Thượng tướng Lê Chiêm, Trưởng đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc.
Trong chương trình làm việc, Đoàn Giám sát làm việc tại BHXH tỉnh; khảo sát tình hình khám chữa bệnh (KCB bảo hiểm y tế (BHYT) tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện Y học cổ truyền. Sau đó, Đoàn làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan của tỉnh về tình hình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.
Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT
Tại buổi giám sát, các đại biểu tập trung đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách BHXH, BHYT; tình hình cải cách thủ tục hành chính của BHXH tỉnh; nguyên nhân dẫn đến nợ đọng, bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn; giải pháp triển khai trong thời gian tới nhằm hạn chế gia tăng các chi phí bất hợp lý, sử dụng có hiệu quả, đúng quy định quỹ BHYT…
Báo cáo tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên Ngô Chí Dũng cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 21-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn. Kết quả, số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm (BH) thất nghiệp hằng năm đều tăng so với chỉ tiêu được giao.
Cụ thể: Tính đến ngày 30-6-2018, tổng số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp và BHYT của tỉnh là hơn 1,2 triệu người, đạt 97,12% kế hoạch. So với lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn (xấp xỉ 769 nghìn người) thì số người tham gia BHXH đạt 29%, BH thất nghiệp đạt 27,3% và độ bao phủ BHYT đạt 95,6% dân số toàn tỉnh. Tổng số thu là 2.434 tỷ đồng, đạt 47,26% so với kế hoạch BHXH Việt Nam, tăng 13,19% so với cùng kỳ năm 2017.
Đồng thời với công tác thu và mở rộng đối tượng, công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được BHXH tỉnh thực hiện liên tục, kịp thời, bảo đảm đúng quy định; thường xuyên rà soát chức danh nghề đã ghi trong sổ BHXH của người lao động, thực hiện điều chỉnh chức danh nghề ghi chưa đúng, chưa đủ theo hồ sơ gốc để bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi giải quyết các chế độ BHXH; người tham gia BHYT được bảo đảm quyền lợi khi đi KCB BHYT.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương phát biểu tại buổi làm việc.
BHXH tỉnh đã đẩy mạnh rà soát, cập nhật dữ liệu và nhập quá trình tham gia BHXH để trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH. Tính đến 30-6-2018, BHXH tỉnh đã bàn giao 250.222 sổ BHXH, đạt 96,23%.
BHXH tỉnh cũng tăng cường công tác cải cách thủ tục (TTHC), niêm yết công khai các TTHC, vận hành hiệu quả phần mềm tiếp nhận hồ sơ để luân chuyển và giải quyết hồ sơ trả kết quả cho đơn vị, cá nhân đúng thời gian quy định nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, chuyên nghiệp trong công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Duy trì nghiêm túc việc tổ chức bộ phận “Một cửa” tại BHXH tỉnh và BHXH huyện, thị xã. Duy trì đầu mối kiểm soát TTHC thường xuyên rà soát hồ sơ, quy trình thủ tục giải quyết các TTHC để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế… Do đó, công tác giải quyết TTHC đã được rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân. Tính đến ngày 30-6-2018, tổng số hồ sơ tiếp nhận qua giao dịch điện tử là 19.105, qua dịch vụ bưu chính là 8.619; tổng số hồ sơ đã trả qua dịch vụ bưu chính là 39.331. Hiện tại đã có 4.807/4.828 đơn vị thực hiện nhận và trả kết quả TTHC qua bưu chính và 2.950/4.807 đơn vị đã thực hiện giao dịch điện tử.
Báo cáo của BHXH tỉnh cũng cho thấy, công tác thu và phát triển đối tượng trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Còn một số doanh nghiệp (DN) chưa tham gia đầy đủ BHXH cho người lao động đang làm việc và có hưởng lương tại DN; người lao động tại các khu công nghiệp tính ổn định không cao, thường xuyên vào, ra với số lượng khá lớn. Nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn diễn ra, có những DN nợ đọng kéo dài. Đến 30-6, tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 106 tỷ đồng, chiếm 2,06% kế hoạch thu, giảm 15,12% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, đặc biệt lưu ý 14 tỷ nợ của 238 đơn vị (bao gồm: 224 đơn vị mất tích với số nợ 12,572 tỷ đồng; 13 đơn vị đang giải thể, phá sản với số nợ 1,247 tỷ đồng; 1 đơn vị đã giải thể, phá sản với số nợ 69 triệu đồng). Nhận thức của một số chủ sử dụng lao động, người lao động và người dân về chính sách BHXH, BHYT chưa đầy đủ; tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT vẫn đang diễn ra….
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng phát biểu tại buổi làm việc.
Giám đốc BHXH tỉnh Ngô Chí Dũng cũng cho biết, để khắc phục tình trạng này, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, Nghị quyết 21-NQ/TW và Quyết định 1167/QĐ-TTg. BHXH tỉnh chủ động, thường xuyên báo cáo, tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể liên quan trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, tập trung vào nhóm người lao động trong các khu công nghiệp và người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho rằng, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Thái Nguyên được triển khai bài bản, cơ bản các chỉ tiêu đều đạt, một số chỉ tiêu vượt mức kế hoạch được giao. Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn nhiều vấn đề cần phải tìm giải pháp khắc phục. Nợ BHXH, BHYT ở mức bình quân chung của cả nước nhưng số tuyệt đối vẫn rất lớn, nhất là nợ ở DN phá sản giải thể chưa xử lý được. Các chỉ tiêu về BHXH, BH thất nghiệp tương ứng chỉ tiêu bình quân chung toàn quốc, tuy nhiên, vẫn còn 600 DN với gần 10.000 lao động chưa được tham gia. Với hơn 3000 người tham gia BHXH tự nguyện là con số rất thấp.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị, Ngành LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngành BHXH rà soát lại số lao động chưa tham gia và thực hiện các giải pháp đưa vào diện tham gia BHXH. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương cũng đề nghị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển số người tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là BHXH tự nguyện cho tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của địa phương.
Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH chia sẻ, phát triển đối tượng tham gia BHXH là một nhiệm vụ khó khăn. Ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND ban hành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện để tăng đối tượng tham gia. Trong đó, đặc biệt chú ý đến người dân tại các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cũng đề nghị, Nhà nước quan tâm điều chỉnh chính sách về BHXH tự nguyện, tạo thuận lợi nhất và sự hỗ trợ cao nhất cho người tham gia.
Quang cảnh buổi làm việc.
Kiên quyết xử lý các vi phạm trong KCB BHYT
Về công tác KCB BHYT, Giám đốc BHXH tỉnh Ngô Chí Dũng cho biết, BHXH tỉnh hiện đang ký hợp đồng KCB BHYT với 46 cơ sở KCB. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, căn cứ vào số chi thực tế năm 2017, số thẻ đăng ký ban đầu năm 2018, BHXH tỉnh đã họp với các cơ sở KCB BHYT thống nhất giao quỹ KCB BHYT để các cơ sở KCB chủ động quản lý, sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số bất cập.
Tính đến ngày 30-8-2018, tổng chi phí KCB toàn tỉnh ước tính 831,69 tỷ đồng, so với dự toán Chính phủ giao đã sử dụng 62,32%; so với quỹ KCB 8 tháng đầu năm ước tính mất cân đối 7,3 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2018, sẽ có khoảng 1,94 triệu lượt bệnh nhân KCB BHYT với số tiền khoảng 1.300 tỷ đồng; quỹ KCB mất cân đối khoảng hơn 70 tỷ đồng. Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong kết cấu giá dịch vụ y tế còn một số bất cập. Giường nội trú kê thêm nhưng nhân lực không bảo đảm, tỷ lệ giường thực kê/giường kế hoạch chiếm trên 200%, tỷ lệ thanh toán tiền giường năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2015, tỷ lệ thanh toán tiền giường chiếm 16,5% trong tổng số chi BHYT thì năm 2016 là 39%, trong khi tỷ lệ bình quân chung toàn quốc là 17,4%. Bên cạnh đó, ngày điều trị nội trú bình quân của tỉnh còn cao là 8,2 ngày (toàn quốc là 7,04 ngày); tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú năm 2017 là 13,58% (toàn quốc là 9,16%);…
Trao đổi về việc quản lý quỹ KCB BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đánh giá, tại Thái Nguyên, Ngành BHXH đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác này. Năm 2017 có vượt quỹ nhưng ở mức độ thấp. Dự kiến năm 2018 tiếp tục vượt dự toán hơn 79 tỷ. Thời gian qua, công tác KCB BHYT trên địa bàn tỉnh nổi lên một số vấn đề cần quan tâm như: Tần suất KCB vẫn cao; tần suất vào nội trú cao hơn bình quân chung cả nước; các cơ sở KCB tích cực chỉ định vào nằm điều trị nội trú; tần suất chỉ định một số dịch vụ kỹ thuật cơ bản cao; một số chỉ định điều trị nội trú chưa hợp lý… Từ đó, dẫn đến cơ cấu chi phí KCB thay đổi như: Ngày giường bệnh cao, chiếm 30,23% trong khi chi phí trực tiếp điều trị cho người bệnh như thuốc lại giảm đi còn 24,6%....
Giám đốc BHXH tỉnh Ngô Chí Dũng báo cáo tại buổi làm việc.
Bên cạnh đó, 100% cơ sở KCB BHYT đã sử dụng phần mềm quản lý KCB kết nối liên thông và chuyển dữ liệu đến Hệ thống thông tin giám định BHYT, tuy nhiên, các cơ sở y tế chuyển dữ liệu lên Cổng giám định điện tử còn thấp, mới có khoảng 50%. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương nhấn mạnh: Hệ thống thông tin giám định BHYT thể hiện tính công khai, minh bạch, qua đó tạo niềm tin để người dân yên tâm và tích cực tham gia BHYT và đề nghị các cơ sở KCB BHYT chuyển thông tin kịp thời lên Cổng giám định, phục vụ kiểm soát thông tuyến, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi trong KCB BHYT.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị, Ngành BHXH và Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ trong thực hiện KCB BHYT, báo cáo UBND tỉnh những yếu tố bất thường để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, tìm giải pháp tháo gỡ.
Lý giải về tình trạng chi phí đa tuyến cao, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên Vi Xuân Hồng cho rằng, do người dân lựa chọn cơ sở KCB có chất lượng cao. Trình độ chuyên môn của các trạm y tế xã chưa cao, danh mục thuốc ít và trạm y tế xã chỉ là nơi sơ cấp cứu ban đầu, còn điều trị là phải chuyển lên tuyến trên. Ngành Y tế Thái Nguyên cũng đầu tư nhiều dịch vụ kỹ thuật cao phục vụ người dân cũng là một nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí. Về tần suất KCB cao hơn cả nước, lãnh đạo Sở Y tế khẳng định, sẽ có biện pháp; tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra… Giám đốc Vi Xuân Hồng cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm và hứa sẽ chỉ đạo sát sao hơn, cũng như đề nghị các ngành tuyên truyền, các đoàn thể tuyên truyền giúp Ngành Y tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng khẳng định, Thái Nguyên luôn quan tâm thực hiện các chính sách BHXH, BHYT. Hằng năm, Thái Nguyên chi 117 tỷ từ ngân sách hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho một số đối tượng. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người lao động và nhân dân trong tỉnh.
Tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, tích cực chỉ đạo phát hiện, phòng chống việc lạm dụng quỹ BHXH, BHYT. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam và BHXH Việt Nam để Thái Nguyên thực hiện tốt chính sách về BHXH, BHYT.
Đoàn giám sát thực hiện khảo sát tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Phát biểu kết luận, Thượng tướng Lê Chiêm đánh giá cao và biểu dương những kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh Thái Nguyên; biểu dương tính năng động, tích cực của BHXH tỉnh khi tham mưu, tổ chức triển khai; biểu dương các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với BHXH trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ.
Thượng tướng Lê Chiêm đề nghị, các cấp, ngành của tỉnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm, xác định chỉ tiêu tham gia BHXH, BHYT là chỉ tiêu quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, DN và mỗi người dân theo đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Ngành Y tế cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ y, bác sĩ nhằm đáp ứng sự hài lòng của nhân dân. Ngành BHXH đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết nhanh, gọn các thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Trước một số bất cập trong công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Thượng tướng Lê Chiêm yêu cầu tỉnh cần phân tích, làm rõ nguyên nhân hiện vẫn còn nhiều DN chưa tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để có giải pháp kịp thời; thực hiện tốt quản lý sử dụng quỹ BHYT; tích cực sử dụng đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh diện bao phủ BHYT; nâng cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng khám, chữa bệnh tốt là một trong những hình thức hiệu quả tuyên truyền về chính sách BHYT. Thượng tướng Lê Chiêm cũng đề nghị các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng công an cần đẩy mạnh kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm, khắc phục tình trạng gia tăng chi phí khám, chữa bệnh không cần thiết, trái quy định.