Phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế

Tại hội nghị, các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về BHYT, công tác tổ chức thực hiện BHYT trong 6 tháng đầu năm 2018 được các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tập trung đánh giá, phân tích, làm rõ các kết quả đạt được và biện pháp khắc phục một số hạn chế còn tồn tại.

Tính đến hết tháng 6-2018, tổng số người tham gia BHYT đạt 81,5 triệu người, tăng 1,6 triệu so với năm 2017, đạt tỷ lệ bao phủ gần 87% dân số; trong đó 38 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg. Tổng số thu BHYT đạt 47% kế hoạch Chính phủ giao.

Bộ Y tế đã ban hành hai thông tư; bao gồm Thông tư 15/2018/TT-BYT ngày 30-5-2018 quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; Thông tư số 08/2018/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2017/TT-BHYT quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ chi phí cùng chi trả với thuốc kháng HIV; trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; ban hành Quyết định về danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện theo Thông tư 15/2018/TT-BYT; Quyết định 4884/QĐ-BYT ban hành bổ sung danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện theo Thông tư 15/2018/TT-BYT.

Bộ Y tế, BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 1-7, điểm nhấn là hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở”.

Tại hội nghị, các vấn đề liên quan đến tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, lập dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT, định mức kinh tế kỹ thuật trong thực hiện dịch vụ y tế; thanh toán dịch vụ trong trường hợp đặt máy đấu thầu hóa chất; phối hợp trong công tác kiểm tra, công tác xây dựng chính sách, pháp luật về BHYT; khó khăn trong thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh (về hình thức tổ chức, đăng ký hành nghề, cấp chứng chỉ hành nghề) liên doanh, liên kết nhằm xã hội hóa việc mua đặt máy, thanh toán ngày giường nội trú tại phòng khám đa khoa khu vực; tình hình liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT… được các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đưa ra các báo cáo đánh giá chi tiết, phân tích các hạn chế tồn tại, thảo luận một số biện pháp tháo gỡ.

Trong các tháng cuối năm, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ bước đầu triển khai quá trình đề xuất sửa đổi Luật BHYT; tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại ở cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, dự kiến thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố…

Nêu rõ quan điểm, đề xuất xử lý một số vướng mắc còn tồn tại, đồng thời Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn mong rằng trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin đa chiều, làm rõ các vấn đề bằng các báo cáo, số liệu thống kê từ đó có hướng giải quyết triệt hợp lý các khó khăn. Cơ quan BHXH luôn tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế trong giám định, tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh, tuy nhiên Bộ Y tế cần chỉ đạo quyết liệt các cơ sở y tế thực hiện nghiê
m túc việc liên thông dữ liệu, có chế tài xử lý các đơn vị không thực hiện đúng theo quy định.


Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phạm Lê Tuấn (ảnh trên) nêu đánh giá khái quát kết quả thực hiện chính sách BHYT 6 tháng đầu năm 2018, trong đó nổi bật là tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng; công tác truyền thông chính sách BHYT tạo được điểm nhấn, nâng vai trò của y tế cơ sở… Còn một số vướng mắc xuất phát từ nhận thức ở cơ sở. Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ cùng BHXH Việt Nam sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện. Các đơn vị trực thuộc của hai cơ quan, các đơn vị ở cơ sở cũng phải tích cực trao đổi với tinh thần xây dựng, chủ động tháo gỡ khó khăn. Công tác kiểm tra sẽ được tăng cường, ngăn ngừa trục lợi BHYT, tuy nhiên cần chú trọng việc phát hiện, dự báo các yếu tố bất thường, qua đó kịp thời chấn chỉnh, tránh để việc phải xử lý hậu quả lớn. Các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả cần tiếp tục phát huy; Bộ Y tế, BHXH Việt Nam phối hợp chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các cơ sở đang còn hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất