Đắk Nông đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị
Chính sách bảo hiểm xã hội từng bước đi vào cuộc sống

Với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Đắk Nông đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực triển khai trong toàn tỉnh, góp phần đưa chính sách BHXH từng bước đi vào cuộc sống.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và BHXH tỉnh Đắk Nông ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 3-5-2013 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tỉnh cũng tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc tinh thần Nghị quyết 21 đến cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên từ tỉnh xuống cơ sở.

Cùng với đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở văn bản của cấp trên, các cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết theo định hướng chung của tỉnh. Đồng thời, các chỉ tiêu về thực hiện chính sách BHXH cũng được đưa vào trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và xem đây là một tiêu chí quan trọng của địa phương, đơn vị.

Trên cơ sở các mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chương trình hành động số 24-CT/TU, các ngành, địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa từng quan điểm chỉ đạo, tập trung nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến trong công tác phối hợp tuyên truyền giữa các đơn vị liên quan.

Cụ thể, để Nghị quyết có sức lan tỏa, sớm đi vào cuộc sống, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng với BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể trên địa bàn triển khai đồng bộ, sâu rộng các hoạt động tuyên truyền. Nhiều đơn vị, địa phương còn tổ chức các hội thi, tọa đàm, đối thoại về chính sách BHXH. Các báo, tạp chí đều có những chuyên trang, chuyên mục giới thiệu các quan điểm của Đảng về chính sách BHXH, BHYT, tạo diễn đàn sôi nổi và làm sâu sắc hơn nhận thức về chính sách BHXH  trong quần chúng nhân dân.

Đồng chí Hồ Tấn Lộc, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Nông cho biết: “Một trong những đổi mới trong công tác tuyên truyền về chính sách BHXH đó là việc đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp sử dụng lao động. Với nhiều ưu điểm, hiệu quả, hình thức này đang được ngành tập trung đẩy mạnh. Qua đây, cơ quan BHXH có thể kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng cũng như giải đáp trực tiếp những thắc mắc của người dân, giúp họ hiểu hơn về chính sách BHXH”.

Thời gian qua, việc đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp sử dụng lao động luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị như: Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội LHPN tỉnh… Riêng trong năm 2017, BHXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hơn 120 buổi tập huấn, tuyên truyền, đối thoại trực tiếp đến người dân. Đồng chí Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN cho biết: “Không chỉ phối hợp tổ chức các buổi đối thoại với người dân, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh còn động viên mỗi cán bộ hội trở thành một tuyên truyền viên tích cực, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đưa chính sách BHXH, BHYT đến với mọi người dân trên địa bàn, qua đó góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu mà Nghị quyết 21 đề ra”.

Tham gia BHXH, người lao động sẽ được hưởng các chế độ, chính sách, bảo đảm cuộc sống khi về già. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Tất Thắng (Cư Jút) phân loại củ lạc.

Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Đối với ngành BHXH, hiện nay đã triển khai thực hiện có hiệu quả 3 hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính. Đó là, giao dịch trực tiếp tại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính tại cơ quan BHXH; giao dịch điện tử; cung cấp các dịch vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính công ích. Điều này đã tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ.

Thông qua phần mềm giao dịch điện tử, việc quản lý, theo dõi, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả về lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) luôn bảo đảm công khai, minh bạch và chuyên nghiệp. Đến nay, phương thức giao dịch điện tử đã được triển khai tại tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh, với 1.225 đơn vị sử dụng lao động tham gia, chiếm 84,48%.

Ngoài ra, từ  năm 2017, BHXH Đắk Nông bắt đầu chuẩn hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu và quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Đây là một bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm sự minh bạch thông tin về quá trình đóng BHXH, bảo đảm lợi ích tối đa của người lao động.

Tư vấn chế độ, chính sách BHXH cho công nhân, người lao động tại Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV.

Những chuyển biến tích cực

Với những giải pháp tích cực, chủ động, đến nay, các chính sách, chế độ BHXH được triển khai đầy đủ, kịp thời, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Tính đến hết năm 2017, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 496.689 người. Theo đó, số người tham gia BHXH bắt buộc: 31.666 người, BHXH tự nguyện: 1.383 người, BHTN: 25.311 người; số người tham gia BHYT: 495.306 người. So với năm 2012, thời điểm triển khai Nghị quyết, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng hơn 17,6%; số người tham gia BHXH tự nguyện tăng hơn 74%; số người tham gia BHYT tăng hơn 21%.

Song song với công tác phát triển đối tượng tham gia, công tác thu, chi, giải quyết chế độ BHXH, BHYT và quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT cũng đã có hiệu quả nhất định. Số thu BHXH, BHYT hàng năm đều hoàn thành đạt và vượt kế hoạch nhà nước giao, năm sau cao hơn năm trước. Tính riêng năm 2017, toàn tỉnh có số thu đạt trên 853,3 tỷ đồng, tăng 27,72% so với năm 2016 và đạt 108,1% với kế hoạch BHXH Việt Nam giao.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, ngành đã giải quyết chế độ, chính sách BHXH cho 4.265 lượt người. Cụ thể, thực hiện chi trả cho 417 người hưởng mới BHXH hàng tháng; số lượt người hưởng trợ cấp một lần trong năm là 2.481 lượt người. Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.367  lượt người hưởng chế độ trợ cấp BHTN… Tổng số chi từ nguồn quỹ BHXH là 211,15 tỷ đồng.

Nhận diện những khó khăn, thách thức

Người lao động tự do có thể tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng quyền lợi khi về già.

Mặc dù nhiều giải pháp quyết liệt đã được triển khai, song do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn Đắk Nông vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đầu tiên phải kể đến là diện bao phủ BHXH đạt thấp. Theo thống kê của BHXH tỉnh Đăk Nông, tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có hơn 33.000 người tham gia BHXH, chiếm khoảng 8,7% lực lượng lao động trên địa bàn. Như vậy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, diện bao phủ BHXH chỉ tăng khoảng 0,6%. Đây là tỷ lệ khá thấp, chưa đạt được sự kỳ vọng của chính sách và còn một khoảng cách rất xa so với mục tiêu Nghị quyết đặt ra là đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.

Thực tế cho thấy, ngoài đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì hiện nay, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến năm 2017, toàn tỉnh có 1.383 người tham gia BHXH tự nguyện, chỉ chiếm gần 0,4% lực lượng lao động.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực tế trên là do công tác tuyên truyền, vận động, triển khai về chính sách BHXH chưa thực sự sâu rộng, thiếu đồng bộ nên nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, ý nghĩa cũng như quy trình, thủ tục đăng ký khi tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp... thường có thu nhập thấp và không ổn định.

Một thách thức không nhỏ trong công tác thu BHXH đó là tình trạng nợ đọng BHXH. Thời gian qua, các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp nhưng đến nay, vấn đề này vẫn chưa được kiểm soát tốt, ảnh hưởng đến quỹ BHXH cũng như quyền lợi của người lao động. Thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết năm 2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh lên đến trên 32 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH bắt buộc hơn 29 tỷ đồng, nợ BHYT 1,9 tỷ đồng, nợ BHTN hơn 1,16 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng số nợ khó thu và nợ đơn vị đã khởi kiện nhưng không thi hành án gần 17 tỷ đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng Phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH tỉnh Đắk Nông) thì nguyên nhân nợ BHXH kéo dài là do một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, số lao động ít, sức cạnh tranh kém hoặc làm ăn không hiệu quả, dẫn đến lợi nhuận thấp hoặc thua lỗ. Hiện, một số doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng hoặc giải thể, phá sản nên việc trích nộp BHXH chưa kịp thời, đúng quy định. Đơn cử như Công ty Cổ phần Đông Bắc (Krông Nô), nhiều năm nay liên tục kinh doanh thua lỗ, số lượng công nhân giảm từ 500 người xuống còn 20 người. Không chỉ nợ BHXH, công ty còn nợ thuế và lương của người lao động. Tính đến tháng 4-2018, thời gian nợ BHXH của công ty lên đến 67 tháng với tổng số nợ hơn 2 tỷ đồng.

Ngoài một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thì lãi suất tiền phạt chậm đóng BHXH còn thấp, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH. Hiện nay, mức xử phạt được xem là quá nhẹ, trong khi lãi suất chậm nộp áp dụng lại thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Do đó, nhiều doanh nghiệp “nhờn thuốc”, chấp nhận vi phạm, chịu xử phạt hành chính nhằm chiếm dụng quỹ BHXH phục vụ lợi ích riêng.

Một thực tế nữa là, việc quản lý, xác định đối tượng tham gia BHXH trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Cơ quan BHXH chỉ có thể kiểm soát được đối với những doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo tình hình sử dụng lao động và lập sổ theo dõi biến động lao động theo quy định. Còn hầu hết các cơ sở kinh doanh của hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có tổ chức công đoàn, thì khi họ không khai báo, cơ quan BHXH không thể kiểm soát được số lượng lao động.

Ngoài ra, việc thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Cụ thể, cấp ủy, chính quyền một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác BHXH, chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt và chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH. Công tác phối hợp liên ngành trong giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm chính sách BHXH còn chưa đồng bộ, thống nhất. Việc thực hiện một số quy định mới còn bất cập. Tình trạng người lao động nhận BHXH một lần tăng nhanh…

Một buổi trao đổi về kỹ năng truyền thông để nâng cao tỷ lệ người tham gia BHXH.

Tập trung thực hiện tốt các mục tiêu lớn   

Thực tế trên đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể cần tiếp tục có những quan điểm chỉ đạo, giải pháp cụ thể, phù hợp hơn nữa để chính sách BHXH thực sự trở thành công cụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Trên cơ sở các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW đặt ra, Tỉnh ủy Đắk Nông đã tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện lộ trình BHYT toàn dân; xây dựng lộ trình cụ thể từng năm cho 2 mục tiêu về BHXH, BHTN. Để làm được điều này, công tác thông tin, truyền thông phải tiếp tục được đẩy mạnh, bởi đây là nhân tố quan trọng trong việc định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của chính sách BHXH. Theo đó, công tác tuyên truyền về chính sách BHXH cần đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 21.

Cùng với công tác tuyên truyền, theo BHXH tỉnh, là đơn vị tổ chức thực hiện, đơn vị tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 21 cũng như pháp luật về BHXH, BHYT. Ngành cũng sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHYT, BHXH tại địa phương. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được chú trọng, gắn với khởi kiện những đơn vị sử dụng lao động để nợ đọng, trốn đóng BHXH cho người lao động. Đơn vị cũng tăng cường giám sát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế để quản lý, sử dụng Quỹ BHYT một cách hiệu quả.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT, BHXH. Việc tiếp nhận, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Ngoài ra, các hoạt động sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết sẽ được tiến hành định kỳ thường xuyên để qua đó kịp thời đề ra những mục tiêu, kế hoạch, lộ trình, giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong từng thời điểm nhất định.

 

Nghị quyết 21-NQ/TW đã đặt ra ba mục tiêu lớn. Một là, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân; phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN; hơn 80% số dân tham gia BHYT. Hai là, quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH, BHYT. Ba là, xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

Tạo bước đột phá

Thực tế cho thấy, trước những khó khăn, thách thức đặt ra hiện nay, việc cải cách chính sách BHXH được đánh giá là giải pháp cần thiết, tạo bước đột phá trong việc đưa chính sách vào cuộc sống. Đây cũng là nội dung của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH được thông qua tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) mới đây.

Trong đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng diện bao phủ BHXH, khẳng định mục tiêu hướng tới BHXH toàn dân, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Đặc biệt, để mở rộng diện bao phủ BHXH, Nghị quyết nêu rõ, cần tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách. Các quy định được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, hấp dẫn người dân tham gia BHXH nhiều hơn, để mọi người dân đều được bảo đảm an sinh ở mức tối thiểu trở lên.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách BHTN được chú trọng, không chỉ tập trung vào các giải pháp xử lý hậu quả thông qua chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm, mà còn phải chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động. Điều này sẽ góp phần giúp người lao động có việc làm bền vững hơn, tránh tình trạng như hiện nay khi không ít người lao động bị mất việc ở độ tuổi 35 – 40 và rất khó để tìm việc làm trở lại.

Nghị quyết số 28 cũng yêu cầu sửa đổi, nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng; mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc, hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết.

Ngoài ra, việc hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH cũng được quan tâm theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý Quỹ BHXH có thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH. Đồng thời, các doanh nghiệp và người lao động có quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý Quỹ BHXH nếu phát hiện có sai phạm trong thực hiện chính sách BHXH.

Theo BHXH tỉnh Đắk Nông, những nội dung cải cách chính sách BHXH lần này sẽ là giải pháp quan trọng, tạo ra những đột phá, chuyển biến tích cực trong xã hội. Cũng như những quyết sách khác, để Nghị quyết số 28 đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất là sự quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bài, ảnh: Vũ Trang


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất