Công tác bảo hiểm xã hội trong Quân đội - Kết quả và kinh nghiệm
Tọa đàm Nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong Quân đội.

Trong suốt 10 năm qua, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã không ngừng phấn đấu, từng bước trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng có chức năng quản lý, tổ chức, thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng trong Quân đội và bảo hiểm y tế đối với thân nhân của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng. Trong Quân đội, chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội liên quan đến nhiều đối tượng thụ hưởng, tác động sâu sắc tới tâm tư, tình cảm của mọi cán bộ, chiến sĩ và người lao động trong Quân đội. Vì vậy, ngay sau khi thành lập, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã tập trung ổn định tổ chức, biên chế; xây dựng quy chế làm việc, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, bảo đảm việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý đúng quy trình, thẩm quyền, nhanh chóng, thuận tiện. Thực hiện theo cơ chế mới, công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong Quân đội đã đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các đối tượng thụ hưởng; bảo đảm bí mật quốc phòng. Quỹ bảo hiểm được quản lý chặt chẽ, minh bạch. Những đóng góp của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng và công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong Quân đội thời gian qua được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng nhiều phần thưởng cao quý1, góp phần củng cố niềm tin của đối tượng thụ hưởng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chế độ.

Để đạt được kết quả đó, 10 năm qua, cán bộ, nhân viên Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, bám sát chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu thụ hưởng của cán bộ, chiến sĩ để xác định nội dung, biện pháp tiến hành cho phù hợp và đạt được yêu cầu đề ra. Qua quá trình thực hiện, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

1. Tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ đặc thù trong Quân đội. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội nghiên cứu, tham gia có hiệu quả vào các dự thảo luật, nghị định, thông tư có liên quan đến lực lượng vũ trang, trọng tâm là Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung và nhiều văn bản khác, được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng còn đề xuất nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong toàn quân, điển hình như: Chỉ thị 92/CT-BQP, ngày 27-10-2009 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong Quân đội theo cơ chế mới; Kế hoạch 787-KH/QUTW, ngày 26-12-2013 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020” trong Quân đội; Chỉ thị 210-CT/QUTW, ngày 01-4-2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về lãnh đạo tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế đối với quân nhân tại ngũ giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, v.v. Những văn bản này đã góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác bảo hiểm xã hội trong Quân đội. Trên cơ sở đó, thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, đảm bảo cho công tác Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như nhu cầu thụ hưởng của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân.

Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong toàn quân nắm chắc nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để tham mưu đúng, trúng việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong Quân đội, phù hợp với điều kiện hoạt động đặc thù của các đơn vị, nhất là những đơn vị đứng chân trên địa bàn khó khăn, phức tạp, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng nhiều giải pháp trong triển khai, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế quân nhân tại ngũ, đáp ứng sự phát triển của pháp luật về bảo hiểm y tế và yêu cầu thực tiễn. Theo đó, việc thực hiện bảo hiểm y tế đối với quân nhân chỉ thay thế phương thức thực hiện và nguồn bảo đảm tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên từ ngân sách nhà nước sang quỹ bảo hiểm y tế; các khoản ngân sách nhà nước bảo đảm cho các nhiệm vụ khác về quân y của Quân đội, vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Việc thực hiện Bảo hiểm y tế được tiến hành theo lộ trình: năm 2016 - 2017 ít nhất là 30%; năm 2018 - 2019 ít nhất là 60%; và từ ngày 01-01-2020 thực hiện đối với 100% quân nhân. Đối với các đơn vị chưa tham gia bảo hiểm y tế (theo lộ trình), vẫn thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh và do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh như quy định hiện hành. Việc đóng bảo hiểm y tế cho quân nhân hoàn toàn do ngân sách nhà nước bảo đảm, hiện nay tính bằng 4,5% tiền lương tháng (đối với người hưởng lương) và 4,5% mức lương cơ sở (đối với người hưởng sinh hoạt phí). Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cấp thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu riêng cho quân nhân, có giá trị sử dụng trên toàn quốc, v.v.

2. Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đảm bảo đầy đủ, kịp thời, thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã chủ động, tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu, chi, cấp sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội một cách thuận lợi, nhanh chóng, chính xác. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã góp phần cải thiện đáng kể điều kiện làm việc, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, thủ tục hành chính; nâng cao tính khoa học, chính xác và bảo đảm bí mật quốc phòng. Thực hiện theo cơ chế mới, công tác giải quyết chế độ chính sách bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng được thực hiện trực tiếp với cơ quan nhân sự các đơn vị, nên việc giải quyết hồ sơ được thấu đáo, thuận tiện, bảo đảm tốt nhất quyền lợi về bảo hiểm xã hội của đối tượng thụ hưởng, không để vướng mắc, kéo dài.

Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế quân nhân theo lộ trình quy định của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai, tổ chức thực hiện, bước đầu đạt hiệu quả thiết thực. Qua hơn hai năm thực hiện, quân nhân được tiếp cận các kỹ thuật y tế tiên tiến, các cơ sở quân y bước đầu có điều kiện tái đầu tư một phần về trang thiết bị, điều kiện làm việc. Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế quân nhân đã huy động được trách nhiệm, tiềm lực của cả hệ thống y tế, ngành Bảo hiểm xã hội và toàn xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ.

3. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật cho mọi đối tượng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Bảo hiểm xã hội Bộ quốc phòng luôn coi trọng công tác phổ biến, tuyên truyền chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho tất cả đối tượng trong các đơn vị, từ lãnh đạo, chỉ huy đến người trực tiếp giải quyết và đối tượng thụ hưởng. Công tác tuyên truyền thường xuyên được đổi mới, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của các đối tượng, như: phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài Quân đội mở chuyên trang, chuyên mục; phát hành tờ gấp; xây dựng tiểu phẩm truyền hình, sân khấu hóa, v,v. Đặc biệt, Ngành đã chú trọng hình thức tuyên truyền miệng trực tiếp tới lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong toàn quân, thông qua buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt thời sự, giải đáp - tư vấn, v.v. Cùng với đó, định kỳ hằng quý, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng còn xuất bản ấn phẩm “Thông tin công tác Bảo hiểm xã hội trong Quân đội”, phát hành tới các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy từ Bộ đến cấp trung đoàn và tương đương, đội ngũ trực tiếp làm công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, mở Trang thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, giúp các đối tượng thụ hưởng có kênh thông tin chính thống để tìm hiểu, tra cứu. Hiệu quả công tác tuyên truyền đã góp phần tích cực trong quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong toàn quân ngày càng tốt hơn. Qua đó, người lao động trong Quân đội có thêm kiến thức, quyền và trách nhiệm giám sát các cơ quan chức năng trong việc thực thi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho chính bản thân và thân nhân của mình.

Từ việc nghiêm túc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, góp phần tích cực vào sự nghiệp an sinh xã hội của Quân đội và đất nước.

Đại tá NGUYỄN VĂN ĐỊNH
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng

________________

1 - Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất