Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị liên quan của Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bộ TT-TT, Bộ Tư pháp, Bộ KH-ĐT; Trung tâm Phát hành thẻ của một số ngân hàng; đại diện một số cơ sở KCB; đại diện các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4173/VPCP-KSTT ngày 8/5/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử, BHXH Việt Nam đã dự thảo Tờ trình Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp, quản lý, sử dụng thẻ BHYT điện tử. Để thống nhất ý kiến và hoàn thiện văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam tổ chức hội thảo này để xin ý kiến một số đơn vị trong và ngoài Ngành.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, quy định của Luật BHXH và Luật BHYT, đến năm 2020, cơ quan BHXH phải cấp thẻ điện tử cho người tham gia BHXH, BHYT. Việc chuyển đổi sang hình thức sổ, thẻ mới này cũng là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý, cải cách TTHC và ứng dụng CNTT. Vì vậy, trong 3 năm qua, ngành BHXH đã rất nỗ lực để xây dựng CSDL tập trung về đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Trong đó, đã thực hiện cấp số định danh cá nhân (mã số BHXH) cho người tham gia BHXH, BHYT; kết nối được với hơn 14.000 cơ sở KCB trên cả nước; hệ thống CNTT của Ngành cũng được đầu tư, nâng cấp… sẵn sàng cho việc triển khai thẻ BHXH, BHYT điện tử.
Thông tin tại hội thảo, ông Vũ Khánh Bình- Trưởng ban Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết: Ban soạn thảo đã xây dựng 2 phương án để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, phương án 1 chỉ thực hiện riêng về thẻ BHYT điện tử và phương án 2 là một loại thẻ tích hợp cả BHXH, BHYT điện tử.
Theo ông Bình, sổ BHXH và thẻ BHYT hiện đang sử dụng đều trên chất liệu giấy, nhanh bị hư hỏng, nhàu nát, khó bảo quản để sử dụng lâu dài. Từ thực tiễn hiện đại hóa hoạt động quản lý của BHXH Việt Nam, thì việc chuyển đổi sang hình thức thẻ BHXH, BHYT điện tử là khả thi. Đặc biệt, việc tích hợp cả 2 loại trong một thẻ chung sẽ giúp tạo sự thuận lợi và tiết kiệm chi phí…
Nhận định về xu hướng sử dụng thẻ BHXH, BHYT điện tử, hầu hết ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, đơn vị đều ủng hộ phương án 2 mà Ban soạn thảo đưa ra, là tích hợp sổ BHXH và thẻ BHYT trong một thẻ điện tử chung. Ông Phạm Trọng Cường- Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) chia sẻ: “Việc ban hành thẻ BHXH, BHYT điện tử rất cần thiết và cấp bách, khi năm 2020 đã đến rất gần. Tôi ủng hộ phương án tích hợp 2 loại sổ, thẻ thành một. Việc tích hợp này có đầy đủ cơ sở pháp lý và điều kiện để thực hiện; đồng thời cũng phù hợp với yêu cầu CCHC”.
Tuy nhiên, góp ý cho các bản dự thảo, nhiều đại biểu, chuyên gia cũng mong muốn Ban soạn thảo cần chỉnh sửa, cân nhắc một số vấn đề như: Việc thực hiện tích hợp thẻ BHXH, BHYT điện tử cần sự tính toán, xem xét kỹ để có lộ trình phù hợp; cần xây dựng yếu tố mở để thẻ BHXH, BHYT điện tử có thể tích hợp thêm trong tương lai hay đảm bảo sự kết nối, liên thông, chia sẻ với các CSDL quốc gia, CSDL của ngành khác; cần xem xét chọn giải pháp công nghệ, kinh phí đầu tư và giá trị sử dụng của thẻ phù hợp...
Kết luận hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đơn vị; đồng thời yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến trên để chỉnh sửa bản dự thảo theo phương án thứ 2 và tiếp tục xin ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện, sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
Phạm Chính