Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong quản lý đất đai ở Vĩnh Phúc

Với cấp cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai thì sự chủ động, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền có ý nghĩa quyết định trong việc quản lý đất đai, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm đất đai. Bởi vậy, phát huy vai trò của cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong quản lý đất đai đã được nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc áp dụng mang lại hiệu quả.

Đơn cử như ở Đảng bộ xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường. Trong khi nhiều địa phương khác của huyện như Chấn Hưng, Nghĩa Hưng, Tân Tiến, Đại Đồng tình trạng vi phạm về đất đai luôn diễn ra phức tạp thì tại xã Bình Dương, công tác quản lý đất đai khá hiệu quả. Kinh nghiệm của xã là phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong công tác quản lý đất đai. Đảng ủy xã đã chỉ đạo cán bộ, đảng viên vừa phải làm gương, vừa tích cực tuyên truyền, vận động người thân và người dân sử dụng đất đúng mục đích, hạn chế các trường hợp vi phạm lấn, chiếm đất đai trái phép. Đặc biệt, Đảng ủy xã đã kiện toàn lại ban chỉ đạo quản lý đất đai và tiểu ban quản lý đất đai của các khu dân cư. Trên tinh thần đó, các tiểu ban đã tuyên truyền tới người dân về Luật Đất đai, sử dụng đất đúng mục đích…


Sau khi được tuyên truyền, vận động gia đình anh Hạ Văn Phương (thôn Tứ Kỳ, xã Bình Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tự nguyện khắc phụ hậu quả vi phạm đất đai.

Cũng như xã Bình Dương, công tác quản lý đất đai luôn được cấp ủy, chính quyền xã Tam Hợp (huyện Bình Xuyên) quan tâm thực hiện. Đảng ủy xã thường xuyên ra các nghị quyết về việc thực hiện nhiệm vụ này và chỉ đạo tổ công tác của xã phối hợp với tổ công tác của huyện giải quyết triệt để những phát sinh mới về vi phạm lấn, chiếm đất đai trái phép; xã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp vi phạm từ sau ngày 1-7-2014. Cùng với tăng cường công tác quản lý đất đai, công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai cũng được cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt, hạn chế phát sinh điểm nóng phức tạp, khiếu nại tố cáo vượt cấp.

Còn ở thị trấn Hợp Châu (huyện Tam Đảo), việc tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết đất dịch vụ cho người dân đều được UBND xã giao nhiệm vụ cho cán bộ chuyên môn trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để đảm bảo đạt kết quả cao nhất. Sau đó kết quả từng vụ việc được báo cáo cụ thể, cả những kiến nghị của người dân cũng được giải quyết dứt điểm, cơ bản nhân dân rất đồng thuận.


 Giải tỏa công trình vi phạm tại xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc.

Từ thực tế cho thấy, công tác quản lý đất đai phụ thuốc rất nhiều vào sự quyết liệt, chủ động của đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền cơ sở. Nơi nào còn nể nang, buông lỏng thì nơi đó khó giải quyết dứt điểm những vi phạm về đất đai. Theo thống kê, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có trên 17.000 trường hợp vi phạm, vướng mắc về đất đai, trong đó có gần 13.100 trường hợp tự ý lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép; trên 600 trường hợp đã thu tiền sử dụng đất nhưng chưa được giao đất; trên 4.050 trường hợp chưa được công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong số gần 13.100 trường hợp tự ý lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, có đến gần 11.450 trường hợp vi phạm từ thời điểm 1-7-2014 trở về trước.

Để từng bước xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, năm 2019, Vĩnh Phúc đã triển khai Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Mục tiêu cụ thể của Đề án là từ năm 2019 đến 2021, chấm dứt các vụ việc vi phạm mới phát sinh; hết năm 2024 cơ bản giải quyết xong tình trạng vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai trái phép. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp ủy đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, nhất là cấp xã tăng cường công tác quản lý về đất đai; xử lý nghiêm túc, kiên quyết không để xảy ra trường hợp phát sinh mới xảy ra trên địa bàn; xử lý nghiêm các cán bộ tiếp tay, né tránh bỏ mặc sai phạm hoặc xử lý kiểu chỉ mang tính hình thức, làm cho đạt chỉ tiêu. Cùng với đó, các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn; phân loại rõ từng loại vi phạm theo từng thời điểm cụ thể để đề xuất biện pháp tháo gỡ, giải quyết phù hợp; xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể giải quyết các vụ việc cụ thể theo từng năm; chỉ đạo kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm không chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, không tự nguyện tháo dỡ, di dời trả lại hiện trạng trước khi vi phạm.


Xử lý vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Với quan điểm “dễ làm trước, khó làm sau”, nhằm mục tiêu ngăn chặn và xử lý kịp thời, tiến tới chấm dứt các vụ việc vi phạm mới phát sinh, kiên quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm, huyện Vĩnh Tường đã là địa phương đi đầu trong việc ngăn chặn và xử lý các vi phạm về đất đai. Toàn huyện đã xử lý 81/94 trường hợp vi phạm đất đai mới phát sinh trong năm 2019; tổ chức tháo dỡ, xử lý 91/2.845 trường hợp vi phạm từ 1-7-2014 trở về trước với diện tích xử lý 0,9ha. Các vụ lấn chiếm đất đai đều được huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và các xã, thị trấn theo dõi, nắm sát, chỉ đạo xử lý kịp thời mọi cá nhân vi phạm, đảm bảo không phát sinh mới, giải quyết các tồn tại về đất đai đảm bảo theo kế hoạch của tỉnh.

Triển khai thực hiện tốt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai của tỉnh, kết hợp với việc phát huy tốt vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đến nay, hầu hết các địa phương đều không phát sinh mới trường hợp vi phạm đất đai. Nhiều huyện, thành phố như: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Vĩnh Tường, Tam Đảo, Yên Lạc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và tổ chức nhiều đợt ra quân, xử lý nghiêm các vi phạm.

Sự mạnh tay và không có vùng cấm trong xử lý các vi phạm về đất đai đã giúp chất lượng công tác quản lý, sử dụng đất đai ở các địa phương trong tỉnh ngày càng được nâng lên. Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, 2017-2020, cơ quan chức năng đã lập hồ sơ xử lý hơn 7.000 trường hợp tự ý lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép với diện tích 240,66ha. Trong đó, có trên 5.000 trường hợp vi phạm từ ngày 1-7-2014 trở về trước, đạt khoảng 48%; hơn 1.400 trường hợp vi phạm sau ngày 1-7-2014, đạt gần 89%.

Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên từ cơ sở, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt những kết quả tích cực trong quản lý đất đai, kịp thời ngăn chặn, xử lý hiệu quả các vi phạm, đưa việc quản lý đất đai đi vào nền nếp. Đây là tiền đề quan trọng để Vĩnh Phúc tiếp tục đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường trong nhiệm kỳ tới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất