Trong 05 năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với BHXH Việt Nam triển khai nhiều nội dung truyền thông, vận động đoàn viên, người lao động tham gia BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức như: tập huấn, hội thảo, đối thoại, tổ chức các hội thi, game show về BHXH, BHYT cho đoàn viên, người lao động... góp phần làm cho cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động hiểu rõ hơn về sự ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT để người người lao động tích cực tham gia.
Hằng năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương đều ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện trong các cấp công đoàn về BHXH, BHYT. Nhiều Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương đã có kế hoạch cụ thể, phối hợp với BHXH tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và các Ban, ngành của địa phương... để truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT... động viên đoàn viên, người lao động tham gia BHXH, BHYT.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn luôn xem công tác truyền thông là điều kiện hết sức quan trọng để bảo vệ quyền lợi và nâng cao ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm thực thi pháp luật cho đoàn viên và người lao động. Thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn quan tâm tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về pháp luật lao động nói chung và pháp luật BHXH, BHYT nói riêng cho đoàn viên, người lao động tham gia. Đặc biệt, những năm gần đây khi Luật BHXH 2014, Luật BHYT 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2014, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ được ban hành khá đầy đủ, kịp thời, đồng bộ thì công tác pháp luật của các cấp công đoàn nói chung và hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật lao động, BHXH, BHYT cho cán bộ, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nói riêng càng có nhiều thuận lợi và đạt kết quả tốt.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thông tin đại chúng của tổ chức Công đoàn như: Báo Lao động, Báo Người lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn... mở các chuyên trang, chuyên mục và đăng tải các tin, ảnh, bài viết truyền thông các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT. Biên soạn, in ấn và phát hành các tờ gấp, cẩm nang dành cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động; giúp cán bộ công đoàn thuận lợi trong việc truyền thông vận động đoàn viên, người lao động tham gia BHXH, BHYT.
Tổ chức trên 100 hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, các cuộc tọa đàm, hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách, pháp luật với người lao động về BHXH, BHYT, các cuộc tuyên truyền pháp luật lưu động cho công nhân khu nhà trọ thông qua tổ tự quản công nhân... Các hội nghị tập huấn đã góp phần nâng cao năng lực cho đại biểu là cán bộ công đoàn các cấp, trang bị cho họ các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT; trình tự, thủ tục trong giải quyết các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động; vai trò của Công đoàn, kỹ năng của cán bộ công đoàn trong tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT... Những kiến thức, kỹ năng đó đã giúp đội ngũ cán bộ công đoàn trong việc truyền thông, phổ biến, tư vấn pháp luật, hướng dẫn người lao động về các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT; góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động và phát triển đối tượng tham gia BHXH tại đơn vị mình. Các hội nghị đối thoại chính sách, pháp luật BHXH, BHYT với người lao động, các cuộc truyền thông cho công nhân lao động khu nhà trọ... được doanh nghiệp và người lao động đánh giá cao, thu hút đông đảo người lao động tham gia. Bên cạnh việc được nắm bắt các chính sách, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT và các vấn đề có liên quan, người lao động được trực tiếp trao đổi, giải đáp những vướng mắc, những tồn tại, khó khăn ngay tại hội nghị. Người sử dụng lao động hiểu rõ các nghĩa vụ của mình, quan tâm thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật có liên quan về BHXH, BHYT trong đó chú trọng việc tham gia BHXH, BHYT cho các đối tượng theo quy định, thực hiện đóng đủ, kịp thời BHXH, BHYT cho người lao động, góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Các câu hỏi, các ý kiến phản hồi của người lao động, người sử dụng lao động, cán bộ nhân sự doanh nghiệp tại các hội nghị đối thoại đã cung cấp thêm cho các chuyên gia xây dựng chính sách, các báo cáo viên của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH và Công đoàn những giải pháp hữu ích trong việc tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định, Thông tư sát với tình hình thực tiễn ở cơ sở.
Tổ chức các Games show truyền hình truyền thông chính sách BHXH, BHYT nhằm tăng cường, đa dạng hóa công tác truyền thông dưới hình thức sân khấu hóa, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân, về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT. Các đội tham gia dự thi thông qua quá trình luyện tập ở cơ sở và thể hiện các phần thi trở thành các truyền thông viên giỏi, nòng cốt trong việc vận động đoàn viên, người lao động thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT.
Các cấp công đoàn địa phương, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn cơ sở đã tổ chức được trên 20.000 các lớp tập huấn, hội nghị, các cuộc đối thoại chính sách nói chung và các cuộc tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT nói riêng; đăng tải các tin, bài, phóng sự về công tác BHXH, BHYT trên Bản tin nội bộ và trên các Trang tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương... góp phần thực hiện tốt các chính sách, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật nói chung và tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT của các cấp công đoàn nói riêng còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Nhận thức, ý thức trách nhiệm và sự phối hợp giữa tổ chức công đoàn với một số cơ quan, đơn vị ở địa phương, với người sử dụng lao động trong doanh nghiệp về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thực sự đầy đủ và chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này; việc huy động nguồn lực cho công tác tuyên truyền chưa được tiến hành đồng bộ và rộng khắp. Đội ngũ cán bộ công đoàn thực sự am hiểu, có kiến thức pháp luật nói chung, pháp luật về BHXH, BHYT nói riêng còn mỏng và hầu hết là kiêm nhiệm, chưa toàn tâm, toàn ý đầu tư thời gian và trí tuệ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật còn hạn hẹp, nhất là ở cơ sở… dẫn đến hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng về tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật trong đoàn viên, người lao động.
Niềm tin của một bộ phận người lao động đối với chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa thực sự rõ nét. Hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT (trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT của một bộ phận người sử dụng lao động…) xảy ra còn nhiều, việc giải quyết các chế độ, quyền lợi của người lao động đôi lúc chưa kịp thời... cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng, niềm tin của người lao động. Các văn bản pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, nội dung đa dạng, phức tạp cũng phần nào ảnh hưởng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật để người lao động, đoàn viên công đoàn nắm bắt được.
Thực trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là: Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền pháp luật BHXH, BHYT chưa thực sự đầy đủ, chưa có sự quan tâm đúng mức và phối hợp chặt chẽ giữa các Ban, Ngành. Hình thức tuyên truyền có nơi còn đơn điệu, không hấp dẫn. Hiện nay, hình thức chủ yếu vẫn là tuyên truyền miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tờ gấp, tờ rơi, qua tủ sách pháp luật… Những hình thức tuyên truyền pháp luật khác như đối thoại chính sách, tổ chức các hội thi, games show thu hút được đông đảo người lao động, đoàn viên công đoàn tham gia thì ít có điều kiện tổ chức. Kiến thức pháp luật, kỹ năng truyền đạt của một bộ phận cán bộ công đoàn còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật...
Công tác tuyên truyền là một trong ba chức năng quan trọng của tổ chức công đoàn; là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối để chuyển tải, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên công đoàn, người lao động.
Thực hiện tốt các chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cho đoàn viên, người lao động là trách nhiệm không chỉ của tổ chức công đoàn, của ngành BHXH, ngành Y tế mà còn là trách nhiệm của người sử dụng lao động, của các cấp ủy Đảng và bản thân mỗi người lao động. Với chức năng tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tổ chức công đoàn cần phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tham gia công tác kiểm tra, giám sát để giảm thiểu những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho người lao động.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020” và các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, thời gian tới các cơ quan, đơn vị nói chung, các cấp công đoàn nói riêng cần tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các phương thức cơ bản trong tuyền truyền, phổ biến pháp luật:
Một là, tuyên truyền, phổ biến một cách sâu rộng trong toàn xã hội để nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật về BHXH, BHYT cho mọi công dân.
Để thực hiện tốt hoạt động tuyền truyền, phổ biến pháp luật BHXH, BHYT theo phương thức này cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, phổ biến pháp luật BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, trên sóng phát thanh, truyền hình, các pano, áp phích, tranh cổ động... Đặc biệt chú trọng tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện để mọi người dân hiểu và tự nguyện tham gia nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW đã đề ra.
- Đổi mới hình thức tuyên truyền và đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng tham gia. Ngoài các kênh tuyên truyền, phổ biến truyền thống, nên thiết lập các kênh thông tin đa chiều để tiếp nhận, phản hồi ý kiến của người lao động và doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách, các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT (Đơn cử như lập đường dây nóng để giải đáp thông tin về BHXH đối với người lao động, người sử dụng lao động...).
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT từ Trung ương đến địa phương để mọi người dân biết, hiểu về quyền, lợi ích của BHXH, BHYT và tự nguyện tham gia. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động phối hợp với BHXH Việt Nam và các đối tác liên quan để tăng cường kinh phí và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trong đó đẩy mạnh hình thức tuyên truyền cổ động trực quan, phát hành các loại tờ rơi, tờ gấp, sổ tay bỏ túi... đến người lao động.
- Đưa nội dung pháp luật về BHXH, BHYT vào chương trình giảng dạy, tuyên truyền, phổ biến tại các cơ sở đào tạo, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động mới.
- Mở rộng dân chủ, công khai trong hoạt động xây dựng pháp luật BHXH, BHYT để thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia góp ý xây dựng, thực hiện và giám sát theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Hai là, phương thức tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan thực thi pháp luật về BHXH, BHYT đối với những nhóm mục tiêu cụ thể, chủ yếu là hướng vào nhóm người sử dụng lao động và người lao động khác nhau.
Chủ thể mà nhóm mục tiêu này hướng tới, bao gồm: Doanh nghiệp thuộc các khu vực, loại hình (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh...), người lao động theo hợp đồng lao động, người lao động tự tạo việc làm ở khu vực nông thôn, thành thị, lao động khu vực phi chính thức...
Nội dung tuyên truyền, phổ biến theo hình thức này cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như việc tham gia BHXH, BHYT, các quy trình thực hiện đăng ký tham gia, nộp BHXH, BHYT, thủ tục đề nghị hưởng và chi trả các chế độ BHXH, BHYT.
Để thực hiện được phương thức này cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng áp dụng pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có ý thức pháp luật, tinh thần trách nhiệm cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT cần được tiến hành thường xuyên, liên tục với việc đầu tư kinh phí thỏa đáng và sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp, các ngành nhằm tạo điều kiện để mọi người dân có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT đầy đủ, toàn diện. Có như vậy thì các quy định của pháp luật BHXH, BHYT mới có điều kiện thực thi trong thực tiễn cuộc sống./.
Lê Đình Quảng
Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam