Lào Cai tiếp tục đưa Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vào cuộc sống
Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai Nguyễn Thị Thanh Hải phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ.

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) - trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội đã được các cấp, các ngành, cộng đồng quan tâm, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, những năm qua tỉnh Lào Cai đã dành nhiều sự quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhất là khi Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cũng như sở, ban, ngành các cấp, tổ chức chính trị - xã hội nhanh chóng quán triệt, học tập.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 21, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chương trình hành động số 119-CTr/TU ngày 7-6-2013 "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai". Theo Chương trình hành động, có ba nhóm giải pháp cơ bản, đó là: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan BHXH trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; phát huy vai trò quản lý của các đơn vị sử dụng lao động. Trong đó, đặc biệt chú trọng vai trò các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và kiểm tra, giám sát, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong hệ thống an sinh xã hội đối với sự phát triển và ổn định chính trị - xã hội ngày càng được nâng cao, nhu cầu hiểu biết về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ngày càng tăng.

Chế độ, chính sách về BHXH, BHYT được triển khai kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân, việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung và BHYT luôn đạt hoặc vượt chỉ tiêu kế hoạch hằng năm. BHXH tỉnh và các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, công tác giải quyết chế độ BHXH. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT ngày một nâng cao, bảo đảm quyền lợi của người tham gia và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh BHYT. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH, BHYT được quan tâm, các ngành tích cực phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác BHXH, BHYT.

Trong 5 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết số 21, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2017 tại Lào Cai có những bước tiến rõ rệt. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN hằng năm có sự gia tăng ổn định. Số người tham gia BHXH bắt buộc: Năm 2012 là 50.268 người, năm 2017 là 58.727 người, tăng 8.459 người, tương đương với 17%. Số người tham gia BHXH tự nguyện: năm 2012 là 610 người, năm 2017 là 1.330 người, tăng 720 người tương đương với 118%. Số người tham gia BH thất nghiệp năm 2012 là 38.538 người, năm 2017 là 49.380 người, tăng 10.842 người tương đương với 28%. Đáng chú ý, số người tham gia BHYT: Năm 2012 là 610.708 người, năm 2017 là 696.437 người, tăng 85.729 người tương đương với 14%, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT tính đến hết năm 2017 toàn tỉnh là: 98,68%, vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng thời, chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT phục vụ người dân được nâng cao. Ngành BHXH đã chú trọng cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ công trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân; phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác tuyên truyền cũng như triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại địa phương. Các quy trình thủ tục và thời hạn giải quyết hồ sơ, thông tin và dịch vụ trực tuyến liên quan việc thực hiện giao dịch điện tử được thực hiện minh bạch, công khai trên Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh và Cổng thông tin điện tử của tỉnh; sử dụng hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử tập trung” trong công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính.

Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết, với đặc thù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao; phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc rất nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây dựng, dịch vụ, dẫn tới một bộ phận người lao động chưa có việc làm ổn định, phần lớn mang tính mùa vụ. Trên thực tế, đối tượng tham gia BHXH có tăng nhưng tỷ lệ bao phủ còn thấp, tốc độ tăng chậm. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh mới có khoảng 14,5% lực lượng lao động tham gia BHXH, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn quốc là 23% (năm 2016).

Trong khi đó, năm 2017, số người tham gia BHXH còn giảm so năm 2016, không đáp ứng được mục tiêu "phấn đấu mỗi năm tăng thêm 3% đến 5% số lao động tham gia BHXH, BH thất nghiệp". Điều này kéo theo số người tham gia BH thất nghiệp chưa đạt mục tiêu cũng như chưa tương xứng với lực lượng lao động. Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh đã vượt chỉ tiêu được giao, nhưng có đến hơn 80% số người tham gia BHYT là đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng cho nên khi mới thoát nghèo, thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn thì việc duy trì và phát triển bền vững về chỉ tiêu bao phủ BHYT của tỉnh Lào Cai sẽ là thách thức, khó khăn lớn.

Tại hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-12-2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020" được UBND tỉnh Lào Cai tổ chức vừa qua, tất cả những hạn chế, yếu kém cũng như các nguyên nhân, khó khăn, cản trở trong công tác tổ chức triển khai Nghị quyết 21 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan nhìn nhận một cách thấu đáo để khắc phục và tiếp tục xây dựng các giải pháp thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT, phấn đấu thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 21 đã đặt ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Thanh cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 119-CTr/TU, ngày 7-6-2013 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung tuyên truyền đến các đối tượng nông dân, hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên, chủ sử dụng lao động; tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT để phát triển số người tham gia bền vững.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác BHXH, BHYT. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám, chữa bệnh; đồng thời chú trọng đôn đốc thu, hạn chế tình trạng nợ đọng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động; duy trì các giải pháp kiểm soát nguồn quỹ, hạn chế tình trạng lợi dụng, bội chi Quỹ khám, chữa bệnh BHYT.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất