Thứ Bảy, 14/12/2019 21:26'(GMT+7)
Vĩnh Phúc đẩy mạnh Chương trình Khuyến nông tỉnh giai đoạn 2020-2025
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa phê duyệt Chương trình Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu tạo ra lợi thế so sánh các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Cây bưởi diễn đang mang lại nguồn thu lớn cho nhiều hộ nông dân tỉnh Vĩnh Phúc. Trong ảnh: Ông Đỗ Văn Kim, xã Trung Kiên (Yên Lạc) kiểm tra lứa bưởi Diễn sắp đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Khánh Linh
Chương trình Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025 nhằm chuyển mục tiêu sản xuất nông nghiệp từ gia tăng sản lượng sang nâng cao chất lượng, tạo ra giá trị gia tăng cao và bền vững. Đồng thời, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản có lợi thế; góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn; bảo đảm an ninh lương thực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, nội dung chương trình tập chung vào một số công việc cụ thể như: Tập huấn TOT; xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn; lĩnh vực trồng trọt, xây dựng 4 mô hình: Mô hình chuyển đổi cây vườn tạp, cây lâm nghiệp, cây lúa, cây sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; mô hình thâm canh cây ăn quả; mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình mạ khay và cấy máy trong sản xuất lúa.
Lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng 6 mô hình: Phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà; phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng nâng cao giá trị; mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao; mô hình trồng cỏ chất lượng cao và chế biến thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi bò sữa cao sản; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn.
Lĩnh vực thủy sản, xây dựng 3 mô hình: Mô hình thủy sản ứng dụng công nghệ mới; mô hình nuôi thủy sản thâm canh gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm; mô hình nuôi cá lồng giá trị cao gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm và một số lĩnh vực khác với tổng kinh phí và định mức hỗ trợ thực hiện là 332.248,7 triệu đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước hỗ trợ là 163.502,0 triệu đồng và vốn đối ứng của người dân là 168.746,7 triệu đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện chương trình theo quy định./.
PV