệu quả, tiết kiệm.

Ngoài tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí chi cho hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời, tiết kiệm thêm được 10% chi thường xuyên khác.

Với đặc thù huyện miền núi, số thu ngân sách cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa thực sự sôi động, song, Lập Thạch luôn quan tâm đến việc xây dựng, thực hiện có hiệu quả chương trình THTK, CLP trên địa bàn.

Ngoài thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, cấp phép xây dựng…, huyện chủ trương siết chặt việc quản lý tài nguyên, khoáng sản; tích cực kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác trái phép…

Kịp thời xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến THTK, CLP; đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình THTK, CLP của tỉnh còn đứng trước nhiều khó khăn.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, khiến thu ngân sách gặp khó khăn, dự kiến hụt thu rất lớn; một bộ phận người lao động thiếu việc làm, đang cần sự trợ giúp kịp thời của các cấp ủy Đảng và chính quyền; các đơn vị sản xuất - kinh doanh cần lấy lại đà tăng trưởng, nhất là ở các lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ…

Cùng với đó là những hạn chế xuất phát từ nguyên nhân chủ quan ở một số ngành, địa phương trong thực hiện THTK, CLP. UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp trọng tâm cũng như phương hướng nhiệm vụ công tác THTK, CLP thời gian tới trên cơ sở đánh giá, nhìn nhận rõ nguyên nhân, đúc rút bài học kinh nghiệm từ thực tiễn.

Phát huy kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình THTK, CLP năm 2020 và cả giai đoạn 2017-2020, tháng 2-2021, Chương trình tổng thể của UBND tỉnh về THTK, CLP năm 2021 được ban hành.

Mục tiêu của Chương trình là thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần tạo nguồn lực để phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất