Quầy giao dịch của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tại Trung tâm Hành chính công tiếp đón khách hàng.
Thực hiện Kế hoạch số 10130/KH-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về cải cách hành chính tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018; Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 19-7-2012 của HĐND tỉnh về thông qua Chương trình cải cách hành chính tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 3674/QĐ-UBND ngày 22-12-2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực và thực hiện nhiều giải pháp để đạt mục tiêu cải cách hành chính của tỉnh.
Với sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp cùng việc ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, Vĩnh Phúc đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân hướng tới thực hiện mục tiêu trở thành thành phố văn minh, hiện đại.
Là một trong những ngành có liên quan trực tiếp tới việc giải quyết các chế độ chính sách cho người dân, những năm qua, Ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định cải cách hành chính là giải pháp quan trọng và hiệu quả để phục vụ người dân được tốt hơn. Từ năm 2012, Bảo hiểm xã hội tỉnh thành lập bộ phận "một cửa", có khoảng gần một triệu hồ sơ được giải quyết qua bộ phận này mỗi năm. Để cải cách thủ hành chính sâu hơn một bước, từ năm 2015, ngoài bộ phận "một cửa", Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tiếp nhận và trả hồ sơ qua dịch vụ bưu điện và giao dịch điện tử.
Những nỗ lực cải cách hành chính của Ngân hàng nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ trong nội bộ Chi nhánh mà triển khai trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đã góp phần khơi thông dòng vốn ngân hàng, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Hiện nay 100% thủ tục hành chính về các lĩnh vực ngân hàng được tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” cùng với việc tích cực đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cán bộ, công chức đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Trong đó, đa số hồ sơ đã giải quyết trước hạn, không có hồ sơ giải quyết chậm, trả lại…
Chất lượng cải cách hành chính được nâng cao và chuyên nghiệp hơn với việc thực hiện Quy chế xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 từ năm 2014. Theo đó, các phòng chuyên môn rà soát, bổ sung, cập nhập các quy trình thủ tục hành chính, quy trình nội bộ trong trường hợp văn bản quy định về thủ tục hành chính hoặc quy định về công việc nội bộ có liên quan. Việc sửa đổi, bổ sung thay thế và bãi bỏ các quy trình không phù hợp theo Quy chế ISO của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện đồng bộ.
Tại các phòng tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa" của cơ quan đã niêm yết công khai danh mục thủ tục hành chính, các mẫu biểu áp dụng để giải quyết hồ sơ hành chính, các khoản thu phí và lệ phí (nếu có) trong các lĩnh vực ngân hàng. Quy trình, thủ tục hành chính, các chủ trương, chế độ chính sách liên quan đến ngân hàng được công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân dễ dàng tìm hiểu và tiếp cận thông tin liên quan đến thủ tục hành chính, hạn chế đi lại nhiều lần.
Một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng triển khai là thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại các cơ quan hành chính nhà nước. Đến nay, toàn bộ cơ quan, đơn vị ở cả ba cấp với 21 sở, ngành; 9 huyện, thành, thị và 137 xã, phường, thị trấn đã thành lập bộ phận một cửa. Toàn tỉnh có 1.652 trong số 1.724 thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Riêng ở cấp huyện và cấp xã, toàn bộ thủ tục hành chính được giải quyết tại bộ phận "một cửa".
Công chức "một cửa" thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Về chính quyền điện tử, theo kế hoạch, trong hai năm 2017-2018, tỉnh triển khai khoảng 700 thủ tục hành chính mức độ 3 và 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cơ chế "một cửa liên thông" được thực hiện ở bảy đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư (lĩnh vực cấp đăng ký kinh doanh); Sở Tư pháp (lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp); Sở Tài nguyên và Môi trường (lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài); Sở Nội vụ (lĩnh vực thi đua khen thưởng); Sở Ngoại vụ (lĩnh vực cấp phép sử dụng thẻ đi lại của doanh nhân APEC); Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (lĩnh vực cấp phép quảng cáo); Văn phòng UBND (lĩnh vực xúc tiến và hỗ trợ đầu tư)...
Ngoài ra, để xây dựng nền hành chính hiện đại, văn minh, tỉnh đã xây dựng và triển khai đồng bộ bốn ứng dụng dùng chung quan trọng gồm: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ, cổng thông tin điện tử và phần mềm ứng dụng tại bộ phận "một cửa". Toàn tỉnh hiện có 35 đơn vị, địa phương triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Thống kê năm 2017 của UBND tỉnh cho thấy, tỷ lệ văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng trong nội bộ UBND tỉnh đạt 75%; giữa các cơ quan trong tỉnh 25%; giữa UBND tỉnh với cơ quan bên ngoài địa phương là 20%.
Phần mềm ứng dụng dùng chung đang áp dụng giải quyết tại bộ phận "một cửa" các cấp với 1.522 thủ tục hành chính thuộc 141 lĩnh vực với hơn 18.856 quy trình giải quyết khác nhau. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng khi kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Vĩnh Phúc cho biết: Đây là tỉnh đầu tiên triển khai được phần mềm đồng bộ tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, bảo đảm liên thông theo "chiều ngang", "chiều dọc" khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời, bảo đảm không có sự cắt khúc về thông tin hồ sơ. Điều này mang lại hiệu quả lớn trong giải quyết công việc; tăng cường tính công khai, minh bạch khi thụ lý và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Từ tháng 5-2017, UBND tỉnh ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 1.0. Đồng thời, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với 34 dịch vụ công cấp tỉnh tại 13 sở, ngành, bốn dịch vụ công tại chín huyện, thành phố, thị xã và bốn dịch vụ công cấp xã tại 137 xã, phường, thị trấn. Trên nền tảng công nghệ mới, hiện đại, tích hợp cổng thanh toán, chữ ký số trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch, tiết kiệm, thuận tiện, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh.
Trung tâm hành chính công của tỉnh Vĩnh Phúc đi vào hoạt động và trung tâm hành chính công của các địa phương đang được tiến hành xây dựng sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm kịp thời đánh giá, xác định và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn, ngày 24-10-2018 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 8263/KH-UBND về việc xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; rà soát để cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức nhiều diễn đàn, chương trình xúc tiến đầu tư hiệu quả, trong đó chú trọng đến hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh và các mô hình mới, cách làm hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ đó, tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 35%. Thời gian thành lập doanh nghiệp được duy trì trong ba ngày làm việc, thời gian cấp quyết định chủ trương đầu tư cấp tỉnh không quá 25 ngày, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không quá 15 ngày. Các thủ tục đầu tư nước ngoài đều thực hiện đăng ký qua mạng. Ngoài ra, tỉnh chủ động đẩy mạnh các dịch vụ liên quan quá trình khởi sự doanh nghiệp nhằm giảm bớt số lần đi lại, tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp; thực hiện trả kết quả đăng ký kinh doanh tại nhà hoặc trụ sở doanh nghiệp qua đường bưu điện, đăng ký số tài khoản ngân hàng nhanh chóng.
6 tháng đầu năm 2019 thu hút vốn đầu tư cao hơn so với cùng kỳ năm 2018; doanh nghiệp được thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ, có 570 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 4,348 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 6-2019, toàn tỉnh có 10.142 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký hơn 93 nghìn tỷ đồng, trong đó có 7.302 doanh nghiệp thực tế hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cho biết: Vĩnh Phúc đã có nhiều cố gắng cải cách hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng hiện đại hóa, chuyên môn hóa. Qua đó, góp phần tích cực làm thay đổi mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, tổ chức; giúp chính quyền gần dân hơn, từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh phát triển tích cực trên hầu hết các lĩnh vực tỉnh. Kết quả nổi bật, năm 2019 tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) ước đạt 8,66% (kế hoạch tăng 8-8,5%). Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng tiếp tục là động lực, giữ vai trò chủ lực trong tăng trưởng của tỉnh với mức tăng 12,99%, đóng góp 6,65 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh. Các lĩnh vực dịch vụ tăng 7,11% đóng góp 1,4 điểm % tăng trưởng chung của tỉnh. Quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh ước đạt 104,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% và tương đương tăng 10 nghìn tỷ đồng so với năm 2018, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 90,5 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng/người/năm so với năm 2018.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp từ 8,28% năm 2018 còn 7,28% năm 2019 và tăng khu vực công nghiệp– xây dựng từ 62,15% lên 63,25%. Khu vực dịch vụ giảm từ 29,57% còn 29,47% do tăng trưởng thấp hơn khu vực công nghiệp - xây dựng.
Năm 2020, tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát: Khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu thu hút đạt 550 triệu USD vốn FDI và 5.500 tỷ đồng vốn DDI…
Những nỗ lực trong cải cách hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng hiện đại hóa, chuyên môn hóa của Vĩnh Phúc thời gian qua khá đồng bộ, qua đó, góp phần tích cực làm thay đổi mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, tổ chức; giúp chính quyền gần dân hơn, từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thanh Xuân (tổng hợp)