Chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc dù mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã ghi nhận những kết quả ngoài mong đợi khi đã có hàng chục khu thiết chế văn hóa - thể thao được khánh thành và đưa vào sử dụng. Ngoài nguồn lực từ ngân sách, sự tham gia ủng hộ, đóng góp tích cực về mọi mặt của người dân là yếu tố then chốt tạo nên thành công bước đầu của chương trình.
|
Người dân đóng góp ngày công xây dựng bồn hoa cây cảnh ở Làng văn hóa kiểu mẫu Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
|
Chỉ trong hơn 3 tháng triển khai, khu thiết chế văn hóa - thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Man Để rộng gần 6.000m2 nằm ở trung tâm thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc đã được khánh thành, đưa vào sử dụng.
Khu thiết chế được đầu tư nhà văn hóa rộng 600m2, được trang bị đồng bộ thiết bị, nội thất âm thanh, ánh sáng; đường dạo xung quanh; hệ thống dụng cụ thể dục - thể thao ngoài trời; 1 sân bóng đá nhân tạo, 2 sân bóng chuyền kết hợp sân cầu lông được chỉnh trang, làm mới.
Điều đáng nói là gần như toàn bộ diện tích xây dựng khu thiết chế văn hóa - thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Man Để được người dân các thôn đồng thuận hiến đất để thực hiện.
Ngoài hiến đất, người dân còn đóng góp hơn 500 ngày công lao động. Đồng thời, chủ động chỉnh trang nhà cửa, tường rào, sân vườn; vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng đường hoa, hệ thống đường trục xóm, hệ thống rãnh thoát nước thải đáp ứng các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu.
Không phải ngẫu nhiên mà giữa khu vực đô thị đất đai chật chội, đắt đỏ người dân lại tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Điều này có thể khẳng định là người dân đã nhận thấy chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là vì lợi ích của chính mình nên tự giác, tự nguyện tham gia.
Chị Nguyễn Thị Hương, người dân làng Man Để chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng khi địa phương được đầu tư một khu văn hóa thể thao sinh hoạt cộng đồng rộng đẹp, hiện đại chẳng khác gì với các khu công viên ở thành phố, thị xã như thế này.
Nhận thức rõ đây là sự quan tâm của tỉnh để từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, gắn kết cộng đồng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội cho người người, nên ngay khi được tuyên truyền chủ trương về kế hoạch xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở địa phương, người dân chúng tôi đều rất ủng hộ. Sau khi bàn bạc, thống nhất trong các thôn dân cư và những gia đình có đất trong diện tích xây dựng khu thiết chế văn hóa - thể thao, chúng tôi đã nhất trí hiến toàn bộ diện tích đất để tạo thuận lợi nhất cho việc xây dựng và hoàn thành công trình”.
Mặc dù không cần hiến đất như xây dựng khu thiết chế văn hóa - thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Man Để, nhưng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các tiêu chí Làng văn hóa kiểu mẫu Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, người dân địa phương lại có những cách ủng hộ, tham gia khác.
Cụ thể, người dân đã tự nguyện đóng góp gần 100 triệu đồng tiến hành dọn dẹp toàn bộ khuôn viên khu thiết chế văn hóa - thể thao, mua cây hoa, cây cảnh trồng tại các khu vực công cộng tạo dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, trồng 1.000 cây lát hoa dọc các tuyến đường trên địa bàn thôn, 400 cây keo làm tường rào nghĩa trang nhân dân; huy động hơn 2.500 ngày công lao động vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cải tạo hệ thống đường trục xóm, rãnh thoát nước thải…
Đồng chí Lữ Thị Minh, Bí thư Chi bộ thôn Bàn Mạch cho biết: "Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân trong thôn đã thấy được chủ trương lớn của tỉnh hướng đến người dân, để mọi người đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh. Cùng với đó, việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống ở mỗi địa phương, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, mà còn mở ra cơ hội, bước phát triển mới cho các làng nghề truyền thống.
Chính vì vậy, người dân trong thôn đều phấn khởi, đồng thuận tham gia tích cực, đóng góp tiền của, ngày công lao động; tự giác chỉnh trang nhà cửa, nỗ lực phát triển kinh tế để hoàn thành các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Không chỉ ở 2 làng văn hóa trên, tại các địa phương khác đang tiến hành xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, các phong trào, hoạt động tham gia đóng góp tiền của, công sức của người dân cũng sôi nổi không kém. Theo thống kê sơ bộ, người dân các địa phương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu hiện đã ủng hộ số tiền hơn 6 tỷ đồng; hiến gần 13 nghìn m2 đất; đóng góp gần 8.000 ngày công lao động, cùng với các trang thiết bị vật chất khác, cây hoa, cây cảnh, ghế đá trị giá hàng trăm triệu đồng để xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Có thể nói, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngay từ khi bắt đầu đến nay đã nhận được sự đồng thuận rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp và quan trọng hơn cả đó là sự đoàn kết, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân. Việc người dân tham gia nhiệt tình minh chứng cho chủ trương lớn của tỉnh hợp lòng dân, vì quyền lợi người dân, hướng đến người dân nên huy động được sức mạnh to lớn trong nhân dân.
Nguyễn Khánh