Theo thống kê, hiện nay tại Việt Nam, bình quân người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng góp trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất; trong khi hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ hưởng 70,1%. Cùng với đó, việc Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số, tác động trực tiếp đến thị trường lao động; tuổi thọ tăng dẫn đến thời gian hưởng lương hưu kéo dài, tạo áp lực lớn lên quỹ hưu trí và tử tuất...
Bất hợp lý “đóng - hưởng”
Theo thông lệ quốc tế, với mô hình hưu trí như Việt Nam hiện nay, để hưởng lương hưu trong 20 năm thì thời gian đóng góp bình quân ít nhất 40 năm mới đủ bảo đảm cân đối quỹ hưu trí. Nhưng trên thực thế, bình quân người tham gia BHXH đóng góp trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất; nhưng hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ lên tới 70,1%.
Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, tương quan số người đóng và số người hưởng có xu hướng ngày càng giảm (năm 1996 cứ 217 người đóng thì có một người hưởng; năm 2006 cứ 12,6 người đóng có một người hưởng và đến năm 2017 chỉ còn 8,2 người đóng cho một người hưởng). Mặt khác, tỷ lệ hưởng lương hưu trên số năm đóng khá cao (cao nhất hưởng 75% - tương ứng tỷ lệ tích luỹ 2,14% cho mỗi năm đóng góp với nam và 2,5% đối với nữ) và tỷ lệ này cao hơn nhiều so các nước trong khu vực và trên thế giới, được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá thuộc loại “hào phóng” nhất thế giới.
Tại Việt Nam, tuổi nghỉ hưu được quy định từ năm 1960 và sau gần 60 năm vẫn không thay đổi. Với tuổi thọ hiện nay, phụ nữ ở độ tuổi sau 55 trung bình sẽ sống thêm 24,5 năm, nam giới sau tuổi 60 sẽ sống thêm 18 năm. Tuổi thọ tăng dẫn đến thời gian hưởng lương hưu kéo dài, sẽ tạo áp lực lên quỹ hưu trí, tử tuất. Ðồng thời, việc thiết kế mức lương hưu chủ yếu dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng; trong khi nguyên tắc của chính sách hưu trí cần thêm sự chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa những người về hưu.
Trong khi đó, theo Luật BHXH, điều kiện hưởng BHXH một lần lại khá dễ dàng (sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH có thể hưởng BHXH một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và hai tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó). Do vậy, nhiều người khó tích lũy đủ thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng lương hưu…
Tăng quyền lợi và trách nhiệm của người tham gia
Ðề cập vấn đề được dư luận rất quan tâm hiện nay là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Ðề án cải cách BHXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ - TB và XH) đang xây dựng, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LÐ-TB và XH) Trần Hải Nam cho biết: Ðây không phải là vấn đề mới, mà đã được đặt ra trong quá trình xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2002, sửa đổi Luật BHXH năm 2006. Hiện, Ðề án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, với nhiều phương án khác nhau, cân nhắc nhiều yếu tố để đưa ra giải pháp tối ưu nhất, hài hòa quyền lợi của người tham gia và chính sách của Nhà nước. Thời gian qua, số người lao động (NLÐ) làm thủ tục hưởng BHXH một lần rất cao, mất cân đối so tốc độ tham gia mới vào hệ thống BHXH. Dự kiến, trong giai đoạn 2018-2019, Bộ LÐ-TB và XH sẽ có đánh giá tổng thể về chính sách BHXH một lần (về quyền lợi và trách nhiệm của NLÐ); từ đó có đề xuất cho giai đoạn tiếp theo, nhằm bảo đảm cho NLÐ thuận lợi trong tiếp cận chính sách mà vẫn có tích lũy, gắn với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.
Thông tin thêm về việc bảo đảm quyền lợi của NLÐ tham gia BHXH, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Mai Ðức Thắng cho biết, cơ quan BHXH vẫn đang thực hiện quy định thông báo nợ sáu tháng một lần đến doanh nghiệp, yêu cầu công khai cho NLÐ về tình hình đóng BHXH, BHYT. Hằng năm, in tờ rời về quá trình tham gia BHXH của từng NLÐ, chuyển qua cơ quan bưu điện đến tận tay NLÐ, để họ có thể kiểm soát được quá trình tham gia BHXH của mình.
Các khuyến nghị của ILO cũng cho thấy, không có mô hình BHXH nào, đặc biệt là hệ thống hưu trí nào là hoàn thiện cho mọi quốc gia. Chính vì vậy, chính sách BHXH cần được thiết kế theo hướng nhiều tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân. Ðồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện cho NLÐ lớn tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng BHXH. Từng bước mở rộng diện bao phủ hướng tới BHXH toàn dân, thực hiện BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLÐ có thu nhập… Cùng với đó, Việt Nam cần khắc phục bất hợp lý về chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần. Khuyến khích NLÐ tham gia BHXH dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu, tăng tỷ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với NLÐ muốn nhận chế độ hưu trí sớm...
* Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm 2018, ước tính cả nước đã có 13,75 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 240.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 11,6 triệu người tham gia BH thất nghiệp và 80,8 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 86,1% dân số. Toàn ngành BHXH đã giải quyết các chế độ BHXH cho hơn 3,3 triệu lượt người, trong đó có 211.800 lượt người hưởng trợ cấp BHXH một lần; 3.096.410 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Tính đến hết tháng 3-2018, cả nước đã bàn giao được 11.325.624 sổ BHXH cho người lao động, đạt 78,81%...
Anh Thu