Vĩnh Phúc: Khắc phục bất cập, duy trì các động lực tăng trưởng kinh tế
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại Hội nghị.

Các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

6 tháng đầu năm, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành gần 700 văn bản để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy các cấp cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết, quy định, kết luận, xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án, cơ chế, chính sách cụ thể, cân đối các nguồn lực để tổ chức thực hiện.

Trong 6 tháng, toàn tỉnh kết nạp được 1.016 đảng viên, phát triển được 12 tổ chức đảng trong doanh nghiệp hoặc đơn vị kinh tế tập thể; chuyển giao 16 tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai bảo đảm đúng tiến độ. Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

Về phát triển kinh tế, 6 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 16.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt hơn 13.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư các dự án FDI đạt gần 360 triệu USD, tăng 60,5% so với cùng kỳ, đạt 90% kế hoạch năm; thu các dự án DDI đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ, vượt 2,2 lần kế hoạch năm.

Trong 6 tháng, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 2.900 tỷ đồng, đạt cao so với bình quân chung cả nước. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, đẩy mạnh, tỉnh đang triển khai quyết liệt Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 11.000 lao động, đạt gần 68% kế hoạch năm; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được củng cố, giữ vững.

Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm, những khó khăn, thách thức Vĩnh Phúc phải đối diện trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Từ đó, đề xuất các định hướng, giải pháp thiết thực để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến nhiều lĩnh vực như công tác tư tưởng, định hướng dư luận; công tác cán bộ và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; phát triển công nghiệp; thu hút đầu tư.

Tái định cư cho các công trình dự án; tình trạng thiếu điện sản xuất và sinh hoạt; quy hoạch và xây dựng hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc; xây dựng nông thôn mới nâng cao, Làng văn hóa kiểu mẫu; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh; chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân…

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định những thành công Vĩnh Phúc đạt được trong thời gian qua là kết quả từ những nỗ lực, quyết tâm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tháo gỡ, khắc phục khó khăn để từng bước vươn lên.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những thách thức Vĩnh Phúc phải đối diện, từ đó yêu cầu các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần phát huy vai trò lãnh đạo, khẩn trương có giải pháp khắc phục tình trạng tăng trưởng kinh tế thấp.

Tập trung lãnh đạo trên tinh thần vừa phải giải quyết tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao, vừa phải xử lý hiệu quả với các vấn đề tồn đọng kéo dài và kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, vấn đề mới phát sinh, khắc phục những bất cập duy trì các động lực tăng trưởng hiện có như các lĩnh vực ô tô, xe máy, điện tử, đầu tư công, thương mại dịch vụ.

Nắm chắc tình hình hoạt động của các động lực tăng trưởng chính của tỉnh, tham khảo các dự báo của Chính phủ, các tổ chức kinh tế lớn để kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải pháp phù hợp, hiệu quả phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Chú trọng đảm bảo thực hiện tốt, đầy đủ các chính sách với người có công, chính sách bảo trợ xã hội, an sinh xã hội; chủ động linh hoạt kết nối cung - cầu lao động để giới thiệu việc làm cho người dân, lao động cho doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường công tác tuần tra, trấn áp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước mắt, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần tập trung vào 3 nhóm lĩnh vực là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Trong đó, về tiêu dùng thúc, đẩy các hoạt động thương mại dịch vụ, thu hút tổ chức các hoạt động hội chợ thương mại, triển lãm, thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; đảm bảo đầy đủ nguồn cung điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Về đầu tư, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư FDI, DDI, tập trung đầu tư hoàn thành các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư; đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung của các thành phố, quy hoạch các vùng huyện, quy hoạch phân khu để có cơ sở pháp lý triển khai các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%. Quản lý chặt chẽ, gắn với tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhất là các dự án bất động sản, dự án đô thị lớn, trọng điểm.

Về xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp với xúc tiến đầu tư, phấn đấu có thêm các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của Vĩnh Phúc xuất khẩu ra nước ngoài.

Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí cho người dân doanh nghiệp.

Đối với công tác xây dựng Đảng và hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chú trọng thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đảng viên, đoàn viên, hội viên; bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương để vận động nhân dân và tổ chức thực hiện các chính sách hiệu quả.

Tăng cường các hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực, kịp thời xử lý, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc đã được chỉ ra và chủ động làm tốt hơn trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực... phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.

Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh cơ cấu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; thực hiện quy trình công tác nhân sự để kiện toàn bổ sung Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất