Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị thông minh ở Vĩnh Phúc
Những “phố trong làng” mang dáng dấp đô thị hiện đại, văn minh ngày càng nhiều là thành quả của huyện Vĩnh Tường sau 10 năm xây dựng NTM.

Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; huy động các nguồn lực đầu tư cho ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn. Nhờ vậy, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư khá đồng bộ; các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực được bảo đảm, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, diện mạo nông thôn từng ngày đổi mới.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, khu vực nông thôn của tỉnh còn tồn tại không ít hạn chế như: Hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, hạ tầng cơ sở không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội, thiếu lao động có tay nghề, thu nhập của người nông dân còn thấp… Chính vì vậy, đến hết năm 2010, đánh giá theo mức độ đạt chuẩn của 112 xã trong tỉnh theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thì chỉ có 14 xã trên địa bàn đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 80 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, còn lại đạt dưới 5 tiêu chí.

Bắt tay vào xây dựng NTM, chỉ trong mấy năm đầu thực hiện, HĐND tỉnh đã ban hành tới 31 nghị quyết về cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, gắn với các nội dung tiêu chí xây dựng NTM. Kèm theo đó, UBND tỉnh cũng ban hành 41 quyết định nhằm cụ thể hóa các nghị quyết trên.

Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về xây dựng, kiện toàn bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và điều kiện thực tế tại địa phương, tỉnh đã thành lập và thường xuyên kiện toàn bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình từ tỉnh đến cấp xã, thôn.

Công tác tuyên truyền, vận động luôn được các cấp, ngành xác định là nhiệm vụ quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều nhận thức đầy đủ được trách nhiệm của mình, từ đó tích cực và chủ động tham gia. Bên cạnh việc ban hành kế hoạch tuyên truyền xây dựng NTM, UBND tỉnh còn chủ động bố trí nguồn kinh phí đầy đủ và kịp thời để cấp cho các đầu mối tổ chức. Từ đó, các đầu mối đã triển khai tuyên truyền một cách có hệ thống, đúng trọng tâm, trọng điểm với nhiều nội dung và hình thức phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực.

Thống kê sơ bộ cho thấy, kể từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến nay, tổng nguồn lực huy động trên toàn địa bàn tỉnh lên tới gần 13 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương chiếm tới hơn 60%, người dân tự nguyện đóng góp khoảng 635 tỷ đồng.

Tính đến tháng 11-2019, toàn tỉnh đã có 109/112 xã đạt chuẩn NTM (bằng 97%). Có 4 huyện, thành phố đạt chuẩn, được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Điều đặc biệt là, bên cạnh việc cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM thì những tiêu chí quan trọng nhất đều cán đích ở mức cao, thậm chí cao hơn bình quân cả nước. Có thể kể đến tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm còn 2,11%, thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 92%, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch lên đến 98%...

Nhờ những kết quả mang tính đột phá trên, công tác xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa đã mang lại nhiều thành quả đáng khích lệ, có ý nghĩa xã hội cao, đặc biệt là trong lĩnh vực gia tăng, phát triển các điểm dân cư tập trung trên địa bàn. Quá trình lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch xây dựng NTM, các xã dù nằm ngoài vùng quy hoạch nhưng nếu có tốc độ đô thị hóa cao cũng vẫn được xem xét xây dựng thành các khu dân cư mới có tiềm năng, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các xã nằm trong vùng quy hoạch đô thị đều chú trọng công tác cải tạo, mở rộng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước…, xây dựng khu dân cư theo hướng đô thị.

Về phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các xã có làng nghề gây ô nhiễm cơ bản đều được quy hoạch vào các khu vực tập trung như Lý Nhân (Vĩnh Tường), Minh Tân (Yên Lạc), Thanh Lãng (Bình Xuyên). Về phát triển dịch vụ thương mại, 99% các xã có chợ trong quy hoạch được hoàn thành xây dựng, cải tạo và đưa vào sử dụng.

Về phát triển hạ tầng khung đô thị, hệ thống cấp nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế được triển khai mạnh mẽ; hệ thống giao thông có sự liên kết thông suốt từ quốc lộ đến đường liên thôn, xã; hệ thống điện được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo và lắp mới đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; hệ thống bưu chính viễn thông ngày càng đồng bộ và hiện đại. Đặc biệt, hệ thống trường học các cấp, cơ sở y tế, văn hóa được xây dựng kiên cố, hiện đại, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và xu hướng đô thị hóa của xã hội.

Từ những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM, gắn với công tác đô thị hóa, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm quý sau:

Xây dựng, triển khai các mô hình điểm, từ đó có thể đánh giá ưu điểm, hạn chế, kịp thời điều chỉnh, khắc phục hạn chế, phát huy ưu điểm và nhân rộng ra toàn địa bàn.
Công tác chỉ đạo, điều hành phải sâu sát, quyết liệt, phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng cấp, ngành, cá nhân, tổ chức; phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân vì đây là nhân tố quyết định đến sự thành công và bền vững của công cuộc xây dựng NTM.
Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, có cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời và đúng mức.
Làm tốt công tác huy động các nguồn lực từ địa phương, đồng thời việc này cần được thể hiện công khai, minh bạch, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân…



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất