Đổi mới về ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm y tế
Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) cung cấp một số thông tin về việc ứng dụng CNTT trong BHYT

Kết quả đạt được

Về cấp và quản lý sử dụng thẻ BHYT       

Ngày 14-4-2017, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành Quyết định 595/QĐ-BHXH về Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ – BNN, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, tiếp tục cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Mã số BHXH được cấp và quản lý tập trung trên CSDL Hộ gia đình tham gia BHYT, đây là một trong những hệ thống CSDL được ngành BHXH xây dựng làm tiền đề xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm. Mã số BHXH là mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT. Mục tiêu cấp mã sổ là nhằm quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT và chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT, đồng thời làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử.

Việc cấp mã số BHXH đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho cơ quan BHXH mà nó còn mang lại lợi ích cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; lợi ích cho đơn vị sử dụng lao động. Cụ thể:

Đối với người tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN: Chỉ cần cung cấp mã số BHXH khi thực hiện các giao dịch đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; có thể tra cứu trực tuyến quá trình đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN thông qua mã số BHXH trên Cổng thông tin điện tử Ngành.

Đối với đơn vị sử dụng lao động: Giảm thời gian trong việc kê khai, cập nhật thông tin của người lao động khi giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Đối với cơ quan BHXH: Quản lý chặt chẽ quá trình đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT của người tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Cắt giảm thủ tục hành chính, giảm giờ giao dịch của cá nhân, tổ chức với cơ quan BHXH, tạo điều kiện thuận tiện cho người tham gia khi giao dịch với cơ quan BHXH trong việc tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT. Rút ngắn thời gian, thủ tục thực hiện nhiệm vụ về thu; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được cắt giảm Thủ tục hành chính (TTHC). Rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ cấp, đổi sổ BHXH, thẻ BHYT: Về thời hạn giải quyết cấp thẻ BHYT từ 7 ngày cũng được rút ngắn còn 5 ngày. Khi cấp lại, đổi thẻ BHYT, nếu không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Từ ngày 1-1-2019 thời gian giải quyết  trong ngày. Còn trường hợp thay đổi thông tin thì không quá 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh thì thực hiện trong ngày. Hiện nay, hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT được cơ quan BHXH cập nhật, quản lý theo mã số BHXH để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục. Bảo đảm các quy trình được xây dựng trên cơ sở dữ liệu tập trung, lấy dữ liệu hộ gia đình làm trung tâm và kết nối liên thông với dữ liệu đóng, hưởng BHXH, BHYT. Bảo đảm xác định được mã số BHXH của người tham gia trước khi đưa thông tin người tham gia vào phần mềm quản lý để làm căn cứ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Bảo đảm chính xác việc thu nộp, tham gia BHXH, BHYT của cá nhân, đơn vị. Tránh việc cấp trùng thẻ, cấp thẻ không đúng quy định…

Trong thời gian qua BHXH Việt Nam đã liên tục đổi mới áp dụng CNTT triển khai hệ thống cổng giao dịch của ngành BHXH từng bước đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN nói chung và nhu cầu quản lý của ngành BHXH nói riêng. Tiếp tục thực hiện triển khai Hệ thống giao dịch điện tử theo Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 9-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017. Việc ứng dụng CNTT thông qua giao dịch điện tử để thực hiện kết nối tiếp nhận hồ sơ đề nghị của đơn vị và trả kết quả từ cơ quan BHXH. Rút ngắn thời gian, kinh phí (in ấn, đi lại…) tạo thuận lợi cho người, đơn vị tham gia. Đơn vị có thể tự tra cứu hồ sơ đã tiếp nhận và giám sát được quá trình xử lý, thời gian trả kết quả. Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử lên tới trên 302 nghìn đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử khoảng 2,9 triệu hồ sơ trên tổng số 6,8 triệu hồ sơ giao dịch (tỷ lệ là 42%); trong lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã tiếp nhận xử lý trên 185 nghìn hồ sơ điện tử. Đặc biệt từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng đơn vị đăng ký giao dịch điện tử là 30.606 đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử hơn 1,7 triệu hồ sơ trên tổng số 4 triệu hồ sơ giao dịch (tỷ lệ là 42,5%); riêng số hồ sơ điện tử trong lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã tiếp nhận xử lý là trên 116 nghìn giao dịch (tỷ lệ 62,7%). BHXH Việt Nam đang nghiên cứu cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân tham gia BHYT tại một số địa phương, thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH, thuận lợi trong khám, chữa bệnh và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh.

