|
Chỉ tiêu kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tháng 2-2024.
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc.
|
Vĩnh Phúc là địa phương có kinh tế - xã hội phát triển năng động ở vùng Đồng bằng sông Hồng; là một trong những tỉnh, thành phố có đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trung ương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu: Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững với thu nhập bình quân đầu người đạt 130-135 triệu đồng năm 2030; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường năm 2045. Phấn đấu thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã kiên trì thực hiện các giải pháp, trong đó có những giải pháp đột phá về quản trị nhà nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển ở địa phương.
Nhìn lại giai đoạn 2015-2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế của địa phương đã có bước tăng trưởng khá, quy mô nền kinh tế năm 2020 tăng 1,56 lần so với năm 2015. Vĩnh Phúc là tỉnh có số thu nội địa đứng trong tốp đầu của cả nước. Phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều tiến bộ. Các đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng được thực hiện có hiệu quả là những yếu tố cơ bản góp phần vào việc đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương(1). Những kết quả đó đã tạo đà để Vĩnh Phúc tiếp tục vươn lên, đạt những thành tựu mới trong thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, những giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đã góp phần huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, đưa Vĩnh Phúc từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trong giai đoạn từ nay đến 2030, tầm nhìn 2045.
Cải thiện, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước
Bản chất của việc cải thiện, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước là các hoạt động của các cấp chính quyền từ Trung ương tới cơ sở tập trung vào việc tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách. Đó là yếu tố quan trọng để cải thiện, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, một trong những đột phá chiến lược quan trọng là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, …tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách… nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; …sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển (2).
Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã thực hiện đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh thông qua chỉ số PAPI. Chỉ số này được đo lường dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương. Đây là công cụ theo dõi, giám sát năng lực điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương; giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, phục vụ người dân tốt hơn. Việc nghiên cứu chỉ số PAPI nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Đảng và Nhà nước quyết tâm xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền với nguyên tắc kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Giai đoạn 2021-2022 là 2 năm đầu tiên Vĩnh Phúc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh. Địa phương đã đạt được những kết quả tích cực về cải thiện, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước. Năm 2022, với sự nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác quản trị và thực thi các chính sách, cung cấp dịch vụ công đáp ứng nhu cầu của người dân, Vĩnh Phúc lọt tốp 16 tỉnh, thành có chỉ số PAPI cao nhất cả nước với tổng điểm 44,30. Trong đó, cả 8 chỉ số nội dung của tỉnh đều có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2021; 5/8 chỉ số nội dung của tỉnh thuộc nhóm các địa phương có thứ hạng cao. Đáng chú ý, với 8,31 điểm, Vĩnh Phúc xếp hạng cao nhất cả nước về chỉ số Cung ứng dịch vụ công.
Tuy vậy, kết quả chỉ số nội dung về “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Quản trị môi trường” và “Quản trị điện tử” của Vĩnh Phúc còn tương đối thấp, đặt ra yêu cầu cho đảng bộ, chính quyền các cấp quan tâm cải thiện, nâng cao kết quả các chỉ số để có thể tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đạt được các mục tiêu phát triển do Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh đề ra.
Phát triển nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một trong ba đột phá chiến lược trong đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng trong hơn mười năm vừa qua. Những đột phá chiến lược này tiếp tục được cụ thể hóa trong văn kiện của Đại hội XIII của Đảng. Việc tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực được coi là đột phá chiến lược thứ hai trong giai đoạn từ nay đến 2030, tầm nhìn 2045(3).
Năm 2013, BCH Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết 29 đã đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ học vấn cho các nhóm dân số trong độ tuổi đi học phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn phát triển hiện nay của địa phương khi Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025, có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững với thu nhập bình quân đầu người đạt 130-135 triệu đồng năm 2030.
Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, ở Vĩnh Phúc, các chỉ báo về phát triển giáo dục THCS của tỉnh cao hơn so với mức trung bình của cả nước. Theo đó, các nhóm dân số ở độ tuổi 15-19 và 20-24 ở Vĩnh Phúc có tỷ lệ tốt nghiệp THCS tương ứng là 89,5% và 97,0%, cao hơn trung bình cả nước (cả nước là 82,1% và 86,9%). Tỷ lệ dân số sinh năm 2001-2003 đang đi học THPT ở thời điểm điều tra trên phạm vi cả nước là 68,3%; Vĩnh Phúc đạt 83,3%(4).
Nghị quyết 29 của Trung ương đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương(5). Như vậy, Vĩnh Phúc đã đạt được mục tiêu có hơn 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương vào năm 2022. Đây là một tiền đề quan trọng để Vĩnh Phúc có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025.
Yêu cầu và giải pháp
Việc quan tâm cải thiện, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước là yếu tố quan trọng để huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển. Trong đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, hay nói cách khác là nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là một trong những giải pháp quan trọng.
Trong 8 nội dung của chỉ số PAPI 2022, Vĩnh Phúc còn 3/8 chỉ số nội dung còn tương đối thấp là “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Quản trị môi trường” và “Quản trị điện tử”. Trong đó nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” có liên quan trực tiếp tới việc triển khai tổ chức thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Việc tổ chức thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là yếu tố trực tiếp góp phần huy động sự tham gia tích cực của đông đảo người dân vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Mức độ tham gia tích cực của người dân có mối liên hệ chặt chẽ với mức độ hài lòng đối với các hoạt động thường xuyên, hằng ngày của các cấp chính quyền. Người dân luôn mong đợi bộ máy chính quyền thực hiện tốt, hiệu quả các hoạt động phục vụ nhân dân, đảm bảo công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân.
Chỉ số PAPI về nội dung “Quản trị điện tử” phản ánh kết quả thực hiện chương trình chuyển đổi số ở các địa phương. Chỉ số này ở Vĩnh Phúc hiện còn thấp. Là địa phương có mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển vào năm 2025, Vĩnh Phúc cần quan tâm dành các nguồn lực thỏa đáng để thúc đẩy thực hiện các chương trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản trị điện tử để tăng thêm các nguồn lực cho phát triển của địa phương.
Với các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, Vĩnh Phúc cần đặt ra các mục tiêu cụ thể về tăng mức đầu tư ngân sách nhà nước cho việc đẩy mạnh phát triển giáo dục. Cần thực sự coi giáo dục và đào tạo là quốc sách, là động lực phát triển của địa phương. Trong xây dựng các kế hoạch trung hạn và dài hạn phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần đảm bảo ưu tiên đầu tư chi cho phát triển giáo dục, đào tạo từ ngân sách nhà nước tối thiểu ở mức 20% trở lên và cân đối theo hướng tăng lên một cách ổn định.
Vĩnh Phúc là địa phương có tỷ trọng dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng với hơn 55.000 đồng bào dân tộc thiểu số(6). Do đó, mức chi ngân sách nhà nước hàng năm cho giáo dục và đào tạo cần được ưu tiên hơn cho các khu vực nông thôn, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lãnh đạo địa phương cần chỉ đạo việc lồng ghép các hoạt động của 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn từ nay đến 2030 với các mục tiêu phát triển giáo dục cụ thể của các huyện, như thực hiện phổ cập giáo dục THCS bắt buộc; hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo gắn với việc tạo điều kiện cho trẻ em đi học hết bậc THCS trở lên; đưa các tiêu chí về phát triển giáo dục vào bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, v.v.
Tài liệu tham khảo
(1) Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
(2), (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.53, tr.54.
(4), (6) Tổng cục Thống kê: Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, NXB Thống kê, Hà Nội.
(5) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 về đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
TS. Hà Việt Hùng - TS. Nguyễn Thị Lan
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh