Mục tiêu cải cách được Nghị quyết đặt ra là để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Thiết kế chính sách BHXH đa tầng
Để thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.
Thực hiện BHXH bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân. Mở rộng diện bao phủ BHXH theo lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp từng thời kỳ.
Tầng tiếp theo là bảo hiểm hưu trí bổ sung. Đây là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu, tăng tuổi nghỉ hưu
Nghị quyết yêu cầu sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu. Đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Cùng với đó, Nghị quyết cũng nêu ra việc sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.
Hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm về BHXH
Cùng với việc rà soát, sửa đổi các quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc, Nghị quyết yêu cầu sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Có quy định cụ thể và cơ chế quản lý chặt chẽ việc đầu tư Quỹ BHXH, bảo đảm việc đầu tư Quỹ BHXH an toàn, bền vững, hiệu quả.
Ngoài ra, Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý Quỹ BHXH có thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH. Đồng thời, các doanh nghiệp và người lao động có quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý Quỹ BHXH nếu phát hiện có sai phạm trong thực hiện chính sách BHXH.
Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết: Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%. Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%. Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%. |
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Tăng cường tính chia sẻ
Cải cách BHXH sẽ chủ trọng tăng cường tính chia sẻ giữa các loại BHXH và đối tượng đóng BHXH. Đơn cử như lao động nam và lao động nữ, giữa các loại bảo hiểm ngắn hạn như: Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp… Bên cạnh đó, hướng đến nghiên cứu chính sách để giảm số người và tỉ lệ hưởng BHXH một lần. Với chính sách BHXH hiện nay, người lao động đóng 8 % mức tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng 17 %. Nhưng khi người lao động rút ra khỏi hệ thống BHXH và hưởng chế độ BHXH một lần thì sẽ hưởng phần của mình đã đóng và cả phần đóng góp của người sử dụng lao động. Do đó có tình trạng, người lao động hưởng rời khỏi hệ thống BHXH bằng cách nhận BHXH một lần. Nhưng sau đó một thời gian, người lao động này lại tiếp tục tham gia hệ thống BHXH bằng việc đóng BHXH ở một nơi khác và lặp lại việc nhận BHXH một lần như trên. Chính vì vậy, theo Nghị quyết, để đảm bảo công bằng chúng ta cần nghiên cứu xây dựng theo hướng người lao động chỉ được hưởng phần đóng của mình. Phần đã đóng của người sử dụng lao động sẽ dành để chia sẻ cho các đối tượng khác.
TS.Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội: Thiết kế theo hướng đa tầng
Với hơn 30 năm thực hiện chính sách BHXH, Việt Nam đã có đủ thực tế, kinh nghiệm, cùng đó kinh tế đang phục hồi cũng tạo cơ sở để đưa ra định hướng cải cách BHXH thời gian tới. Cùng đó, việc thay đổi là đòi hỏi cấp thiếp để thực hiện theo các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia, hướng tới mục tiêu mọi người dân không rơi xuống mức sàn của BHXH.
Lâu nay BHXH chỉ có 1 tầng, và nhà nước có chính sách bảo trợ xã hội cho các đối tượng yếu thế (như người cao tuổi, người khuyết tật…). Do đó, định hướng thời gian tới là hướng tới đa tầng, tầng 1 là tầng an sinh, tầng 2 là tầng BHXH cơ bản đóng - hưởng, tầng 3 là BHXH bổ sung.
Cụ thể, tầng 1 là tầng an sinh, nhà nước đảm bảo mọi công dân tới tuổi tham gia thị trường lao động đều được đóng BHXH, để sau này về già có lương hưu ở mức tối thiểu (nhưng không bao gồm các đối tượng bảo trợ xã hội do nhà nước chăm lo).
Tầng BHXH thứ 2 là tầng theo nguyên tắc đóng - hưởng. Theo đó, người lao động, người sử dụng lao động cùng đóng BHXH, mỗi người lao động có một tài khoản cá nhân. Với tài khoản BHXH cá nhân, mỗi người đều tự kiểm tra quá trình đóng của mình, các khoản đầu tư sinh lời được chia lại. Sau này khi về hưu, người lao động có thể lấy trước 1 lần cho một phần tiền mình đã đóng góp, số còn lại được chia bình quân để hưởng theo tháng (theo mức sàn).
Tuy vậy, với thay đổi ở tầng 2 thì tỷ lệ đóng góp vào BHXH cũng phải thay đổi. Vì theo quy định hiện hành, người lao động đóng 8% vào quỹ BHXH, người chủ sử dụng lao động đóng 14%, cho các quỹ hưu trí, tử tuất, thai sản, thất nghiệp… Nhưng với cải cách mới, có thể tỷ lệ đóng của người lao động và chủ sử dụng có thể chia 50-50.
Với tầng 3 là tầng bổ sung, những người lao động có thu nhập cao, hoặc chủ sử dụng lao động muốn thêm ưu đãi cho người lao động có thể đóng thêm (sau khi đã tham gia các mức đóng cơ bản). Để sau này người lao động về hưu sẽ được hưởng mức lương cao hơn. Với khoản tiền đóng góp ở tầng này có thể đem đầu tư vào các lĩnh vực sinh lời cao để tạo thêm giá trị thặng dư cho khoản đóng góp của người lao động. Tầng này tuỳ vào thu nhập, người lao động có thể lựa chọn tham gia hoặc không.
Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Lê Đình Quảng: Tốt cho người lao động
Với nguyên tắc BHXH đa tầng, đóng – hưởng nhưng có chia sẻ, linh hoạt số năm đóng để được hưởng lương hưu thì những NLĐ ở khu vực phi chính thức sẽ có điều kiện để tiếp cận chính sách an sinh xã hội này. Để mở rộng độ bao phủ của BHXH cũng như giảm tình trạng NLĐ hưởng trợ cấp BHXH một lần, tôi nghĩ tới đây, cùng với việc giảm số năm giam gia BHXH để hưởng lương hưu cần siết chặt hơn việc thực hiện theo đúng tinh thần của Điều 60 Luật BHXH. Đồng thời, chú trọng nâng cao thu nhập cho NLĐ để cải thiện cuộc sống. Thực tế, thu nhập của NLĐ rất thấp, khi phải ra khỏi thị trường lao động họ khó có khả năng để tiếp tục tham gia BHXH mà buộc phải nhận trợ cấp một lần. Nhưng, điều quan trọng nhất để nâng độ bao phủ đó là chế độ BHXH phải linh hoạt, hấp dẫn của chính sách BHXH, nhất là chế độ hưu trí thì chắc chắn thu hút được rất đông người tham gia. Sở dĩ, số người tự nguyện tham gia BHXH rất ít vì chưa thấy BHXH hấp dẫn, linh hoạt, thủ tục đóng đơn giản và thuận tiện; ở khu vực bắt buộc có những người lao động nhận thức chưa rõ về lợi ích tham gia BHXH nên chưa thực sự mặn mà cũng là nguyên nhân khiến cho các chủ sử dụng lao động né tránh đóng BHXH bắt buộc. Vì thế, nếu chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp thì những lao động ở khu vực phi chính thức, bao gồm những người có thu nhập cao, lao động ký hợp đồng 1 - 3 tháng, người làm nông nghiệp sẽ tham gia BHXH tự nguyện nhiều hơn.
BHXH