Từ ngày 1-8-2017, thẻ BHYT mới không ghi thời hạn sử dụng (từ ngày... đến ngày....) như trước đây, mà chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày. Để biết giá trị sử dụng thẻ, người tham gia có thể chủ động tra cứu trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam theo mã số BHXH ghi trên thẻ; danh sách cấp thẻ lưu tại đơn vị quản lý đối tượng; thuận lợi của việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, được đồng bộ với hệ thống dữ liệu hộ gia đình mà BHXH Việt Nam đã xây dựng. Hệ thống sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu tham gia, không cần phải đổi thẻ sau mỗi năm như trước đây. Sang năm tiếp theo nếu tiếp tục tham gia, cơ quan BHXH sẽ chỉ cấp nối tiếp giá trị sử dụng thẻ trong dữ liệu và in danh sách cấp thẻ gửi đơn vị quản lý đối tượng thông tin về giá trị sử dụng mới của thẻ bảo hiểm y tế, thẻ đã cấp cho người tham gia trong năm 2017, 2018 vẫn tiếp tục được sử dụng, mà không in, đổi thẻ mới.

Người dân và đơn vị có thể tra cứu trực tuyến các thông tin: Mã số BHXH; Cơ quan BHXH; Quá trình tham gia; Giá trị sử dụng thẻ; Đơn vị tham gia BHXH; Các điểm thu, đại lý thu trên Cổng thông tin điện tử ngành BHXH tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn hoặc có thể gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài theo số 1900 96.96.68 để được nhân viên tổng đài tra cứu, giải đáp. Trên cơ sở minh bạch thông tin tra cứu thẻ BHYT người tham gia BHYT có thể chủ động được thời gian, địa điểm để quyết định đăng kí tiếp tục tham gia BHYT cho phù hợp.

Hiệu quả trong việc triển khai công tác phối hợp giữa BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân với BHXH Việt Nam, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đã đạt hiệu quả thiết thực kết nối dữ liệu tra cứu thẻ BHYT góp phần bảo đảm quyền lợi của quân nhân, cũng như các cán bộ công an nhân dân,… trong việc tham gia, thụ hưởng chế độ chính sách BHXH, BHYT   

Đáp ứng yêu cầu quản lý, tổng hợp, chỉ đạo điều hành trong công tác cấp quản lý thẻ BHYH, BHXH Việt Nam đã yêu cầu nâng cấp bổ sung các mẫu báo cáo, thực hiện cung cấp số liệu nhằm hỗ trợ nghiệp vụ trong việc lập và tổng hợp báo cáo trên ứng dụng, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan BHXH các cấp thực hiện việc rà soát, cập nhật dữ liệu phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra.

Về quản lý khám chữa bệnh BHYT

Từ tháng 6-2016, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt hệ thống giám định BHYT ban hành kèm theo quyết định 917/QĐ-BHXH về việc ban hành Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin Giám định BHYT; kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh ở 4 tuyến từ cấp Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Trong thời gian qua BHXH Việt Nam đã có phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế nhằm trong quá trình tiếp nhận thông tin đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh.

Hỗ trợ cơ sở khám, chữa bệnh (cơ sở KCB) trong việc tra cứu tự động giá trị sử dụng thẻ BHYT, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 366/BHXH-CNTT ngày 31-1-2018 về bổ sung hàm tra cứu trên Hệ thống thông tin giám định BHYT. Các cơ sở KCB có thể sử dụng phối hợp với phần mềm đón tiếp của bệnh viện khi tiếp nhận người tham gia BHYT nhằm giảm thời gian kiểm tra thủ tục thông tin thẻ BHYT.

BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các danh mục dung chung, tiêu chuẩn đầu ra dữ liệu để thống nhất việc trao đổi dữ liệu giữa các phần mềm quản lý bệnh viện với hệ thống cổng tiếp nhận thanh toán BHYT, thu thập được đầy đủ thông tin phục vụ công tác quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Từ ngày 15-3-2018, BHXH Việt Nam thống nhất áp dụng danh mục (Quyết định số 6061/QĐ-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế).

Đến nay, tất cả các cơ sở KCB BHYT đã kết nối, liên thông dữ liệu KCB BHYT trên phạm vị cả nước đến hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH để thực hiện giám định tự động trên phần mềm. Đây là một cải cách lớn trong quy trình Khám chữa bệnh BHYT (Thống kê của BHXH Việt Nam việc cơ sở KCB gửi dữ liệu điện tử theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20-9-2017: cuối năm 2017 số cơ sở gửi dữ liệu/số cơ sở ký hợp đồng KCB là 9.686/12.703 cơ sở, chiếm tỷ lệ 76%; Tính đến ngày 28-5-2018 là 12.210/12.528 cơ sở chiếm tỷ lệ 97,46%).

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tin học hóa trong quản lý KBCB, thống nhất trong giám định và thanh toán BHYT là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế và BHXH, góp phần minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh sẽ được kiểm tra trực tiếp với CSDL thẻ do cơ quan BHXH cấp, quản lý tránh được tình trạng lạm dụng thẻ, thẻ cắt giảm, hết hạn. Dữ liệu, thông tin liên quan đến khám, chữa bệnh được gửi ngay sau khi bệnh nhân ra viện lên cổng thông tin của cơ quan BHXH và Bộ Y tế để có thể quản lý thông tuyến và thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán dựa trên hệ thống thông tin giám định (Công văn 1677/BYT-BH ngày 28-3-2018 của Bộ Y tế)

Sau gần hai năm đưa vào vận hành, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát, giám sát thực hiện các dịch vụ y tế của các cơ sở y tế và người tham gia BHYT, là công cụ hỗ trợ đắc lực dùng để giám sát, cảnh báo những vấn đề bất thường, cung cấp thông tin cho các cơ sở y tế để hoàn thiện và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.

Hạn chế và khó khăn trong quá trình thực hiện

Về cấp và quản lý sử dụng thẻ BHYT       

Trong quá trình triển khai cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, như: Việc người dân thay đổi địa bàn cư trú khi đi làm hoặc lập gia đình, chuyển sang hộ mới giữa hộ gia đình kê khai với dữ liệu thẻ không khớp.

Thời gian đầu do không hiểu ý nghĩa của cấp mã số BHXH và cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH nên còn thiếu sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, người lao động và người dân trong quá trình triển khai thực hiện, dẫn đến việc cung cấp thông tin chưa chính xác khi thực hiện tờ khai tham gia BHXH, BHYT, dẫn đến việc rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT còn chậm, chưa chính xác, phải rà soát nhiều lần.

Về quản lý khám chữa bệnh BHYT

Việc phối hợp với cơ quan khám chữa bệnh đôi khi còn chưa nhịp nhàng dẫn đến thắc mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho người thẻ BHYT tham gia khám chữa bệnh (Trong thời gian chờ đồng bộ, mã số BHXH, sổ BHXH và thẻ BHYT đã cấp mà chưa được đổi, cấp lại theo mẫu mới vẫn có giá trị sử dụng đến khi được cấp, đổi lại; Tại một số thời điểm không tra cứu được thẻ BHYT: lỗi đường truyền, Cổng tiếp nhận BHXH dừng nâng cấp thì vẫn có thể kiểm tra Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, thông qua kênh tổng đài hỗ trợ khách hàng của BHXH Việt Nam hoặc các tổ hỗ trợ của BHXH tỉnh/thành phố).

Giải pháp khắc phục

Trong thời gian qua BHXH Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện cấp thẻ BHYT, cấp sổ BHXH theo mã số BHXH thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền (báo hình, báo giấy, truyền thanh…) đến cá nhân, đơn vị, tổ chức ý nghĩa của việc cấp mã số BHXH. Phân công cán bộ hướng dẫn các đơn vị, người tham gia BHXH, BHYT kê khai, bổ sung thông tin Mẫu TK1-TS theo các phụ lục đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định. Bên cạnh đó BHXH các huyện, tỉnh/thành phố đã thực hiện in thư ngỏ phối hợp với Bưu điện gửi tới tất cả các hộ gia đình.

BHXH tỉnh/thành phố tiếp tục tập trung rà soát đồng bộ mã số BHXH, đảm bảo mã số BHXH duy nhất cho mỗi người, góp phần đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia cũng như hiện đại hóa hoạt động của Ngành BHXH. Duy trì tổ công tác, số điện thoại, đầu mối để giải đáp vấn đề liên quan đến cấp và quản lý thẻ BHYT.

Tăng cường phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế trong việc xây dựng văn bản hướng dẫn bảo đảm tính thống nhất khi cơ sở KBCB tra cứu thông tin thẻ BHYT của cơ quan BHXH bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi KCB. Cơ sở khám chữa bệnh BHYT tăng cường hiện đại hóa thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ tốt trong việc đón tiếp, giải quyết thủ tục cho người có thẻ BHYT khi đi KCB.

Tăng cường giám sát, cảnh báo gắn trách nhiệm đối với BHXH tỉnh/ thành phố thực hiện chậm trễ, sai quy trình cấp đổi thẻ BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh (hạn chế việc dữ liệu đã hoàn chỉnh nhưng phải chờ gia hạn, cấp mới, đổi thẻ…).

Đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính thông qua việc cung cấp mở rộng cho các đơn vị dịch vụ có khả năng đáp ứng kết nối giao dịch điện tử để người dân và đơn vị tiếp cận thuận lợi.

Tiếp tục hoàn chỉnh các nội dung nghiệp vụ, nghiên cứu nâng cấp hệ thống tích hợp nhằm nâng cao năng lực trao đổi thông tin, tích hợp và giao tiếp giữa các ứng dụng trong nội bộ ngành BHXH nói riêng và hệ thống ngoài Ngành nói chung, bảo đảm an toàn thông tin.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất