Chung tay phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình
Bắt tay Hội Nông dân giải “bài toán khó”

Với hơn 63.000 hội viên, việc hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu và BHXH tỉnh hứa hẹn “vụ mùa bội thu” trong năm 2018 về phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình và BHXH tự nguyện.

Chung tay xây “mái ấm an sinh”

Bạc Liêu, xứ sở đang trở nên nổi tiếng tại khu vực ĐBSCL với mỹ danh “thủ phủ ngành tôm”, nơi khu vực nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong nền kinh tế. Toàn tỉnh có hơn 63.000 hội viên nông dân, với các thành phần nông- lâm- ngư- diêm nghiệp luôn chăm chỉ lao động, sáng tạo để tạo ra sản lượng tôm, lúa… khổng lồ với giá trị xuất khẩu đứng nhất, nhì khu vực Tây Nam bộ. Mặc dù diện tích nuôi tôm tại Bạc Liêu không rộng lớn như một số địa phương láng giềng, song sự chủ động và sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp tại đây, với các mô hình nuôi tôm công nghệ cao tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, đã giúp địa phương vươn lên vị trí “thủ phủ ngành tôm”. 

Một buổi tập huấn nghiệp vụ BHXH, BHYT cho hội viên nông dân.

Không chỉ chủ động và sáng tạo trong sản xuất, nông dân ở Bạc Liêu, thông qua Hội Nông dân tỉnh, còn thể hiện tinh thần ấy trong nỗ lực giúp tỉnh nhà thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có chỉ tiêu tham gia BHXH, BHYT. Hồi giữa năm 2017, “chộp thời cơ” Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và BHXH Việt Nam ký kết hợp tác với những chỉ đạo “chung tay, chung lòng, thiết thực, hiệu quả” cùng thực hiện nhiệm vụ chung, BCH Hội Nông dân tỉnh đã lập tức “ngồi lại” với BHXH tỉnh để vạch kế hoạch...

Về phía BHXH tỉnh Bạc Liêu, đây thực sự là “cơ hội vàng” không thể bỏ lỡ. Cũng vì thế, dù biết còn vô vàn gian nan, nhưng BHXH tỉnh luôn tận lực tư vấn, hỗ trợ bằng mọi nguồn lực có thể. Kết quả là một văn bản khẳng định 2 đơn vị trở thành “đối tác toàn diện” nhanh chóng ra đời, với mục tiêu ngắn hạn (xây dựng lực lượng đại lý thu BHXH, BHYT từ hội viên chủ chốt) và dài hạn (khai thác hiệu quả BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện đối với toàn bộ hội viên).

Sau khi trở thành “đối tác toàn diện”, BHXH tỉnh Bạc Liêu lập tức hành động bằng việc tổ chức nhiều khóa tập huấn nghiệp vụ. Kết quả, đến cuối năm 2017, gần 100 nông dân do Hội Nông dân tỉnh giới thiệu đã được tập huấn, trở thành đại lý thu, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu đề ra là khai thác, phát triển đối tượng thuộc khu vực nông- lâm- ngư- diêm nghiệp tham gia BHYT hộ gia đình và BHXH tự nguyện.

Cận Tết 2018, trong niềm hân hoan Xuân về, lãnh đạo Hội Nông dân và BHXH tỉnh Bạc Liêu đều phấn khởi trước kết quả hợp tác. “Vì nhiệm vụ chung, cùng nhau phát triển kinh tế- xã hội và chăm lo an sinh xã hội, chúng tôi đã bắt tay xây ngôi nhà chung. Ngôi nhà an sinh xã hội này dẫu mới xong phần thô, còn phải hoàn thiện nội thất nữa, nhưng chúng tôi tin ngôi nhà ấy sẽ sớm trở thành mái ấm an sinh của nông dân Bạc Liêu”- bà Trần Thị Hằng- Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội (Hội Nông dân tỉnh) phấn khởi chia sẻ.

Nhiều tín hiệu tích cực

Cả người trong cuộc và chúng tôi- vốn có duyên may trở thành “quan sát viên” chương trình “đối tác toàn diện” đang diễn ra ở Bạc Liêu, đều hân hoan vì đã hiện thực hóa một cách thực chất nguyên lý “An sinh xã hội chỉ đảm bảo khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc”. Song phải trải qua thời gian nhất định mới có thể đánh giá mô hình “đối tác toàn diện” giữa BHXH và Hội Nông dân tỉnh phát huy hiệu quả như thế nào.

Tuy nhiên, có thể thấy, những tín hiệu trên đã giúp tất cả mọi người thực sự tin vào “mái ấm an sinh” như cách nói của bà Hằng; đặc biệt sẽ sớm trở thành đáp án cho bài toán phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện trong khu vực nông nghiệp. Trước hết, đó là cách làm mà cả BHXH tỉnh lẫn Hội Nông dân đã thống nhất thực hiện trong năm 2018. Theo đó, toàn Hội có hơn 500 Chi hội trưởng, sau khi sàng lọc (nam dưới 50 tuổi, nữ dưới 45 tuổi) đã tìm ra 493 chi hội trưởng đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện.

Trong quá trình vận động này, các Chi hội trưởng sẽ được lãnh đạo Hội phối hợp với chuyên viên của BHXH tỉnh cùng nhau thực hiện theo cách tận dụng triệt để mọi cuộc hội họp có liên quan để “lồng ghép”. Trước đó, gần 100 nhân viên đại lý thu, trong quá trình tập huấn, đã được cán bộ BHXH tỉ tê rằng “bản thân không tham gia BHXH tự nguyện thì nói đâu có linh”. Kết quả là, toàn bộ đại lý thu của Hội Nông dân- nền tảng của “mái ấm an sinh” khu vực nông nghiệp ở Bạc Liêu, đều thuận chủ trương và chính họ đã tham gia BHXH tự nguyện trước để làm gương, để “nói có linh”.

Hội thi Nông dân với chính sách BHXH, BHYT.

Tâm lý người nông dân, không chỉ tại Bạc Liêu, mà hầu như trên cả nước, đều không ưa “hoa hòe hoa sói” trong ngôn từ, cử chỉ, mà thích “nói thiệt, làm ngay” hơn. Vì vậy, vận động, thuyết phục bà con nông dân theo lối giải thích đầy đủ chính sách, pháp luật về BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện dù luôn cần thiết; song để giúp bà con gật đầu đồng ý tham gia thì phải trả lời dứt khoát câu hỏi “Ông/bà hay anh/chị tham gia chưa mà biểu tui tham gia?”. Cũng vì vậy, có thể thấy “lối đi” của BHXH và Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu luôn sáng suốt và đầy hứa hẹn.

“Mừng là phía Hội Nông dân rất quyết tâm nên phía BHXH tỉnh sẽ như rồng thêm cánh. Chúng tôi sẽ cùng nhau dệt lưới an sinh xã hội tốt nhất cho người nông dân Bạc Liêu…”- Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Danh Đấu chia sẻ.

Cùng Hội Phụ nữ “hành động thiết thực”

Nếp sống thắm tình làng xóm, đậm nghĩa láng giềng của chị em phụ nữ ở Cà Mau đã giúp cơ quan BHXH ở địa phương này có thêm đáp án cho bài toán phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện trong năm 2018.

Từ “sạch ngõ” đến “sạch nghèo”

Những ai từng đặt chân đến xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình), vùng nông thôn tận miệt của đất mũi Cà Mau xa lắc nơi chân trời phía Nam, sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi dọc theo con đường xi măng uốn lượn bên dòng sông nhỏ không hề thấy mẩu rác nhỏ nào. “Sạch cứ như Singapore ấy nhỉ”- chúng tôi nói vui với nhau khi đến địa phương đặc biệt này hồi cận Tết 2018.

Chuyện “xanh- sạch- đẹp” cứ ngỡ là chuyện của phố phường nơi đô thị, với hàng tá nỗ lực và ngân sách mà kết quả luôn khiêm tốn, lại hiếm khi được duy trì lâu dài. Bởi vậy, sự ngạc nhiên của chúng tôi còn nhiều hơn, khi trực tiếp thăm nhiều hộ gia đình nơi đây, để rồi mới thấy không chỉ ngõ sạch, mà nhà nào cũng “bóng loáng” từ sân đến hàng hiên, mới biết thêm câu chuyện “sạch ngõ” ở Biển Bạch Đông đã được duy trì liên tục nhiều năm qua.

Hồi năm 2010, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “5 không 3 sạch” trên cả nước. Từ bấy đến nay, chị em phụ nữ Biển Bạch Đông đã “chuyển hóa” luôn phong trào này thành nếp sống thường nhật, như bao nếp sống nghĩa tình khác mà các bậc tiền hiền truyền lại.

Một hội viên phụ nữ cũng đã gần bước sang tuổi thất thập cổ lai hy của Biển Bạch Đông “hé lộ” với chúng tôi đặc trưng của vùng đất, con người nơi đây: Cần cù, tích cóp đến mức “con cá lăn nước màu rồi (chuẩn bị kho cho cả nhà ăn), nhưng có người hỏi mua cũng bán luôn”. Tích cóp là vậy, nhưng người Biển Bạch Đông không “hà tiện”, mà trái lại, rất hào phóng với bà con lối xóm, sẵn sàng chia sẻ kể cả tiền bạc với láng giềng đang cơn nguy khốn. “Nếp sống” mà các bậc tiền hiền để lại đã giúp hầu hết cư dân Biển Bạch Đông dìu nhau “sạch nghèo”, có của ăn của để.

Nguyên lý chị em hội viên phụ nữ ở Biển Bạch Đông dìu nhau “sạch nghèo” giống hệt câu nói cửa miệng của 3 người lính ngự lâm trong bộ phim cùng tên của Pháp, đó là “một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Để tập trung nguồn lực tài chính giúp nhau đủ vốn lo mùa vụ tôm, cua, lúa…, từ lâu các hội viên phụ nữ nơi đây “chơi hụi” phi lợi nhuận, xoay vòng “hốt hụi” theo ưu tiên được thống nhất minh bạch. Ngoài “móc hầu bao” góp vốn, chị em còn “một ná 2 tên” khi lập thêm “quỹ phế liệu”, để có tiền tiết kiệm giúp nhau giữ sạch sẽ môi trường sống. “Trong năm 2018, có lẽ chị em chúng tôi sẽ vận động các ông chồng tiết kiệm tiền bia rượu, thay vì uống 5 chai thì uống 3 chai thôi, để 2 chai đó phụ nhau mua BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện chớ…”- bà Võ Thị Vũ- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phước Hòa (xã Biển Bạch Đông) dí dỏm chia sẻ.

Tăng cường sự sẻ chia

Câu chuyện sẻ chia trong cuộc sống theo nguyên lý “mọi người vì một người” không chỉ có tại Biển Bạch Đông mà còn lan tỏa ra nhiều địa phương khác của Cà Mau. Nếp sống đậm nghĩa tình và thiết thực này đã khiến một cán bộ ngành BHXH Cà Mau, bà Trần Ngọc Xuân- Phó Giám đốc BHXH huyện Thới Bình, nảy sinh ý tưởng “nâng cấp” sự sẻ chia ấy. “Xưa nay chị em sẻ chia vì cuộc mưu sinh, nay mình phải làm gì đó để chị em sẻ chia vì cuộc an sinh chớ”- bà Xuân tự nhủ. Vậy là, hồi giữa năm 2017, sáng kiến “bỏ ống heo giúp nhau mua BHYT hộ gia đình” ra đời và nhận được sự hồ hởi tham gia của đông đảo chị em hội viên phụ nữ, sự tiếp sức lan tỏa của các cán bộ chủ chốt Hội LHPN huyện Thới Bình…

Tính đến hết năm 2017, xã Biển Bạch Đông và xã Tân Bằng- 2 địa phương thuộc huyện Thới Bình tiên phong thực hiện sáng kiến “bỏ ống heo giúp nhau mua BHYT hộ gia đình” do ngành BHXH và Hội LHPN phát động- đã không chỉ giúp làm “sạch ngõ”, “sạch nghèo”, mà còn giúp tốc độ bao phủ BHYT hộ gia đình trên địa bàn tăng “chóng mặt”. Chính thực tế này đã khiến bà Võ Thị Vũ- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phước Hòa tự tin kiến nghị nâng cấp sáng kiến sang lĩnh vực khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Cũng như các địa phương khác ở khu vực ĐBSCL, Cà Mau lâu nay luôn “nhức đầu” với bài toán phát triển BHXH tự nguyện. Do đó, mô hình “bỏ ống heo giúp nhau mua BHYT hộ gia đình” đang được lãnh đạo BHXH cực Nam Tổ quốc đặc biệt quan tâm. “Sự chung tay của Hội LHPN và BHXH huyện Thới Bình qua mô hình này đã giúp mang lại kết quả tích cực, làm cho lưới an sinh trên địa bàn ngày càng phát triển vững bền. Theo kế hoạch, trong năm 2018, BHXH tỉnh Cà Mau sẽ sớm triển khai nhân rộng mô hình này.

Với kết quả bước đầu đầy khả quan tại Thới Bình, việc nhân rộng mô hình không chỉ giúp phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, mà còn giúp BHXH tỉnh rộng cửa phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. “Nếu nhà báo hỏi tại sao đặt kỳ vọng vào mô hình này trong năm 2018, BHXH tỉnh Cà Mau sẽ trả lời bằng câu hỏi ngược lại là tại sao không?”- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, ông Trịnh Trung Kiên, chia sẻ với chúng tôi đúng với kiểu “cua Cà Mau kẹp đau nhưng… ngon bá chấy”.

BHXH và Hội LHPN huyện Thới Bình đã bắt tay “hành động thiết thực”. Hy vọng rằng, những “cú bắt tay” tiếp theo trong năm 2018, trên phạm vi toàn tỉnh, sẽ trở thành “liều thuốc” giúp BHXH tỉnh Cà Mau giải thành công bài toán phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Đỗ Bá- Trà Giang


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất